Thứ bảy 23/11/2024 21:57

Chủ tịch Quốc hội: Công tác nhân sự bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự ngay tại đầu Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Không tạo kẽ hở cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng

Sáng 22/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 5.

Dự phiên khai mạc Kỳ họp có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 5

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Kỳ họp thứ 5 được chia làm 02 đợt, họp tập trung tại Nhà Quốc hội: Đợt 1 từ ngày 22/5 đến ngày 10/6; đợt 2 từ ngày 19/6 đến ngày 24/6. Dự kiến trong 23 ngày làm việc, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định những nội dung quan trọng.

Trong đó, về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật, trong đó có 6 dự án luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 theo quy trình tại một kỳ họp trên cơ sở quy định tại Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đề nghị của Chính phủ, để đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn.

Quốc hội cũng xem xét, ban hành 03 nghị quyết quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác.

“Đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án, dự thảo đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao” - Chủ tịch Quốc hội nói, đồng thời lưu ý, với số lượng lên đến 20 dự án, dự thảo được xem xét, cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp này, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội dành thời gian nghiên cứu, tập trung thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá tính đồng bộ và sự phù hợp của các dự án, dự thảo với Hiến pháp và đường lối, chủ trương của Đảng, cân nhắc thận trọng về tính hợp lý, khả thi, tác động của các chính sách mới được đề xuất.

Đặc biệt, lưu ý bảo đảm tính công khai, minh bạch, chặt chẽ, không tạo kẽ hở cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; bảo đảm sự ổn định, thống nhất trong các quy định của từng dự án, dự thảo và sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế phát triển, thúc đẩy, tạo động lực mới, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững theo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Khắc phục ngay tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm

Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Chủ tịch Quốc hội cho hay, Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021...

Khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những tháng đầu năm 2023, mặc dù bối cảnh thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và đời sống người dân cơ bản ổn định, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính giảm mạnh do lạm phát, căng thẳng địa chính trị, các nước thắt chặt chính sách tiền tệ… đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của nước ta.

Mức tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn so với mục tiêu đề ra; một số địa phương có mức tăng trưởng âm hoặc thấp so với cùng kỳ; kim ngạch xuất, nhập khẩu, sản xuất của nhiều ngành công nghiệp chủ lực giảm hoặc tăng thấp; một số điểm nghẽn của các thị trường chưa được tháo gỡ hiệu quả; nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, một số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô hoặc dừng hoạt động; kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều rủi ro; áp lực tỷ giá, lãi suất tăng cao; nguy cơ nợ xấu gia tăng; tình hình dịch bệnh, thiên tai dự báo sẽ diễn biến phức tạp…

Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung phân tích cụ thể, đánh giá khách quan, sát thực, toàn diện, thẳng thắn về kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, nhất là trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm; giải ngân vốn đầu tư công, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ, các vấn đề về văn hóa, lao động, an sinh xã hội….

Bên cạnh đó, làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân khách quan, chủ quan cả trong công tác tổ chức thực hiện và những vấn đề liên quan đến chính sách, thể chế, pháp luật; những khó khăn hạn chế của nội tại nền kinh tế; dự báo sát với tình hình thời gian tới, từ đó, đề xuất giải pháp thiết thực, kịp thời, nhất là có giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, góp phần hoàn thành các mục tiêu năm 2023, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025.

Đối với việc phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, quán triệt yêu cầu đổi mới quy trình quyết định về ngân sách nhà nước bảo đảm thực chất, đi đôi với giám sát việc thực hiện ngân sách, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội thảo luận, đánh giá kỹ tình hình dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước, phân tích rõ nguyên nhân của những bất cập, hạn chế, nhất là những bất cập, hạn chế chưa được khắc phục hậu quả qua nhiều năm...

Quốc hội bầu chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách

Về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Tại kỳ họp này, lần đầu tiên, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Các đại biểu tham dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua các nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024.

Đặc biệt, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự ngay tại đầu kỳ họp, cụ thể là: Xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV, miễn nhiệm và bầu chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026.

"Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội xem xét, thảo luận kỹ lưỡng để việc quyết định công tác nhân sự bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và thông qua nhiều nội dung rất quan trọng, thu hút sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn của cử tri, nhân dân cả nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng để các quyết sách của Quốc hội thực sự đồng hành, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

"Với sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng, tôi tin tưởng rằng, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ hoàn thành toàn bộ chương trình, mục tiêu đã đề ra, tiếp tục thu được kết quả toàn diện và tốt đẹp" - Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Quỳnh Nga - Thu Hường
Bài viết cùng chủ đề: Chủ tịch Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Đại học Quốc gia Malaya

Đại biểu Quốc hội: Cần thống nhất một đầu mối quản lý nhập khẩu, kinh doanh hóa chất

Bộ trưởng Bộ Công Thương giải trình, làm rõ về Luật Hóa chất (sửa đổi)

Tổng Bí thư và Phu nhân lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Malaysia

Kỹ sư dầu khí Việt kiều báo cáo Tổng Bí thư Tô Lâm kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo Malaysia

Tổng Bí thư và Phu nhân thăm Đại sứ quán và gặp cộng đồng người Việt ở Malaysia

Thảo luận về quản lý đầu tư, Thủ tướng nêu loạt vướng mắc và giải pháp từ doanh nghiệp ngành Công Thương

Tổng Bí thư hoan nghênh doanh nghiệp Malaysia đầu tư, làm ăn lâu dài ở Việt Nam

Cần cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để sớm đưa thành quả nghiên cứu vào thực tiễn

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình kiểm tra tiến độ Dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột

Khẳng định Việt Nam độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đóng góp trách nhiệm trước các vấn đề toàn cầu

Cần đưa quy định phát triển công nghiệp bán dẫn vào Luật Công nghiệp công nghệ số

Sẽ quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo dòng vốn đầu tư

Sửa đổi Luật Hóa chất phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay

Phu nhân Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Viện Tim quốc gia Malaysia

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc với Tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Phát triển nông thôn Malaysia

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sắp thăm, làm việc tại Đan Mạch và Phần Lan

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long thị sát một số dự án trọng điểm tại tỉnh Quảng Trị

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải được bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương