Cơ hội tiếp cận tài chính
Xu hướng thị trường SCF
Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho biết, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã và đang thực hiện kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước với mục tiêu đáp ứng 70% nhu cầu cung cấp cho các DN sản xuất đến năm 2030. Do đó, nhiều biện pháp liên kết DN FDI với các nhà cung cấp, DNNVV địa phương đã được thực hiện.
Song thực tế cho thấy, vấn đề tiếp cận các nguồn tài chính còn gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 70% DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Trong đó, hơn 30% DNNVV không thể tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng và 30% DN khác cho biết rất khó tiếp cận nguồn vốn này.
Theo ông Michael Bickers - Giám đốc điều hành BCR Publishing Ltd, SCF khi tiếp cận các nguồn vốn chính thống ngày càng khó khăn hơn thì việc sử dụng các dịch vụ tài chính mới, linh hoạt, ứng dụng công nghệ sẽ giúp DN giải quyết bài toán vốn hiệu quả. "Công nghệ tạo ra sức ảnh hưởng và cải thiện đáng kể, cho phép khởi động một chương trình SCF thuận lợi, các DNNVV cũng tiếp cận nhanh chóng hơn, trong khi trước đây việc này rất khó khăn" - ông Michael Bickers nhấn mạnh.
Cần sự tham gia mạnh mẽ của các tổ chức tài chính
Đối với Việt Nam, SCF cũng là thị trường dịch vụ tài chính quan trọng cần có những sáng kiến, chính sách cụ thể thúc đẩy hoạt động này. Đặc biệt, Chính phủ cần đưa ra những quy định và hướng dẫn cụ thể để tạo nền tảng cơ sở pháp lý cho các đơn vị như ngân hàng hay nhiều thành phần kinh tế tham gia SCF.
Ông Jinchang Lai - chuyên gia Ngân hàng Thế giới - cho rằng, trong việc thúc đẩy thị trường SCF, vai trò của Chính phủ vô cùng quan trọng. Hiện tại nhiều quốc gia, Chính phủ đã tham gia vào thị trường SCF, để nâng cao năng lực cạnh tranh chuỗi cung ứng nội địa, nhất là tạo điều kiện cho DNNVV tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, một số quốc gia quan ngại dòng tiền đổ vào nền kinh tế ảo như đầu từ bất động sản, chứng khoán… nên việc thúc đẩy thị trường SCF cũng là giải pháp đẩy mạnh dòng vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Ở góc độ ngân hàng, bà Vương Thị Huyền - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại CP quốc tế Việt Nam (VIB) - cho hay, thị trường SCF tại Việt Nam còn khiêm tốn, do đó cần có giải pháp thúc đẩy hoạt động này, nhất là tập trung vào đối tượng DNNVV. Về phía DN, ông Nguyễn Quang Tùng - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần giải pháp Fast Capital - cho biết, phần mềm kết nối bên mua hàng và bên bán hàng đã giải quyết vấn đề vay vốn của các DN nhanh hơn trên nền tảng trực tuyến. Cụ thể, khi bên mua hàng xác nhận hóa đơn của bên bán hàng là thanh toán hóa đơn này và dựa trên xác nhận đó, ngân hàng sẵn sàng tài trợ cho bên cung cấp hàng một số tiền có thể đảm bảo lên đến 85% giá trị hợp đồng. Như vậy với hình thức này, DN không phải thực hiện các thủ tục vay vốn ngân hàng truyền thống, không cần tài sản đảm bảo mà chỉ dựa trên công nợ phải thu từ người mua hàng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để phát triển SCF, cần tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh và giải quyết các thách thức như kiến thức, kinh nghiệm, giải pháp công nghệ cho cả tổ chức tài chính và DN đi vay. |