Cổ phiếu HPG bật tăng khi thị trường giảm điểm
Trước diễn biến giá cổ phiếu liên tục giảm trong vài tháng gần đây, nhiều quỹ ngoại có động thái "xả hàng" và tài sản đã “bốc hơi” tới cả chục ngàn tỷ đồng, chiều 4/12/2018, thông tin tới các nhà đầu tư và chiều 4/12/2018, Chủ tịch Hòa Phát, ông Trần Đình Long khẳng định: hoạt động kinh doanh của HPG đang diễn ra rất tốt, đồng thời cho biết sẽ mua vào, có thể mỗi đợt là 10 triệu cổ phiếu.
Không né tránh bất cứ câu hỏi nào từ phía nhà đầu tư, ông Long dẫn giải, động thái "xả hàng" của một số quỹ ngoại là các quỹ đầu tư đến hạn họ phải bán, chứ không phải là tháo chạy hay bán tháo. Các quỹ đầu tư khác nhà đầu tư cá nhân, họ huy động vốn, đầu tư kiếm lời, đến hạn phải thu tiền về, việc bán là bình thường, đầu tư vào thì phải có lúc bán ra.
Dự báo tiêu thụ thép của HPG năm 2019 lên tới 4 triệu tấn |
Đại diện quỹ PENM, một nhà đầu tư lớn của HPG cũng cho biết cụ thể, quỹ là đối tác chiến lược lâu năm của HPG từ năm 2007 và cho đến giờ đã có 4 quỹ do PENM quản lý đang đầu tư vào HPG. Hiện PENM đang trong giai đoạn huy động quỹ mới để đầu tư vào HPG, điều này thể hiện cam kết lâu dài đầu tư vào HPG. Trong quá khứ, khi đến hạn đóng quỹ (10 năm) trùng hợp với thời gian đầu tư vào HPG, các quỹ thuộc PENM quản lý buộc phải bán đi các cổ phiếu trong danh mục và điều này đã gây ra ảnh hưởng đôi chút đến thị trường. Nhưng sau đó, quỹ khác thuộc PENM lập tức mua lại.
Báo cáo sơ bộ từ Tập đoàn Hòa Phát cho biết, 11 tháng năm 2018, doanh thu của đơn vị đạt trên 50.000 tỷ đồng, lợi nhuận 8.100 tỷ đồng. Theo kế hoạch được Đại hội cổ đông phê duyệt, năm 2018 HPG đặt mục tiêu doanh thu 55.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.050 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả trên, HPG về cơ bản đã hoàn thành kế hoạch năm 2018.
Thông tin chi tiết tới các nhà đầu tư, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cho biết, tập đoàn đang dồn lực cho dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất, và trong bối cảnh mở rộng đầu tư, cổ tức năm tới có thể sẽ được trả bằng cổ phiếu.
Hiện HPG đã vay Vietcombank 10.000 tỷ và VietinBank 10.000 tỷ đồng để đầu tư vào dự án Dung Quất. Trong 11 tháng năm 2018, HPG đã giải ngân 28.000 tỷ đồng đầu tư trong đó có 25.000 tỷ đầu tư vào ngành thép, 3.000 tỷ đồng vào ngành tôn. Tháng 12/2018, tập đoàn sẽ giải ngân nốt 3.000 tỷ đồng; sang năm 2019 sẽ tiếp tục đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng. Theo đó, dự án vẫn đang đạt tiến độ, tuy nhiên, vốn đầu tư có thể tăng lên đáng kể. Cuối quý I hoặc đầu quý II/2019 lò cao số 1 sẽ đi vào hoạt động. Sản phẩm của dự án này không chỉ tấn công thị trường thép phía Nam mà còn xuất khẩu ra thế giới, đó là một chiến lược dài hơi của tập đoàn.
Dự báo tiêu thụ thép của HPG năm 2019 lên tới 4 triệu tấn. Ngoài ra năm 2019 HPG dự kiến xuất khẩu khoảng 400.000 tấn, chiếm 10-12%. Công ty có sự điều chỉnh, hướng đến nhiều thị trường và chú trọng ở Đông Nam Á như Lào và Campuchia, các nước khác như Philippines, Indonesia. Hòa Phát vẫn xuất được hàng đi Mỹ, Canada mặc dù bị đánh thuế 25%.
Những thông tin tích cực trên ngay lập tức đã tác động tới giá cổ phiếu của HPG. Đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm nay, 5/12, sàn HOSE có 142 mã tăng và 144 mã giảm, VN-Index giảm 1,7 điểm (-0,18%), xuống 957,14 điểm. Tuy nhiên cổ phiếu HPG đã lội ngược dòng với mức tăng 2%, lên 35.300 đồng và hơn 8 triệu đơn vị được giao dịch.