Thứ bảy 21/12/2024 01:52

Có nên đưa dạy thêm, học thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện?

Vấn đề dạy thêm, học thêm đã được xã hội cũng như nghị trường Quốc hội bàn luận nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được tận gốc.

Tại "nghị trường" Quốc hội vào ngày 20/11 vừa qua- đúng ngày Nhà giáo Việt Nam, câu chuyện dạy thêm lại dạy sóng khi được đại biểu Quốc hội chất vấn, theo đó Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã đồng tình với đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học.

Thực tế cho thấy, mặc dù ở nhiều địa phương, các cơ sở giáo dục và đào tạo ở nhiều nơi việc cấm dạy thêm đã được đưa ra. Tuy nhiên, việc dạy thêm vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức: Tại Trung tâm, tại nhà hay tại một cơ sở nào đó được giáo viên thuê và tổ chức dạy thêm...

Nhu cầu học thêm là có thật đặc biệt là học sinh bậc THPT (Ảnh minh họa:Thanh Tâm)

Thế hệ chúng tôi sinh ra trong những năm 70 của thế kỷ XX, những năm đầu đất nước đổi mới, học sinh cấp 1 và 2 chỉ những học sinh nào quá yếu kém thầy cô giáo mới yêu cầu học thêm sau giờ tan học.

Thời đó, cuộc sống cũng hết sức khó khăn, có lẽ việc tăng gia, sản xuất tại gia đình là giải pháp duy nhất để các thầy cô cải thiện cuộc sống.

Sang đầu những năm 90, khi mà bước vào học cấp 3, dạy thêm và học thêm được phát triển và mở rộng, đây cũng là thời điểm mà nền kinh tế thị trường bắt đầu thẩm thấu vào nền kinh tế đất nước và mỗi gia đình, mỗi tế bào của xã hội.

Thời điểm này đời sống của các thầy cô giáo vẫn gặp nhiều khó khăn, nếu như một số thầy cô giáo lựa chọn dạy thêm để tăng thêm thu nhập thì có những người thầy giáo của tôi lại lựa chọn "chạy chợ" sau giờ lên lớp.

Nhưng điểm khác biệt mà tôi nhận thấy rõ, dù dạy chính khóa hay dạy thêm các thầy cô đều rất tận tâm, tận lực, tâm huyết với nghề. Truyền đạt tất cả vốn tri thức của mình cho các em học sinh. Thời điểm đó, học sinh đi học thêm hay không đều không phải là vấn đề khiến cha mẹ phụ huynh lo lắng liệu con mình có bị đối xử “khác biệt” không? Chỉ đơn giản nếu con mình học chưa tốt, hoặc muốn con học nâng cao hơn thì đều khuyến khích con cái đi học thêm.

Có lẽ chế độ thi cử những năm 90 của thế kỷ trước khiến cho việc học thêm của cấp 3 đều là tự nguyện. Học sinh có thể đăng ký thi vào 3-5 trường (cao đẳng - đại học) miễn là thời gian không trùng nhau nhưng để đỗ được cũng không dễ dàng gì, vì thời điểm đó (1992-1997) tôi nhớ ở Hà Nội đâu đó chưa đến 50 trường đại học, cao đẳng công lập. Hầu như không có dân lập ngoài Đại học Dân lập Thăng Long và Đại học Dân lập Đông Đô. Cánh cửa vào đại học và cao đẳng khá hẹp dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các học sinh, do vậy nhu cầu học thêm cũng tăng lên.

Đến nay, sau gần 30 năm kể từ thời điểm thế hệ chúng tôi bước chân vào giảng đường đại học, câu chuyện đời sống khó khăn của thế hệ nhà giáo vẫn không có hồi kết. Ở nhiều địa phương giáo viên bỏ việc đã trở thành “hiện tượng” khiến các cơ quan quản lý phải quan tâm và đề xuất những chính sách nhằm tháo gỡ.

