Cơ chế thực thi các cam kết về cạnh tranh trong Hiệp định EVFTA
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Hiệp định EVFTA khi có hiệu lực sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp của Việt Nam và EU gia tăng và mở rộng các hoạt động giao thương sang thị trường của nhau.
Có thể nói, EVFTA là một hiệp định thương mại toàn diện, chất lượng cao, mang lại nhiều lợi ích to lớn và thiết thực cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người tiêu dùng của cả Việt Nam và Liên minh châu Âu, tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ cho mối quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU. Ngoài những quy định và cam kết cơ bản như các hiệp định thương mại thông thường như thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư,… EVFTA còn có các quy định mới như cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, trợ cấp, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý - thể chế.
Tại Chương 10 của hiệp định, Việt Nam và EU đã đưa ra các cam kết, nghĩa vụ hướng đến việc đảm bảo khuôn khổ cạnh tranh bình đẳng trong thương mại, đầu tư giữa hai bên, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp hoạt động tại các quốc gia thành viên hiệp định, ngăn chặn và loại bỏ hành vi kinh doanh phản cạnh tranh trên thị trường, thúc đẩy hiệu quả kinh tế và phúc lợi người tiêu dùng.
Việt Nam và EU đã đưa ra các cam kết, nghĩa vụ hướng đến việc đảm bảo khuôn khổ cạnh tranh bình đẳng trong thương mại |
Đại diện Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết, thực thi cam kết về cạnh tranh trong Hiệp định EVFTA các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam phải lưu ý một số nguyên tắc:
Thứ nhất, nguyên tắc không phân biệt đối xử, theo đó các quốc gia thành viên Hiệp định EVFTA phải đối xử công bằng giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân của các quốc gia thành viên như nhau trong việc áp dụng Luật cạnh tranh quốc gia.
Thứ hai, các nước thành viên phải đề cao nguyên tắc trung lập về cạnh tranh trong đối xử giữa các doanh nghiệp có vốn Nhà nước, doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền của nhà nước với các doanh nghiệp có vốn ngoài nhà nước.
Cụ thể, nguyên tắc trung lập về cạnh tranh có thể được hiểu là một cơ chế điều tiết trong đó các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân cũng chịu sự điều chỉnh như nhau của một tập hợp các quy tắc và điều khoản; và không mối liên hệ nào với Nhà nước có thể mang lại lợi thế cạnh tranh cho một hay nhiều doanh nghiệp so với các bên tham gia thị trường khác.
“Liên quan đến pháp luật và chính sách cạnh tranh, nguyên tắc này có thể được hiểu theo nghĩa hẹp là các nguyên tắc cạnh tranh phải được áp dụng ngang bằng với cả doanh nghiệp tư nhân và nhà nước, với rất ít ngoại lệ” - đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay.
Thứ ba, nguyên tắc minh bạch, đây là nguyên tắc quan trọng trong các FTAs nói chung và Hiệp định EVFTA nói riêng. Hiệp định EVFTA khuyến khích các quốc gia càng minh bạch trong thực thi chính sách cạnh tranh càng tốt. Các quốc gia thành viên có quyền yêu cầu quốc gia thành viên khác cung cấp các thông tin như: Chính sách và hoạt động thực thi pháp luật cạnh tranh; các trường hợp miễn trừ và loại trừ áp dụng pháp luật cạnh tranh quốc gia, với điều kiên yêu cầu ghi rõ thị trường và hàng hóa có dịch vụ có liên quan và các thông tin cho thấy việc miễn trừ, loại trừ đó có tác động đến đầu tư và thương mại giữa các bên như thế nào.
Thứ tư, nguyên tắc áp dụng công bằng trong thủ tục tố tụng cạnh tranh. Theo đó, Luật Cạnh tranh hiện hành của Việt Nam điều chỉnh các hoạt động mà không phân biệt doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp nước ngoài, nếu doanh nghiệp đó bị thiệt hại do hành vi phản cạnh tranh của doanh nghiệp khác thì được quyền bảo vệ và nếu vi phạm thì bị điều tra và xử lý theo thủ tục tố tụng cạnh tranh.
Đối tượng áp dụng gồm: Tổ chức, cá nhân kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp) bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Hiệp hội ngành, nghề hoạt động tại Việt Nam; Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan.
Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định, Pháp luật Cạnh tranh của Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ đòi hỏi của nguyên tắc, không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp có quốc tịch khác nhau, tính minh bạch cũng đã được luật quy định ở mức độ nhất định, không có sự đối xử bất công giữa doanh nghiệp quốc tịch khác nhau hay các hình thức sở hữu của doanh nghiệp trong thủ tục tố tụng.
Để đảm bảo hoạt động trong môi trường cạnh tranh hiệu quả, ngăn ngừa các hành vi phản cạnh tranh có khả năng làm sai lệch sự vận hành đúng đắn của thị trường hoặc làm giảm lợi ích trong hoạt động thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần lưu ý một số điểm như sau:
Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động, tăng cường tìm hiểu các cam kết về chính sách cạnh tranh trong EVFTA thông qua các hình thức như thông tin đăng tải trên cổng thông tin điện tử https://fta.moit.gov.vn/, các hội thảo, hội nghị, tập huấn và đào tạo hướng dẫn doanh nghiệp của cơ quan nhà nước; từ đó nâng cao hiểu biết, nắm rõ các nội dung, tuân thủ và thực thi các cam kết về cạnh tranh trong EVFTA;
Thứ hai, các doanh nghiệp cấn nắm rõ quy định về chính sách và pháp luật cạnh tranh các nước thành viên EVFTA trong quá trình hoạt động thương mại, đầu tư trong khuôn khổ hiệp định; điều này sẽ giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro pháp lý có thể gặp phải liên quan tới vấn đề pháp luật cạnh tranh, chống độc quyền khi tham gia hoạt động thương mại trong khuôn khổ EVFTA.
Thứ ba, việc nắm rõ các quy định pháp luật cạnh tranh và cam kết trong EVFTA giúp các doanh nghiệp kịp thời phát hiện, có thông tin đến cơ quan cạnh tranh về dấu hiệu các hành vi phản cạnh tranh trên thị trường; sử dụng các công cụ pháp lý về cạnh tranh để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Thứ tư, các doanh nghiệp cần chủ động khai thác cơ hội, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, đầu tư theo Hiệp định; thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, cạnh tranh về giá hàng hóa, dịch vụ, tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại đến các thị trường EU, v.v…