Công tác hội nhập kinh tế quốc tế “vượt khó” tạo đột phá, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP
Chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương diễn ra vào chiều 23/12, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - cho rằng: Năm 2024 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác hội nhập kinh tế quốc tế, vì xu hướng toàn cầu về hội nhập kinh tế quốc tế có nhiều diễn biến bất lợi, khó lường.
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công Thương). Ảnh: Cấn Dũng |
Tuy nhiên, với quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương là một mặt duy trì và thúc đẩy hơn nữa các thị trường truyền thống thông qua việc kết hợp hài hoà các cơ chế hợp tác đa phương, khu vực và song phương. Song song với đó là có các bước đột phá ở những thị trường mới ở khu vực Trung Đông và tiếp theo đó là các khu vực khác… Nhờ đó, hội nhập kinh tế quốc tế đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng xuất nhập khẩu, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 hướng tới mục tiêu 800 tỷ USD.
Bên cạnh đóng góp tích cực vào công tác xuất nhập khẩu, công tác hội nhập kinh tế quốc tế năm 2024 cũng đóng góp quan trọng vào quan hệ ngoại giao và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Cụ thể, lần đâu tiên Hội nghị G7 mở rộng mời Bộ Công Thương tham gia và có bài phát biểu liên quan đến kinh nghiệm hội nhập, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam.
Năm 2025, theo ông Lương Hoàng Thái, dự kiến tình hình kinh tế thế giới được dự báo còn khó khăn hơn, thậm chí đe dọa về chiến tranh thương mại có thể xảy ra. Năm 2025 cũng được đánh giá là năm đặc biệt khó khăn với công tác hội nhập kinh tế quốc tế, theo đó, để công tác hội nhập kinh tế quốc tế đi vào chiều sâu và mang lại những kết quả tích cực, rất mong nhận được sự chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.
Bộ Công Thương tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ảnh: Cấn Dũng |
Trên thực tế, Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo trong lĩnh vực hội nhập đưa vào thực chất, gắn với tự cường về kinh tế của đất nước và sự phát triển của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp. Để thúc đẩy các mục tiêu trên, Bộ Công Thương đang thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ trong việc triển khai Bộ chỉ số hội nhập cấp địa phương (FTA Index) và Hệ sinh thái hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp khai thác hiệu quả các FTA để bước đầu là xác định được các ưu, nhược điểm trong tiến trình hội nhập và sau đó là cùng với các địa phương trên cả nước đưa các cam kết trong hội nhập vào thực thi hiệu quả, đem lại lợi ích cho nền kinh tế và người dân.
Bên cạnh đó, công tác hội nhập hiện nay rất rộng, các thế hệ đi trước Bộ Công Thương đã rất mạnh rạn cải cách hành chính trong tiến trình hội nhập, nhưng xu hướng hội nhập thời gian tới liên quan đến nhiều lĩnh vực như môi trường, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số,… Theo đó, để đạt được mục tiêu đề ra cần có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác hội nhập và đại diện các bộ, ngành, địa phương để tiếp tục xử lý linh hoạt các khó khăn phía trước.