Hai đứa con của tôi hiện nay đều vẫn đang học thêm, việc học thêm này là tự nguyện bản thân gia đình. Ngay cả đứa lớn nhà tôi năm nay học lớp 12 tại Trường THPT Nguyễn Trãi (Ba Đình - Hà Nội) khi đề nghị học thêm ở trường, các thầy cô giáo đều từ chối. Để củng cố kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và vào đại học, cháu đã tự tìm học thêm ở những lớp do các cô giáo đã về hưu dạy tại nhà riêng.

Ngành Giáo dục cần phải có những giải pháp căn cơ và cốt lõi thay vì cấm dạy thêm, học thêm (Ảnh minh họa)

Rõ ràng nhu cầu thực tế là có, việc dạy thêm và học thêm theo ý kiến cá nhân tôi không phải là việc xấu. Kể cả khi Nhà nước đảm bảo thu nhập cho đội ngũ giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp như lời hứa của Bộ trưởng Nội vụ trước Quốc hội tại phiên chất vấn diễn ra từ ngày 6-8/11/2023 vừa qua thì tôi tin chắc rằng việc dạy thêm và học thêm vẫn diễn ra. Bởi đó là nhu cầu của một bộ phận học sinh, nhu cầu của xã hội.

Việc cần xem xét ở đây là Nhà nước cần có cơ chế kiểm soát để làm sao một số giáo viên không lợi dụng việc dạy thêm học thêm để “o ép” học sinh và phụ huynh, biến tướng hình thức dạy thêm học thêm để thu lợi nhuận không chính đáng.

Văn bản pháp lý quan trọng nhất điều chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm hiện nay là Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tháng 5/2012. Đến năm 2016 Luật Đầu tư (sửa đổi) bỏ dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, vì vậy việc cấp phép cho hoạt động dạy thêm theo Thông tư 17 bị vô hiệu.

Đến tháng 8/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định công bố hết hiệu lực các Điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư 17. Đây là các điều quy định về việc tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; yêu cầu đối với người dạy thêm và người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; quy định về cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm; các quy định về hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm.

Tình trạng pháp lý của dạy thêm hiện nay là "cấm nửa vời". Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện - tức là trở lại quy định tại Luật Đầu tư trước khi sửa đổi vào năm 2016.

Vậy nên cấm tuyệt đối với dạy thêm hay chấp nhận thực tế này như một ngành nghề kinh doanh với các điều kiện nhất định nào đó?

Nhìn ra thế giới thì không chỉ Việt Nam mà nhiều nước châu Á đang "loay hoay" và "đau đầu" với việc quản lý dạy thêm. Đây từng là một ngành kinh doanh khổng lồ ở Trung Quốc và gần đây nước này đã cấm dạy thêm, bao gồm cả dạy thêm trực tuyến. Tuy nhiên như chính báo chí nước này phản ánh, lệnh cấm không xóa ngay được dạy thêm - học thêm ở Trung Quốc, mặc dù bị hạn chế song nó vẫn tồn tại dưới các biến tướng khác nhau, rất nhiều phụ huynh vẫn tìm cách cho con học thêm dù chi phí cao hơn nhiều so với trước đây.

Hàn Quốc từng cấm tất cả tiết học ngoại khóa (học thêm) nhưng do nhu cầu thực tế quá lớn nên việc dạy thêm vẫn tồn tại và phát triển; phổ biến hiện nay là các trung tâm dạy thêm tư nhân ngoài giờ học (hagwon) - một dạng trường tư thục hợp pháp, dạy kèm để giúp học sinh đạt được thành tích cao.

Tại Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh cũng từng chủ trương chấm dứt tình trạng dạy thêm - học thêm tràn lan từ năm học 2016 - 2017, tuy nhiên ngay sau khi ban hành chủ trương này thì thành phố đã phải quy định lại theo hướng "nới lỏng" và chưa xóa dạy thêm - học thêm trong nhà trường.

Tôi thiết nghĩ, trong lúc chưa thể cấm hoàn toàn dạy thêm - học thêm thì nên xem đây như một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, qua đó tạo hành lang pháp lý quản chặt hơn lĩnh vực này. Chúng ta không "cấm nửa vời" và cũng không "thả nổi".

