Chung tay bảo vệ người tiêu dùng: Kỳ 1 - Ám ảnh “hàng fake”
Tiêu hủy hàng giả nhái nhãn hiệu uy tín |
Đằng sau những con số…
Chỉ trong tuần đầu tháng 3 (từ 1-8/3/2017), Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện 105 vụ vi phạm. Trong đó, nổi cộm lên 5 vụ vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu với số lượng tạm giữ 1.327 bao. Qua kiểm tra 36 cửa hàng, công ty, kho hàng, các lực lượng đã tạm giữ 18.154 sản phẩm mỹ phẩm, giày dép, mắt kính, thiết bị điện, mũ bảo hiểm, phụ tùng ôtô, xe đạp, đồng hồ đeo tay… và máy điều hòa nhiệt độ đã qua sử dụng; 496 kg thực phẩm; 2.630m vải. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện 2 vụ kinh doanh hóa chất hết hạn sử dụng cùng 31.860 kg hóa chất công nghiệp có nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc; tạm giữ 3.000 kg hóa chất công nghiệp.
Lực lượng chức năng đã tạm giữ 825 sản phẩm thực phẩm chức năng, kẹo, bánh ngũ cốc; tạm giữ 9.360 sản phẩm sữa chua, sữa Fristi hết hạn sử dụng; 825 sản phẩm nước uống hương trái cây, nước gạo, phụ gia thực phẩm có vi phạm trong ghi thông tin nhãn mác… Riêng năm 2016, thành phố đã phát hiện hơn 8.340 vụ vi phạm với số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong kiểm tra chuyên ngành gần 134 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2015.
… Là hiểm họa khôn lường
Điều đáng nói, đằng sau những con số ấy là mối hiểm họa đe dọa nghiêm trọng quyền của người tiêu dùng và lợi ích sống còn của doanh nghiệp.
Ngày 12/3, tại Quảng trường Nguyễn Huệ, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3). |
Anh Trần Văn Nam (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) - chia sẻ, vừa qua, xe máy của anh bị hỏng bugi phải đi thay tại một cửa hàng sữa chữa xe máy. Mặc dù mua mới hết hơn 250.000 đồng nhưng chỉ sau vài tháng, xe máy của anh liên tục “chết máy” dọc đường. Vào hãng kiểm tra, anh mới biết bugi đó là hàng nhái (fake). Việc dùng bugi giả còn khiến một số linh kiện khác như ắc quy, pít - tông, ống xả khí gặp nhiều vấn đề. Vừa phải thay cái mới, anh Nam vừa bức xúc vì ‘tiền mất tật mang” khi xe đang lưu thông trên đường mà chết máy rất dễ bị tai nạn giao thông.
Đại diện Công ty TNHH NGK Spark Plugs Việt Nam chia sẻ, vừa qua công ty đã mua hơn 1.208 chiếc bugi tại 452 cửa hàng trong cả nước. Trong đó, riêng khu vực miền Nam có tới 875 chiếc là giả. Vị này nhận định, hàng fake tung hoành sẽ khiến người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng phương tiện. Quan trọng hơn, người tiêu dùng còn mất lòng tin vào sản phẩm chính hãng.
Ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn - cho biết, năm 2016, công ty đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ, xử lý gần 10.000 sản phẩm mũ bảo hiểm giả, nhái thương hiệu Nón Sơn tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Riêng tháng 1/2017 tại Đắk Lắk, các lực lượng đã phát hiện hơn 2.645 mũ là hàng fake mang mác Nón Sơn.
“Hơn 10.000 mũ bảo hiểm giả trên nếu không bị phát hiện sẽ đến tay hơn chục nghìn người, đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng của người tiêu dùng nếu có tai nạn. Bên cạnh đó, hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu Nón Sơn trong lòng người tiêu dùng”- ông Nguyễn Ngọc Tý nhấn mạnh.
Kỳ 2: Doanh nghiệp phải hành động