Công nghệ chỉnh sửa gen: Cần được đánh giá chính xác
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen trong chọn và cải tiến giống cây trồng tại Việt Nam?
Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 188/2005/QĐ-TOT về Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW và giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện "Chương trình trọng điểm về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020".
Ông Trần Xuân Định – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam |
Mục tiêu của chương trình là phát triển công nghệ sinh học hiện đại, tập trung vào công nghệ gen để đưa một số giống cây trồng mới vào sản xuất. Đây được xem là tiền đề cho việc thực hiện một số dự án nghiên cứu chỉnh sửa gen, bao gồm cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng.
Việc phát triển và khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ chỉnh sửa gen trong cải tiến giống cây trồng mang lại nhiều lợi ích cho người dân, giúp nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm nông nghiệp.
Hiện, có nhiều ý kiến khác nhau về công nghệ chỉnh sửa gen và công nghệ biến đổi gen, là nhà chuyên môn, ông có thể nói rõ hơn về sự khác biệt này?
Theo các nhà khoa học, biến đổi gen và chỉnh sửa gen có sự khác biệt rõ rệt. Biến đổi gen (GMO) là một sinh vật mà vật liệu di truyền của nó đã bị biến đổi theo ý muốn chủ quan của con người, hoặc do quá trình lan truyền của gen trong tự nhiên. Sinh vật biến đổi gen cải thiện trên cơ sở đưa gen khác loài vào đối tượng mà mình mong muốn.
Ngược lại, chỉnh sửa gen (Gen Editing) dựa trên nền tảng của công nghệ tế bào, sử dụng các gen mục tiêu, ADN thông tin đưa gen vào để chỉnh sửa những đoạn gen bất lợi, không phù hợp với mục tiêu, các gen này trong cùng một loài chứ không sử dụng gen khác loài. Mục tiêu chung vẫn là cải tạo chuỗi ADN trong sinh vật cây trồng.
Theo ông, các kết quả giống cây trồng đạt được do chỉnh sửa gen có tác động như thế nào lên người sử dụng?
Chỉnh sửa gen là công nghệ mới phát triển, do đó, các nhà khoa học cần có những nghiên cứu sâu hơn để có thể đánh giá toàn diện. Giống như các sinh vật biến đổi gen, đã có nhiều tranh cãi về tác động của nó đối với môi trường và an toàn thực phẩm, cho nên khi đánh giá, các nước đều phải kiểm soát rất chặt.
Đối với chỉnh sửa gen, tôi nghĩ rằng đây không phải là gen ngoại lai mà là chỉnh sửa chuỗi ADN trong bản thân loài sinh vật. Thông qua chỉnh sửa gen, người ta phát hiện những gen quy định tính trạng này bị lỗi sẽ chỉnh sửa đoạn gen đó trong cùng loài.
Như vậy, việc nó tác động tới an toàn sinh học hay tác động tới an toàn về dinh dưỡng chưa có gì để đánh giá chính thống. Tuy nhiên, cách tiếp cận này nhẹ nhàng, an toàn hơn rất nhiều so với sinh vật biến đổi gen.
Việt Nam đã có quy định về quản lý các sản phẩm chỉnh sửa gen chưa? và để công nghệ này có thể ứng dụng trong thực tiễn sản xuất, chúng ta cần làm gì, thưa ông?
Việt Nam tiếp cận chỉnh sửa gen mới chỉ là bước đầu nên những văn bản pháp lý quy định trong công tác quản lý đối với sinh vật chỉnh sửa gen hiện vẫn chưa có. Để tiếp cận được tốt hơn, cần có những đánh giá khoa học chính xác hơn mới phục vụ được công tác quản lý.
Trong trường hợp đánh giá chỉnh sửa gen không có tác động gì, nó giống như phương pháp cải tạo giống, lai tạo giống thông thường, nhưng lại tiếp cận tới mục tiêu nhanh hơn, tốt hơn thì tôi nghĩ là hợp lý.
Tuy nhiên, về mặt quản lý nhà nước cần những quy định cụ thể, quan trọng nhất là để đưa ra sản xuất thì các nhà quản lý ở địa phương, người sản xuất, người tiêu dùng cần phân biệt được sản phẩm này là sản phẩm chỉnh sửa gen chứ không phải biến đổi gen.
Xin cảm ơn ông!