Ngành giáo dục cần xây dựng lộ trình chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực. Trong đó, đối với những việc đã xác định trong diện nghiêm cấm thì cần quản lý chặt chẽ và đưa ra chế tài nặng hơn nếu có vi phạm, cụ thể như "không dạy thêm đối với học sinh tiểu học"; "không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm"; "không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa"; "việc dạy thêm - học thêm được tổ chức trong nhà trường phải trên cơ sở tự nguyện của học sinh"; "không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Một trong những vấn đề dư luận lo ngại lâu nay với dạy thêm, là tình trạng giáo viên bớt xén nội dung chính thức để dạy chui, dạy lén. Ở đây, việc giáo viên dạy thêm nên được xem là quyền của người lao động, như y bác sĩ được đăng ký làm ngoài giờ ở cơ sở khác sau giờ làm việc chính thức. Cổng thông tin của ngành y tế có thể dễ dàng tra cứu, bác sĩ nào, chứng chỉ hành nghề số mấy, đơn vị công tác/nơi làm việc, thời gian làm việc. Vậy thì ngành giáo dục cũng nên tham khảo để quản lý hoạt động dạy thêm của giáo viên theo hướng tương tự ngành y.

Khi có các quy định chặt chẽ, công tác quản lý dạy thêm - học thêm của cơ quan chức năng sẽ bài bản, khoa học hơn. Không chỉ thanh tra, kiểm tra tại địa điểm tổ chức dạy thêm, mà việc dạy thêm trực tuyến, dạy thêm qua các nền tảng điện tử,… cũng có mô hình để nhận diện, đưa vào khuôn khổ quản lý.

Tóm lại, chúng ta sẽ tiến tới một tương lai không có dạy thêm - học thêm, nhưng trong lộ trình tiến tới tương lai đó thì cần có những quy định để quản lý hoạt động này, đề ra những điều kiện nhằm đảm bảo môi trường giáo dục lành mạnh, đảm bảo quyền lợi chính đáng của phụ huynh, học sinh và đội ngũ giáo viên.

Thu Hường
Bài viết cùng chủ đề: Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Gia Lai: Lan tỏa chương trình 'bữa sáng yêu thương' cho học sinh nghèo

Đảng bộ Bộ Công Thương tập huấn nghiệp vụ công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp

Lấy vi phạm để 'chạy truyền thông', Tiktoker Dưỡng Dướng Dường quá ngông!

Thư chúc mừng của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gửi Cựu chiến binh, Cựu quân nhân ngành Công Thương

Cuộc chiến chống tin giả: Thách thức đối với an ninh mạng

Báo Công Thương đạt tốt về mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí

TP. Hồ Chí Minh: Ấm lòng những tô mì 0 đồng giữa trung tâm Quận 1

Bàn về một số vấn đề khi sắp xếp tinh gọn bộ máy: Nhìn từ Đà Nẵng

Chuyện thưởng Tết và góc khuất của nghề freelancer

Nhìn lại 4 “đại án” năm 2024 và tinh thần ‘4 không’ trong chống tham nhũng

Thực phẩm chức năng 'nổ' như thuốc chữa bệnh: Phải xử nghiêm hành vi trục lợi

Khối doanh nghiệp Hà Nội vượt thách thức, giữ vững hiệu quả sản xuất kinh doanh

Hà Nội tặng danh hiệu ‘Người tốt-việc tốt’ cho 25 cá nhân: Lan tỏa để trở thành nét văn hóa tiêu biểu

Từ Phan Sào Nam đến Phó Đức Nam: Khi trí tuệ bị đặt nhầm chỗ

Chuyển đổi xanh phải thay đổi từ kế hoạch đến hành động

Gia Lai: Cô giáo trẻ ‘truyền lửa’ học tiếng Anh cho học sinh dân tộc thiểu số

Bộ Công Thương tích cực thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hoá chất

Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ

Bộ Công Thương đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

TokyoLife: Viết nên câu chuyện hy vọng, trao quyền bình đẳng cho người khuyết tật