Chuyên gia Google tiết lộ 3 sai lầm phổ biến khiến bạn không nhận được kết quả tìm kiếm tốt nhất
Bộ máy tìm kiếm của Google ngày nay đã trở nên thâm sâu đến mức bạn có thể tìm thấy câu trả lời cho gần như bất kỳ câu hỏi nào chỉ bằng cách "google" nó. Bản thân cái tên "Google" cũng cực kỳ phổ biến, được từ điển Merriam-Webster công nhận là một động từ vào năm 2006.
Nhưng ngay cả khi bạn sử dụng Google mỗi ngày, bạn có thể đã từng vài lần gặp khó khăn khi tìm kết quả mà mình cần. Đó là lúc bạn cần đến lời khuyên của Daniel Russell – nhà khoa học nghiên cứu kỳ cựu chuyên về chất lượng tìm kiếm và mức độ vui vẻ của người dùng tại Google.
Một phần trong công việc của anh bao gồm tiến hành các thử nghiệm để hiểu rõ hơn cách mọi người sử dụng bộ máy tìm kiếm của Google trong cuộc sống thường ngày. Và công cuộc nghiên cứu đó đã khiến anh chú ý thấy 3 thói quen phổ biến có thể gây khó khăn cho bạn khi tìm kiếm những câu trả lời qua Google.
Dưới đây là 3 sai lầm hàng đầu mà mọi người mắc phải khi thực hiện tìm kiếm Google, theo chia sẻ của Russell.
Ngừng ngay sau một lượt tìm kiếm Google khi nghiên cứu về một chủ đề nào đó
Chỉ một lượt tìm kiếm Google thường không bao giờ đủ để bạn nắm được những thông tin cần thiết về một chủ đề nào đó – Russell nói – đặc biệt nếu đó là một chủ đề phức tạp hoặc rộng lớn. Russell đề xuất bạn nên thực hiện ít nhất hai lượt tìm kiếm về một chủ đề để có cái nhìn bao quát và hoàn thiện hơn.
Điều chỉnh nội dung truy vấn để thu được một kết quả tìm kiếm cụ thể
Một thói quen phổ biến khác mà Russell để ý thấy trong số những người dùng Google là họ thường nhập vào một nội dung truy vấn rất cụ thể nhằm thu được một kết quả tìm kiếm theo ý muốn, nhưng kết quả đó lại không trả lời chính xác câu hỏi mà họ đặt ra.
Ví dụ, tưởng tượng bạn đang tiến hành tìm kiếm để biết được chiều dài trung bình của một con bạch tuộc. Bạn có lẽ từng nghe rằng câu trả lời là 21-inch, nhưng bạn không chắc lắm nên quyết định tra nhanh trên Google xem sao.
Thay vì gõ vào "chiều dài trung bình của một con bạch tuộc 21-inch", bạn chỉ nên gõ "chiều dài trung bình của một con bạch tuộc" thôi. Nếu gõ theo cách đầu tiên, Google sẽ đưa ra những kết quả tìm kiếm với câu trả lời là 21-inch ngay cả khi đó không phải là câu trả lời đúng.
Tránh những kết quả tìm kiếm với những từ ngữ bạn không nhận ra
Nếu bạn thấy một kết quả tìm kiếm trông có vẻ hứa hẹn, nhưng lại có chứa những thuật ngữ xa lạ với bạn, đừng bỏ qua chúng. Bởi khi làm vậy, bạn có thể bỏ lỡ những thông tin quý giá, có khả năng chứa đựng trong đó câu trả lời mà bạn đang tìm kiếm. Nếu rơi vào tình huống này, hãy thử tìm Google những từ ngữ mà bạn không biết.
Russell đưa ra một ví dụ về một người mà anh đang theo dõi trong phạm vi nghiên cứu của mình: anh này nhập vào Google một câu hỏi với nội dung đại loại như "Tại sao tôi lại có mấy mảng trắng trên má mình vào mùa hè vậy?"
Người này đã bỏ qua một kết quả tìm kiếm đứng đầu bảng bởi nó có chứa từ "hypopigmentation" (giảm sắc tố), một thuật ngữ chỉ những mảng da sáng hơn màu da bình thường của bạn.
Nhưng anh này lại không biết ý nghĩa của nó, nên anh bỏ qua nó dù cho nó có chứa chính xác thông tin mà anh đang tìm kiếm.
"Khi bạn đang đọc hay viết, không nên để những thứ đó trôi qua mất" – Russell nói.