Thứ hai 23/12/2024 07:30

Cô gái Quảng Nam khởi nghiệp từ đặc sản quê hương, giúp đồng bào dân tộc phát triển kinh tế

Từng là một phóng viên năng động, cô gái dân tộc Bh’nong Võ Thị Minh Nga (1987) đã quyết định về quê khởi nghiệp từ những đặc sản núi rừng, với ước mơ “đổi đời” cho bà con dân tộc Bh’nong tại huyện Hiệp Đức, Quảng Nam.

Hoài bão thoát nghèo của cô gái trẻ

Như bao đứa trẻ ở vùng quê nghèo thị xã Tân An – khu vực miền núi của tỉnh Quảng Nam, cô gái dân tộc Bh’nong Võ Thị Minh Nga (1987) cũng trải qua một tuổi thơ cơ cực, nghèo khó với những bữa đói, bữa no.

Võ Thị Minh Nga đã bước đầu khởi nghiệp thành công giúp bà con nơi quê hương Hiệp Đức (Quảng Nam) của mình thoát nghèo, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Đối với Nga, việc được học đại học rồi ra trường có công việc ổn định tại một tờ báo ở TP. Hồ Chí Minh đã là một chương mới trong cuộc đời, khi cái nghèo đã không còn quấn chân nữa. Thế nhưng, mỗi lần trở về quê hương, nhìn xung quanh, nhiều thứ dường như vẫn không khác so với lúc Nga còn thơ bé.

“Khi ra trường, đi làm cho 1 tờ báo lớn, công việc ổn định, coi như Nga thoát nghèo cho bản thân mình và gia đình thành công. Nhưng mình thoát nghèo rồi vẫn không vui, vì xung quanh mình, đồng bào vẫn luẩn quẩn trong cái đói nghèo” – Nga tâm sự.

Thế rồi vào năm 2016, cô phóng viên trẻ quyết định bước ngoặt cuộc đời: cầm 50 triệu đồng tích góp trong 6 năm về làm kinh doanh trên chính mảnh đất quê hương mình trước sự ngỡ ngàng của bạn bè, người thân.

Bước đầu thực hiện ước mơ, Nga tiếp cận và tìm hiểu vùng nguyên liệu các mặt hàng nông sản đặc trưng của đồng bào. Không đếm được bao nhiêu chuyến cô đã khoác ba lô đến những bản làng xa xôi. Qua những chuyến đi, Nga nhận ra giá trị nhiều sản vật quý của núi rừng ban tặng trên những nương rẫy lưng đồi. Mỗi khi chiều về, người Bh’nong đều cõng gùi nhiều nông sản nhưng lại bán với giá cả bèo bọt.

Nga chia sẻ, cái xót xa nhất là biết đồng bào mình sở hữu “kho báu” nhưng vẫn chưa thoát nghèo, những gừng, nghệ, gạo lứt, … vẫn không được nhìn nhận đúng giá. Cô gái nhỏ đã quyết định lội rừng tìm sản vật nào là nghệ núi, gừng núi, lúa sạch, chè xanh, chè vằng, các loại đậu… hướng dẫn bà con sản xuất, thu hoạch để bán với giá thành hợp lý giúp bà con cải thiện kinh tế.

Sau khi có lãi, cộng với niềm say mê sản xuất với mong muốn làm ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe, có nguồn gốc từ thiên nhiên. Năm 2017, Nga đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà xưởng trên diện tích 300 m2 và lắp đặt hệ thống máy móc để chế biến sản phẩm tinh bột nghệ, trà gạo lứt, gạo lứt… Tất cả quy trình chế biến đều đảm bảo an toàn vệ sinh.

Niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt cô gái trẻ khi phần nào cải thiện được đời sống bà con dân tộc thiểu số quê mình

Sau bao cố gắng, năm 2019 chính thức đánh dấu bước chuyển mình của Nga khi thành lập công ty đưa các đặc sản của đồng bào tới khắp mọi miền đất nước, và bắt đầu có những đơn hàng ra nước ngoài. Trà gạo lứt của cô gái dân tộc Bh’nong đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong thời gian ngắn. Nhờ chất lượng sản phẩm thơm ngon, giàu dinh dưỡng gạo lứt Bh.nong đã nhanh chóng tạo dựng thị trường tiêu thụ mạnh tại Tp. Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hà Nội…

Từ bán hàng trực tuyến, nay Võ Thị Minh Nga đã có đại lý phân phối trên nhiều tỉnh, thành. Các sản phẩm đều được đưa lên các sàn thương mại điện tử Shoppe, Tiki, Sendo với nhiều dòng sản phẩm như: trà, bột gạo lứt… cùng nhận diện hình ảnh cô gái dân tộc Bh’nong trên bao bì là thành công của Minh Nga. Hàng chục tấn gạo lứt của đồng bào Bh’nong cũng được đưa đi xa hơn.

