Chủ nhật 29/12/2024 07:45

Chuyển đổi số thay đổi diện mạo y tế Quảng Ninh

Những bước tiến trong chuyển đổi số ngành y tế tại tỉnh Quảng Ninh đã tạo đột phá trong hoạt động khám chữa bệnh.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh được đánh giá là một trong những đơn vị tiên phong chuyển đổi số về y tế trong nước, đưa các ứng dụng số vào công tác khám, chữa bệnh, như: Không dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí; đăng ký khám online; triển khai vòng tay y tế và xe tiêm thông minh hỗ trợ cho các y, bác sĩ, điều dưỡng trong công tác khám chữa bệnh; đưa hệ thống phần mềm quản lý bệnh án điện tử vào sử dụng, phục vụ đắc lực cho hoạt động khám chữa bệnh.

Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh làm hồ sơ khám chữa bệnh cho người dân thông qua hệ thống phần mềm quản lý thông tin khám chữa bệnh trực tuyến. Ảnh: Cao Quỳnh

Đặc biệt, thời gian gần đây, bệnh viện đã triển khai nhiều mô hình thuộc Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đối với lĩnh vực y tế.

Một trong những mô hình nổi bật tạo điều kiện thuận lợi và làm hài lòng người dân là triển khai kiosk tự phục vụ sử dụng căn cước công dân gắn chíp để lấy số thứ tự và đăng ký khám bệnh. Với mô hình kiosk tự phục vụ, quy trình thủ tục khám bệnh của người bệnh giảm từ 6 bước xuống còn 2 bước so với trước kia, thời gian chờ để được vào phòng khám từ 5-15 phút giảm còn chưa đến 1 phút.

Hệ thống gọi số tự động tại bệnh viện giúp người bệnh chủ động khi chờ tới lượt khám. Ảnh: Nguyễn Hoa

Mỗi ngày, Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều tiếp nhận khoảng 600 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Để phục vụ hiệu quả công tác chăm sóc, điều trị cho người bệnh, bệnh viện đã tăng cường áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh.

Thay vì phải đến xếp lốt khám bệnh từ tờ mờ sáng như trước kia, hiện người dân đến khám tại Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều có thể đặt lịch khám bệnh trực tuyến qua số điện thoại trong giờ hành chính hoặc qua website. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để cải tiến quy trình tiếp đón đã giúp bệnh nhân giảm tối đa thời gian chờ đợi, không phải chịu cảnh chen lấn; chủ động sắp xếp quỹ thời gian trong việc đi khám, chữa bệnh.

Khi bệnh nhân đăng ký khám bệnh, trung tâm sẽ chủ động sắp xếp lịch khám phù hợp, tránh tình trạng quá đông hay quá vắng. Từ đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giúp bác sĩ có điều kiện quan tâm đến bệnh nhân nhiều hơn, tạo cầu nối thân thiện, hiểu biết, tránh những xung đột do thiếu sự sẻ chia giữa thầy thuốc và người bệnh.

Ông Lê Kỳ Trường - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều - cho biết, trung tâm đang tiếp tục phối hợp cùng nhà cung cấp phần mềm hoàn thiện chức năng tra cứu kết quả khám chữa bệnh trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của trung tâm; phấn đấu trong năm 2024 chuyển đổi số toàn diện trong bệnh viện, hướng tới bệnh viện không giấy tờ.

Bệnh án điện tử với các hệ thống phần mềm quản lý tổng thể hoạt động khám chữa bệnh. Ảnh: Hà Trang

Trung tâm Y tế huyện Hải Hà, đơn vị đầu tiên trong tỉnh thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử. Trung bình mỗi tháng, trung tâm trích xuất hơn 10.000 hồ sơ bệnh án điện tử, bao gồm cả hồ sơ bệnh án nội trú, ngoại trú và các loại hồ sơ bệnh án khác theo quy định của Bộ Y tế. Từ nhiều năm nay, trung tâm đã đưa vào sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện với các ứng dụng cụ thể như xếp số tự động, tiếp nhận thông tin bệnh nhân, quản lý cận lâm sàng và lâm sàng cho người bệnh, quản lý thanh toán viện phí, bảo hiểm y tế.

Với phần mềm này, quy trình khám chữa bệnh và điều trị cho bệnh nhân được thực hiện khép kín, thuận tiện cho người sử dụng, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh, từ đó, nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, trung tâm còn tham gia thực hiện hội chẩn trực tuyến qua Internet, tập huấn nâng cao về công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, y bác sĩ.

