Chung tay cùng người Cơ Tu giữ rừng
Chuyển đổi cây trồng để giữ rừng
Rừng Hoà Bắc chiếm gần một nửa diện tích rừng của thành phố Đà Nẵng, là rừng đầu nguồn của sông Cu Đê có nhiệm vụ tích nước, điều tiết nguồn nước và là lá phổi xanh của thành phố. Rừng Hoà Bắc gồm gần 28 ngàn ha rừng tự nhiên, hơn 3,8 ngàn ha rừng trồng, trong đó có hơn 1,7 ngàn ha là rừng trồng keo nguyên liệu.
Cần thiết đẩy nhanh việc chuyển đổi trồng cây keo sang cây gỗ lớn, cây lâu năm |
Người Cơ Tu là những cư dân lưu trú lâu đời dưới tán rừng. Ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), đồng bào Cơ Tu sống tập trung ở 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí.
Hơn 10 năm qua, cây keo được xem là cây xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào Cơ Tu vì dễ trồng, thời gian thu hoạch ngắn. Tuy nhiên, rừng keo không có khả năng giữ đất, chống xói mòn mà ngược lại rễ keo cạn, dễ đổ gãy khi có mưa bão; khi cây thi hoạch xong thì rễ khô mục, tạo những ống dẫn nước vào lòng đất, tăng nguy cơ sạt lở núi.
Trên thực tế, điều này đã xảy ra tại xã Hòa Bắc. Ông Đinh Văn Khèn (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc) cho biết: Trồng cây keo dù có mang lại một phần kinh tế nhưng lại gây tác hại đến môi trường, bão về sức chống chịu của cây keo rất yếu. Những năm gần cây mưa bão cây keo lại gãy nhiều, người dân dễ bị mất trắng.
“Mấy năm gần đây bão, mưa lớn, cây keo gãy nhiều, bà con cũng thiệt hại nhiều lắm”, bà Bùi Thị Hứa (thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc) cho hay.
Nghiêm trọng hơn, việc trồng keo, thu hoạch và đốt thực bì đã thay đổi phần lớn mặt đệm tại các lưu vực sông theo chiều hướng bất lợi, làm gia tăng lưu lượng đỉnh lũ cũng như suy giảm lưu lượng dòng chảy của sông Cu Đê mùa khô, gây ra sạt lở, ngập lụt, hạn hán ngày càng khốc liệt hơn trong những năm gần đây.
Để phát triển bền vững môi trường sinh thái đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc trồng rừng, định hướng chuyển đổi rừng keo sang rừng cây gỗ lớn là cấp thiết.
Đồng bào Cơ Tu "mượn" âm nhạc để gây quỹ phát triển rừng, bảo vệ rừng ở đêm nhạc gây quỹ "Người Cơ Tu giữ rừng" |
Người Cơ Tu cũng hiểu điều đó, những năm gần đây, nhiều người Cơ Tu đã chủ động chuyển đổi dần từ trồng keo sang trồng cây lâu năm.
Ông Đinh Văn Như (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc) cho biết hiện ông đang làm một mô hình trồng rừng mới, đó là lấy ngắn nuôi dài. “Tôi trồng cây gỗ lớn xen lẫy với cây keo. Các loại cây gỗ là những cây bản địa như cây chò, quỷnh, kiềng kiềng, lát hoa. Cây keo sau 5 năm sẽ thu hoạch lấy vốn đó để nuôi cây gỗ lớn như vậy 10 năm đến 20 năm 30 năm. Đến lúc đó, tôi vừa phát triển kinh tế bền vững, vừa giữ được rừng và bảo vệ môi trường”, ông Như chia sẻ.
Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Dù biết trồng rừng gỗ lớn có ích về sau, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tuy nhiên, cũng theo nhiều người dân, khó khăn hiện tại đó là trồng cây gỗ lớn mất rất nhiều thời gian, nhanh là 10 năm, có khi đến 20, 30 năm. Trong khi rừng là nơi tạo sinh kế cho nhiều gia đình đồng bào Cơ Tu.
Theo bà Nguyễn Thị Phương (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc), bà ủng hộ việc trồng cây gỗ lớn lâu năm. “Nhưng mà sợ cây lâu năm quá là nhiều khi mình bỏ vốn đó lâu quá mình sợ là không lấy lại được để lo thu nhập trong gia đình mình, nhưng mà trồng keo thấy không bảo đảm bên môi trường”, bà Phương nói.
“Tôi ủng hộ chủ trương trồng cây gỗ lớn xen canh với cây ngắn ngày như cây keo. Việc chuyển đổi sang cây gỗ lớn lâu năm cũng vì bảo vệ con cháu mình về sau, bảo vệ rừng, giảm tác hại của thiên tai, bão lũ”, ông Đinh Văn Khèn bày tỏ.
Giữ rừng, phát triển rừng là hướng đi giảm nghèo bền vững cho người dân sống gần giữ, giúp bảo vệ "lá phổi xanh" của Đà Nẵng |
Thời gian qua, đã có nhiều chương trình đồng hành cùng người Cơ Tu giữ rừng.
Mới đây nhất, tại xã Hòa Bắc, Trung tâm bảo tồn đa dang sinh học Nước Việt Xanh phối hợp với Viện Gustav-Stresemann (GSI, Đức) tổ chức Đêm nhạc gây quỹ với chủ đề “Người Cơ Tu giữ rừng”.
Tại chương trình, các đơn vị, doanh nghiệp đã cùng chung tay cùng đồng bào Cơ Tu giữ rừng, phát triển rừng như cam kết trồng rừng, tặng phân bón cho người dân trồng rừng…
Được biết, đêm nhạc là hoạt động khởi động cho chương trình “Bring the forest back to life” gây quỹ (dự kiến 3 tỷ đồng) hỗ trợ cộng đồng người Cơ Tu tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) trồng 60.000 cây gỗ lớn thay cho trồng keo (tương đương với 50 ha rừng cây bản địa). Chương trình “Bring the forest back to life” là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Huy động nguồn tài chính cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững tại TP. Đà Nẵng – dự án Quỹ bảo tồn” do Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam tài trợ.
Biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động cực đoan đến đời sống, kinh tế - xã hội. Bảo vệ rừng là một trong những giải pháp quan trọng để giảm thiệt hại do các tác động của thiên tai bão lũ gây ra. Trồng cây gỗ lớn không chỉ giúp giữ rừng, bảo vệ rừng, phát triển bền vững mà còn là hướng đi giảm nghèo bền vững cho người dân gần rừng. Để làm được điều này cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.