Nhận định về nguyên nhân của giá vàng tăng cao trong thời gian qua, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài Chính) cho rằng, trong năm 2021, để kích thích nền kinh tế tăng trưởng và phục hồi, chính phủ các nước đã "bơm" ra một lượng tiền tệ rất lớn (khoảng 10.400 tỷ đôla Mỹ). Việc này đã làm cho giá trị của các đồng tiền, kể cả các đồng đô la Mỹ giảm sút so với vàng.
Tuy nhiên, giá vàng tăng thời gian qua có nhân tố khác là bùng phát đại dịch thứ 4 tại nhiều quốc gia, dẫn đến việc phải thực hiện giãn cách một phần để phòng chống dịch, từ đó làm cho tăng trưởng của các quốc gia chậm lại.
Khi sản xuất đình trệ, nền kinh tế thế giới đều giảm sút, tình trạng lao động việc làm ở các quốc gia lớn như Mỹ hay liên minh châu Âu bị chững lại, tốc độ tăng trưởng giảm đi, chỉ số tiêu dùng giảm sút, lạm phát tăng cao… sẽ tạo ra áp lực tâm lý rất lớn cho các nhà đầu tư và điều nhận thấy rõ ràng là các nhà đầu tư phải tìm kiếm bến đỗ an toàn. Đó là vàng.
Theo các chuyên gia nhận định, trong ngắn hạn vàng sẽ tiếp tục giảm, còn về lâu về dài, giá vàng sẽ có chiều hướng tăng và có thể là giữa năm 2022. |
Thực tế cho thấy, sau những phiên tăng "nóng" tuần trước, những phiên giao dịch gần đây giá vàng đã quay đầu giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư "khóc ròng". Theo các chuyên gia, hiện vàng không còn là kênh đầu tư hấp dẫn, và khi thời điểm giá vàng đang bấp bênh, việc đầu tư sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vậy cần hết sức thận trọng.
Dự báo về giá vàng trong thời gian tới, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, xu hướng giá vàng sẽ giảm phụ thuộc vào thông tin về sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, chỉ số tiêu dùng của thế giới tăng. Do đó, trong ngắn hạn, giá vàng sẽ giữ ở mức giá hiện tại hoặc có thểtiếp tục đi xuống, nhưng sẽ không tăng qua mốc 1.900 USD/ounce.
"Tuy nhiên, về lâu về dài, giá vàng sẽ có chiều hướng tăng và có thể, giữa năm 2022, giá vàng sẽ tăng 2.000 USD/ounce" - chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong dự báo trong ngắn hạn, giá vàng sẽ có nhiều yếu tố đi xuống, biểu hiện sau khi lập đỉnh tuần qua, những phiên gần đây vàng đã quay đầu lao dốc. Tuy nhiên, về trung hạn, dài hạn, giá vàng có thể đi lên. Và theo ông Phong, việc điều chỉnh này có khi phải chờ cả chục năm mới có thể cân bằng trở lại.
Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, khi giá vàng trong nước cao vẫn đang ở mức cao (giá vàng SJC hôm nay giao dịch ở mức 58,6 triệu đồng/lượng mua vào và 59,45 triệu đồng/lượng bán ra) vẫn chênh lệch nhiều so với thế giới, hiện tượng buôn lậu vàng cũng sẽ xảy ra. Khi nguồn vàng giá rẻ nước ngoài được tuồn vào trong nước bán với giá cao, thị trường vàng nhanh chóng bị kéo giá xuống. Nếu không cẩn trọng, người mua sẽ tiếp tục gặp rủi ro.
Theo lý giải của nhiều chuyên gia, nguyên nhân khiến giá trong nước đắt hơn so với thế giới (giá quy đổi) là do hầu hết giá vốn đầu vào của các doanh nghiệp vàng trong nước đều mua vào từ năm 2019-2020, khi giá thế giới vẫn giao dịch trong khoảng 1.800-1.900 USD/ounce. Nếu giá vàng thế giới phục hồi về vùng giá này, các doanh nghiệp trong nước sẽ không tăng mạnh giá mua - bán mà chủ yếu thu hẹp chênh lệch giữa hai thị trường, về mức khoảng 3 triệu đồng/lượng như những năm trước đó.