Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Nền tảng để xây dựng, phát triển chính phủ số
Chiều 27/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới thăm và làm việc tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an. Tham gia đoàn công tác có Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong 6 cơ sở dữ liệu lớn kết nối liên thông của quốc gia được Thủ tướng Chính phủ quyết định ưu tiên triển khai từ năm 2015, đồng thời cũng là dữ liệu cốt lõi, nền tảng để xây dựng, phát triển Chính phủ số, Quốc hội số, cải cách hành chính, phục vụ tốt hơn nhu cầu phát triển của người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới thăm và làm việc tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư |
Theo báo cáo của Bộ Công an, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 dự án: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, Bộ Công an, Cục C06 và Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư đã khẩn trương triển khai thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, Bộ Công an đã giảm được mức dự toán so với ban đầu gần 1.300 tỷ đồng. Đến nay, tổng số nhân khẩu trên toàn quốc qua rà soát trong cơ sở dữ liệu dân cư là hơn 98 triệu với nhiều trường dữ liệu khác nhau, được cập nhật thường xuyên, bảo đảm các tiêu chí “Đúng, đủ, sạch, sống”.
Đây là bộ dữ liệu đặc biệt quan trọng, để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia, giúp Đảng, Nhà nước nắm chắc tình hình dân cư, phục vụ ban hành chủ trương, hoạch định chính sách về phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước trong giai đoạn tới.
Đặc biệt, cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia đã phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 như triển khai phần mềm quản lý dân cư vùng dịch, góp phần khoanh vùng dập dịch nhanh chóng, xác thực thông tin dân cư để triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội nhanh chóng, chính xác nhất.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội đang xây dựng Quốc hội điện tử, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của Quốc hội. Chính phủ đang xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đẩy mạnh cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế-xã hội.
Muốn thực hiện được điều này thì phải có các cơ sở dữ liệu lớn kết nối, liên thông với nhau. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cốt lõi và nền tảng của các cơ sở dữ liệu lớn. "Việc hoàn thành dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đúng mục tiêu đề ra vào tháng 7/2021 là thành tích rất ấn tượng, có thể xem là bài học điển hình về đầu tư công hiện nay" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Điều 10, Luật Căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài sản quốc gia. Do vậy, cần quản lý, khai thác, sử dụng, phát huy tối đa giá trị của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.
Bên cạnh phục vụ quản lý nhà nước, cần nghiên cứu triển khai các ứng dụng để khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện để họ được hưởng những tiện ích do khoa học, công nghệ mang lại thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến công dân, doanh nghiệp, giảm tối đa phiền hà, lãng phí về thời gian, công sức, chi phí xã hội trong thực thi các nhiệm vụ, các thủ tục…
Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Cư trú (sửa đổi), chuẩn bị tốt cho việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang quản lý bằng điện tử thông qua mã số định danh cá nhân, bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của pháp luật.