Chủ tịch Hồ Chí Minh - "Người đi tìm hình của nước"
Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2021) và 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2021) năm nay, cũng là dịp hàng triệu cử tri cả nước chuẩn bị cho ngày hội non sông. Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. |
Những ngày này, du khách về thăm quê Bác và tham quan triển lãm đều phải tuân thủ đầy đủ quy định về phòng, chống dịch Covid-19 như mang khẩu trang, khai báo y tế, đo thân nhiệt... |
Theo Ban quản lý di tích Kim Liên, trong hơn 200 tài liệu và hiện vật trong cuộc triển lãm năm nay, ghi lại hành trình tìm đường cứu nước của Người, cũng như những mốc son lịch sử của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa Việt Nam từ một nước thuộc địa, phong kiến trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất và hòa bình. |
Trong cuộc triển lãm lần này, có nhiều tư liệu về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trong ảnh là sắc lệnh số 63/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 22/11/1945 về việc tổ chức chính quyền và Ủy ban nhân dân các cấp. |
Trong ảnh là lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc ngày 5/1/1946, trước thời điểm bỏ phiếu bầu Quốc dân Đại hội (Quốc hội) đầu tiên 1 ngày. |
Ngày 6/1/1946 thực sự là một ngày hội lớn của non sông, một mốc son trong lịch sử dân tộc; người dân Việt Nam lần đầu tiên được cầm trên tay lá phiếu để thực hiện quyền công dân của một nước độc lập. Tại cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội đã diễn ra trên 71 tỉnh, thành trong cả nước theo hình thức phổ thông đầu phiếu, bầu ra 333 đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Khóa I với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 89%. |
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhậm chức và tuyên thệ trước Quốc hội, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, ngày 2/3/1946. Và trong khoảng thời gian 24 năm trên cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ba lần ứng cử đại biểu Quốc hội tại Thủ đô Hà Nội. Đó là cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 bầu Quốc hội khóa I, bầu cử Quốc hội khóa II (1960 – 1964) ngày 8/5/1960, bầu cử Quốc hội khóa III (1964 – 1971) ngày 26/4/1964. |
Chiến thắng Mùa Xuân 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30/4/1975 giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước sau 21 năm chia cắt. Ngày 25/4/1976, cử tri cả nước đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. |
Trong ngày Tổng tuyển cử 25/4/1976, cử tri cả nước đã sáng suốt lựa chọn, bầu ra 492 đại biểu tham gia Quốc hội khóa VI. Và tại kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ, Quốc hội đã quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Quốc hội đã bầu ra Chủ tịch nước, Chính phủ và các cơ quan lãnh đạo Nhà nước Việt Nam thống nhất. |
Từ khi thống nhất đất nước và đặc biệt là sau 35 năm đổi mới, vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và quốc tế ngày càng được củng cố, nâng cao với rất nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao... |
Du khách tới thăm triển lãm "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đi tìm hình của nước" tại khu di tích Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An). |