Chuyên gia đồng tình với đề xuất hạ mức phạt nồng độ cồn của Bộ Công an
Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Dự thảo mới có nhiều nội dung, trong đó có việc hạ mức phạt tiền vi phạm nồng độ cồn.
Theo đề xuất, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ được giảm đáng kể so với quy định hiện hành trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP).
Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô, mức phạt tiền sẽ giảm từ 6-8 triệu đồng xuống còn 800.000 - 1 triệu đồng. Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, mức phạt sẽ giảm từ 2-3 triệu đồng xuống còn 400.000 - 600.000 đồng. Riêng đối với xe máy chuyên dùng, mức phạt cũng được đề xuất giảm từ 3-5 triệu đồng xuống còn 800.000 - 1 triệu đồng.
Bộ Công an cho rằng, việc hạ mức phạt này phù hợp hơn với tính chất và mức độ của hành vi vi phạm.
Bộ Công an đề xuất giảm mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở (Ảnh minh họa, nguồn: thanglong.chinhphu.vn) |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 4,96 triệu đồng/tháng. Nếu theo quy định cũ, số tiền phạt ở mức thấp nhất đã là khoảng nửa tháng lương bình quân của người lao động. Tuy mức phạt nặng giúp tạo tính răn đe, góp phần giúp giảm tình trạng sử dụng rượu bia khi lái xe, thế nhưng, đôi khi mức phạt quá nặng lại vô tình tạo tác dụng ngược.
Không ít trường hợp, người vi phạm nồng độ cồn có hành vi chống đối lực lượng chức năng khi tiến hành kiểm tra, có những trường hợp sẵn sàng bỏ phương tiện lại vì mức phạt quá cao hay thậm chí là chống đối ở mức độ cao hơn gây nguy hiểm đến an toàn của lực lượng thi hành nhiệm vụ cũng như người dân xung quanh.
Việc hạ mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn không phải là biểu hiện của việc buông lỏng quản lý, mà thể hiện tính nhân văn trong các quy định pháp luật Việt Nam. Hình phạt dùng để nhắc nhở, để nâng cao nhận thức, tránh tái phạm, chứ không không thể làm ảnh hưởng đến đời sống của người vi phạm.
Bộ Công an cho rằng, việc hạ mức phạt nồng độ cồn nhằm phù hợp hơn với tính chất và mức độ của hành vi vi phạm (Ảnh minh họa) |
Đồng tình với việc hạ mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, thời điểm Chính phủ ban hành nghị định 100 quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính giao thông thì ý thức chấp hành pháp luật của một số người dân còn chưa tốt, nhất là tình trạng vi phạm về nồng độ cồn. Vì vậy việc để mức xử phạt vi phạm bằng tiền cao là hợp lý. Tuy nhiên, quá trình áp dụng pháp luật, tổng kết thực tiễn, đến nay việc Bộ Công an đề xuất điều chỉnh giảm là phù hợp.
Với mức phạt cũ ở mức vi phạm tối thiểu, đặc biệt với xe máy, số tiền 2-3 triệu đồng là cao so với thu nhập của nhiều người dân. Nếu CSGT kiểm tra vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp (chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở) mà phạt tới 6-8 triệu đồng là chưa hợp lý.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Ảnh: CTTĐT Quốc hội) |
Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Đỗ Khánh Duy – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cũng đồng tình với đề xuất hạ thấp mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở của Bộ Công an.
Theo luật sư Đỗ Khánh Duy, mức xử phạt đối với hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu có nồng độ cồn hiện nay đang khá cao, tuy mang tính răn đe nhưng ở góc độ thực tiễn áp dụng có phần chưa phù hợp với văn hoá và sinh hoạt của người dân do phần lớn các sự kiện gia đình hay gặp mặt bạn bè, đối tác đều có sử dụng tới bia rượu.
Hiện nay khung xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn cũng đang được phân chia thành nhiều mức độ xét theo tính chất nghiêm trọng của hành vi (căn cứ theo nồng độ cồn trong máu), với tỉ lệ 0,25 miligam/1 lít khí thở được xác định là mức độ vi phạm thấp nhất.
Xét trên góc độ y tế, Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cũng đưa ra quan điểm: Tại một số nước vẫn có một mức tối thiểu, khi dưới mức này vẫn có thể lái xe và không bị phạt. Tại Việt Nam hiện đang áp dụng xử phạt đối với tất cả người lái xe có nồng độ cồn.
Mức xử phạt trong thời gian qua đã tác động đến thói quen hành vi của người tham gia giao thông. Khi người dân đã hình thành thói quen này, bước chuyển tiếp là hạ mức xử phạt đối với nồng độ cồn tối thiểu là khá hợp lý.
Ngoài ra, có một thực tế là nhiều người uống rượu vào buổi tối nhưng sáng hôm sau vẫn lo trong người có nồng độ cồn, dù không còn nhiều và họ đủ tỉnh táo bình thường sau một đêm nghỉ ngơi. Khi có sự thay đổi về mức xử phạt, người dân nếu có vi phạm cũng có thể bị xử phạt ở mức chấp nhận được.
Do vậy, việc hạ mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở của Bộ Công an là phù hợp hơn với thực tiễn xã hội và văn hoá của người Việt Nam.
Tuy vậy, người dân cũng luôn phải nâng cao ý thức, không tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu, bia; tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông cũng như các quy định về phòng, chống tác hại của bia, rượu để bảo vệ an toàn tính mạng, sức khoẻ của bản thân cũng như người khác.