Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia: Lấy công nghệ làm nền tảng
Nhiều kết quả đạt được của Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đã đóng góp đáng kể trong việc tạo lập nền tảng quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, mang lại hiệu quả cao.
Nâng cao năng lực hấp thu
Thông qua sự hỗ trợ của Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, Tập đoàn Sao Mai đã chuyển giao, hoàn thiện công nghệ tinh luyện dầu, công nghệ enzym thu nhận bột đạm từ phụ phẩm cá tra thành các loại dầu thực phẩm, shortening, margarine, bột nêm, bột cá chất lượng cao. Nhờ đó, nâng tầm giá trị của cá tra lên khoảng 28%. Mỗi năm, doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 1/3 lượng mỡ cá tra của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nâng cao năng lực hấp thu, làm chủ công nghệ của một số ngành, lĩnh vực |
Cũng như Sao Mai, Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công hệ thống chiếu sáng chuyên dụng trong công nghiệp nhân giống và điều khiển ra hoa một số loại cây trồng với quy mô công nghiệp. Hiện nay, công ty đang tiếp tục hoàn thiện và phát triển công nghệ sản xuất hệ sinh thái LED 4.0 ứng dụng trong đô thị thông minh, ngôi nhà thông minh và trang trại trồng trọt thông minh.
Công ty Cổ phần ôtô Trường Hải đã ứng dụng công nghệ tự động hóa vào sản xuất, điều hành nhằm hướng tới xây dựng nhà máy thông minh theo xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nhờ đó, giúp nhà máy sản xuất nhíp ôtô của Trường Hải nâng tỷ lệ tự động hóa sản xuất lên tới 70÷80%, sản phẩm xuất xưởng tăng thêm 15%/năm, chi phí sản xuất giảm 2,0%/sản phẩm.
Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc đã tiếp nhận chuyển giao công nghệ và xây dựng mô hình nuôi tôm hùm trong bể trên bờ quy mô công nghiệp đầu tiên trong cả nước qua đó đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, giảm thiểu tác động của thiên nhiên, sản phẩm tôm hùm thương phẩm có màu sắc đẹp, tỷ lệ sống trên 75%, năng suất đạt 4-5 kg/m3 mang lại giá trị kinh tế cao, phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm tại Việt Nam.
Ông Tạ Việt Dũng - Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) - cho biết, những kết quả đạt được trong thời gian qua của chương trình đã góp phần nâng cao năng lực hấp thu, làm chủ công nghệ của một số ngành, lĩnh vực và góp phần hình thành một số sản phẩm thương hiệu quốc gia, sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao trên thị trường phù hợp với định hướng phát triển của ngành khoa học và công nghệ trong giai đoạn 2011 - 2020.
Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Theo ông Tạ Việt Dũng, với tinh thần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đã tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành nông nghiệp, công nghiệp, y - dược như: Chọn tạo giống, chế biến sau thu hoạch, chế biến thủy sản, công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ tự động hóa, sản xuất tế bào gốc…
Chương trình được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, viện, trường, hiệp hội và doanh nghiệp. Chương trình đã tập trung nghiên cứu triển khai các nội dung, nhiệm vụ theo chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ phục vụ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0...
Thông qua chương trình, các doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, hàng trăm công nghệ, quy trình được hấp thu và làm chủ, hàng chục bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được đăng ký bảo hộ, năng suất lao động trung bình tăng mạnh (trong đó một vài doanh nghiệp có năng suất lao động tăng gấp 5,4 lần) sau đổi mới công nghệ.
Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia giai đoạn năm 2021 - 2030 đặt mục tiêu số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm (đến năm 2025) và tăng trung bình 20%/năm (đến năm 2030). |