Xây dựng doanh nghiệp vì cộng đồng

Về quê khởi nghiệp, Nga xác định sẽ là làm kinh tế vì xã hội, hoạt động vì cộng đồng. Theo Nga, mình không để làm giàu riêng cho bản thân mà là để tạo công ăn việc làm thu nhập tốt cho bà con. Khi kinh doanh có lợi nhuận ổn định, Nga quay lại thu mua lúa của bà con giá cao hơn, giúp người dân Tân An mở rộng canh tác. Hiện nay, gạo lứt sản xuất đều được thu mua từ người đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng thời, Nga đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng, riêng lao động theo thời vụ có thời điểm từ 20 đến 30 người, tất cả nhân viên là phụ nữ tại địa phương thuộc diện thiếu việc làm trước đó, hầu hết là những người hoàn cảnh khó khăn, nghèo, gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống...

Ngoài những nỗ lực trong phát triển kinh tế địa phương, Nga còn tạo điều kiện cho hàng chục lao động đồng bào.

Mỗi năm, Nga trích 15 – 20% lợi nhuận giúp đỡ những hoàn cảnh ngặt nghèo, giúp các em nhỏ mồ côi được đến trường, xây nhà cho các cụ già không nơi nương tựa, hỗ trợ xây dựng các công trình cộng đồng… Hiện “Cô gái Bh.Nong” không chỉ mang lại giá trị đích thực về sức khỏe cho mọi người, điểm tô thêm sắc đẹp cho phụ nữ mà còn lan tỏa giá trị an sinh xã hội.

Trong mùa dịch Covid-19, trước cuộc sống khốn khó của bà con quê hương, Minh Nga khởi xướng chương trình ATM gạo “di động” miền núi. Chưa dừng lại ở đó, trong 2 ngày 5-7/5/2021, Nga tiếp tục mở “Siêu thị mini 0 đồng” ngay tại chính trụ sở công ty của mình. Đồng thời, Nga còn liên kết với bà con trồng thêm vài công đất lúa rẫy, nghệ, gừng, sả, chanh, chè xanh... và linh hoạt ra mắt các dòng sản phẩm mới, đảm bảo công ăn việc làm cho lao động.

“Mình làm ra 10 đồng, thì có thể giúp đồng bào 3 đồng, nhưng mình làm ra 20 đồng thì có thể giúp đỡ thêm 6, 7 đồng. Tôi luôn tâm niệm trong cuộc sống này mình hãy yêu thương nhau nhiều hơn, học cách cho đi để có tâm thái an nhiên, vui vẻ. Vì thế, tôi không thấy mệt mỏi trong những chuyến đi từ thiện nơi bản làng xa xôi. Tôi hi vọng sẽ có nhiều người cùng đồng hành với mình trong những chương trình thiện nguyện vì cộng đồng”, Minh Nga chia sẻ.

Đức Thảo
Bài viết cùng chủ đề: Khởi nghiệp

Tin cùng chuyên mục

2 dự án Khởi nghiệp Quốc gia có cơ hội nhận giải thưởng 100.000 USD

Thừa Thiên Huế: Trao giải Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024

Vòng chung kết Khởi nghiệp Xanh 2024 tại TP. Hồ Chí Minh có gì mới và đặc biệt?

Tìm ra quán quân Cuộc thi Sinh viên Công Thương với ý tưởng khởi nghiệp năm 2024

Breezing.in ghi điểm với giải pháp check-in tự động tại Automation World Vietnam 2024

Ra mắt báo cáo khởi nghiệp GenAI ASEAN đầu tiên tại Hà Nội

Phát động cuộc thi "Innogreenlife 2024 - Đổi mới sáng tạo vì cuộc sống xanh"

Cơ hội nhận 10.000 USD từ chương trình khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng

Đà Nẵng xúc tiến đầu tư đổi mới sáng tạo với Hàn Quốc và Singapore

Sắp diễn ra Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng – SURF 2024

Khát khao đưa sản phẩm ớt rừng mang thương hiệu ''quê'' tới cộng đồng

Chi 35.000 USD tiền thưởng cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo về hiệu quả năng lượng

Giai đoạn 2024-2027, tiếp tục hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội thu được lợi ích lớn nhờ chuyển đổi số

Cuộc thi Sinh viên Công Thương với ý tưởng khởi nghiệp 2024: Nhiều ý tưởng được đầu tư thiên thần

Khởi nghiệp với sản phẩm chả ống tre độc đáo, chàng trai thu về tiền tỷ mỗi năm

MEGA US EXPO 2024 - kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc

Bình Phước: Khởi nghiệp với cốm gạo, cô gái 9x đoạt nhiều giải thưởng quốc tế

Kawai Startup Fair 2024: Ấn tượng với các màn gọi vốn

Startup Việt - Breezing.in tạo dấu ấn tại SaiGon Summit 2024