Tương tự, tại Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên, đơn vị đã triển khai số hóa nhiều khâu, từ quy trình tiếp đón, phân luồng sử dụng căn cước trong đăng ký khám bệnh; đăng ký khám bệnh qua kiosk thông minh; đặt lịch khám và trả kết quả trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt… đến liên thông dữ liệu giữa các khoa, phòng, các khâu. Nhất là việc liên kết các hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh trong chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, siêu âm, điện tim… Qua đó giúp bệnh nhân chủ động được thời gian, tránh việc quá tải dồn vào một vài thời điểm.

Ông Phạm Văn Thư (phường Cộng Hòa, thị xã Quảng Yên), cho biết: "Mỗi lần đến trung tâm y tế, tôi không còn phải mang nhiều giấy tờ mà chỉ cần mang theo căn cước hoặc điện thoại có cài đặt ứng dụng VNeID là đã có thể đăng ký khám bệnh ngay.

Tất cả thông tin những lần khám bệnh trước đây của tôi cũng được lưu trữ, vì vậy bác sĩ nắm rõ thông tin về bệnh của tôi để việc khám, điều trị chính xác. Đồng thời tôi cũng chủ động theo dõi được thông tin sức khỏe của bản thân".

Bác sĩ xem các phim chụp não được số hóa hiển thị trên nền tảng số của ngành y tế Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Hoa

Việc số hóa dữ liệu khám chữa bệnh là một trong những nhiệm vụ được ngành y tế tập trung thực hiện trong nhiều năm qua nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ nhân dân. Hiện đã có hơn 1,3 triệu nhân khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được quản lý sức khỏe và đồng bộ tích hợp lịch sử khám chữa bệnh với ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" của người dân; 100% dữ liệu khám chữa bệnh tại các đơn vị y tế được liên thông dữ liệu với hồ sơ sức khỏe điện tử.

Đến nay, toàn ngành y tế Quảng Ninh đã có 18/21 đơn vị khám chữa bệnh ứng dụng thành công bệnh án điện tử/bệnh viện không giấy tờ; 3 đơn vị còn lại đang được thẩm định công nhận. Như vậy trong năm 2024, 100% đơn vị y tế của tỉnh sẽ thực hiện hoàn toàn bệnh án điện tử thay thế cho bệnh án giấy, vượt mục tiêu đề ra là đến năm 2025.

Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục phối hợp với các địa phương giám sát, triển khai thí điểm nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa (VTelehealth) của Bộ Y tế; thực hiện kết nối, chia sẻ, làm sạch dữ liệu khám chữa bệnh với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh và thanh quyết toán bảo hiểm y tế của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; đơn thuốc điện tử quốc gia…

Với việc chú trọng công tác chuyển đổi số của ngành y tế đã giúp đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế giảm bớt nhiều thao tác, đưa ra kết quả một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Đồng thời, chuyển đổi số cũng giúp các đơn vị, cơ sở y tế nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt hoạt động, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ; bảo đảm tốt nhất việc điều trị, chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn.

Chí Tâm
Bài viết cùng chủ đề: Chuyển đổi số

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội công bố điểm du lịch Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu

Sản phẩm OCOP 3 miền quy tụ tại Bà Rịa – Vũng Tàu

Sở Công Thương Gia Lai tổ chức Hội nghị công chức viên chức

Nhiều hạn chế trong việc phát triển sản phẩm OCOP Quảng Bình

Sóc Trăng: Phát triển ngành tôm theo hướng sản xuất sạch

Thanh Hóa: Nhiều kết quả nổi bật về thông tin, truyền thông

Bà Rịa - Vũng Tàu: Cấm lợi dụng tinh giản bộ máy để bố trí người thân

Đồng Nai: Ông Võ Văn Phi làm Bí thư huyện Long Thành

Sở Công Thương Gia Lai tổ chức hội nghị tổng kết Đảng

Thái Bình: Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ

Ông Trần Anh Chung được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa

Khai mạc liên hoan ẩm thực Quảng Ninh năm 2024 - Điểm đến hội tụ tinh hoa ẩm thực

Thông tin về việc sắp xếp bộ máy hành chính mới tại tỉnh Quảng Bình

Thành phố Hải Phòng công nhận Khu du lịch Đồ Sơn là Khu du lịch cấp tỉnh

Hà Nội quan tâm ứng phó sự cố trong lĩnh vực hoá chất

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa xin nghỉ hưu trước tuổi

Nam Định quy định mức chi cho công tác khuyến công

Quảng Nam: Tinh giản 107 biên chế trong đợt I năm 2025

Cần Thơ: Chủ động phòng, chống hạn hán xâm nhập mặn trong mùa khô 2024-2025

Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế di sản thành phố Hạ Long