Chủ nhật 24/11/2024 21:58

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Giảm tồn kho tại Mỹ chưa tạo bứt phá cho xuất khẩu

Trong các tháng cuối năm 2023, xuất khẩu dệt may của Việt Nam tuy chưa thể bứt phá song vẫn có khả năng đạt mục tiêu đề ra là 40 tỷ USD.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh những kết quả đạt được của ngành dệt may trong 9 tháng đầu năm 2023.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Thưa ông, việc sức cầu của thị trường giảm đã có tác động như thế nào tới kết quả xuất khẩu của ngành dệt may trong 9 tháng đầu năm?

Năm 2023, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi nhiều yếu tố lạm phát, bất ổn chính trị kìm hãm chi tiêu tiêu dùng từ các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, trong khi đó hàng dệt may do không phải là hàng thiết yếu nên bị sụt giảm đơn hàng. Ước tính sơ bộ đến hết tháng 9 năm 2023 xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt khoảng 30,25 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022.

Về thị trường xuất khẩu, trong 9 tháng đầu năm 2023 sản phẩm dệt may của Việt Nam được xuất khẩu tới 71 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm trên 40% thị phần của ngành dệt may Việt Nam, tiếp đến là Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Nhìn chung, ở những thị trường nói trên đều ghi nhận kim ngạch giảm sâu do nhu cầu sụt giảm. Đơn cử như thị trường EU, trong 7 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 2,3 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ. Bước sang tháng 8/2023 xuất khẩu giảm mạnh hơn khi chỉ được 330 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ và tháng 9/2023 cũng giảm sâu do đơn hàng từ các đối tác lớn như Decathlon, Nike, Adidas đã giảm mạnh.

Trong bức tranh “màu xám” của thị trường 9 tháng đầu năm nay, khối thị trường các nước có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như Nhật Bản, Canada, Úc, New Zealand trở thành “điểm sáng” khi ghi nhận tăng trưởng cao. Cũng trong những tháng đầu năm 2023 chúng ta đã mở thêm được nhiều thị trường mới tại châu Phi và Trung Đông. Từ đó góp phần giúp kim ngạch của ngành không bị giảm sâu trong bối cảnh sức cầu thị trường giảm mạnh.

Như ông có chia sẻ thì Mỹ là thị trường chiếm tới 40% thị phần của ngành dệt may. Gần đây theo dự báo của một số tổ chức tài chính thì thị trường này đang có chỉ số tồn kho “chạm đáy”. Vậy đây có phải là tín hiệu tích cực cho ngành dệt may trong thời gian tới?

Đúng là thị trường Mỹ có ghi nhận giảm tồn kho. Tuy nhiên chúng tôi nhận định rằng việc giảm tồn kho này không tương xứng với sức mua đang sụt giảm mạnh của người tiêu dùng Mỹ. Do vậy, trước mắt việc giảm tồn kho có thể chỉ giúp xuất khẩu dệt may tăng nhẹ chứ chưa có bứt phá về đơn hàng như trong năm 2019 và năm 2021.

Hiện tại, chúng tôi đang trông chờ vào các đơn hàng của năm 2024 ở một số thị trường EU. Tuy nhiên nhìn chung sức mua của thị trường vẫn chưa cải thiện nhiều.

Với tình hình khó khăn hiện nay, theo ông đến hết năm 2023 ngành dệt may có hoàn thành mục tiêu xuất khẩu?

Mục tiêu xuất khẩu năm nay của ngành vẫn đề ra 40 tỷ USD. Đây là một con số đầy thách thức trong bối cảnh hiện nay song chúng tôi cho rằng con số này có thể đạt được.

Và để hoàn thành mục tiêu, hiện các doanh nghiệp vẫn đang thúc đẩy những giải pháp mà Hiệp hội đã định hướng thị trường từ đầu năm như: Đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa dòng hàng, đa dạng hóa khách hàng nhằm giữ tỷ trọng xuất khẩu. Đồng thời tiếp tục đầu tư vào công nghệ, quản trị số cùng các các giải pháp tiết giảm chi phí, thời gian giao hàng nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, chúng tôi xác định phát triển bền vững là xu thế chung toàn ngành khi tiếp cận các thị trường trên thế giới, nhất là các thị trường có Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Cụ thể như trong cam kết của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã đưa ra quan điểm về việc sử dụng xanh, tái chế và đây là những yêu cầu mà những nhãn hàng đòi hỏi nhà sản xuất Việt phải thích ứng. Do vậy đòi hỏi các doanh nghiệp phải tiếp tục đầu tư vào xây dựng liên kết chuỗi tạo động lực cho mục tiêu phát triển từ năm 2024 trở đi.

Trong thời gian tới để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nhãn hàng, doanh nghiệp với Chính phủ; phối hợp tích cực với các tổ chức quốc tế uy tín triển khai các chương trình về lao động, năng lượng xanh, tuần hoàn tái chế, chuyển đổi số, thiết kế, xây dựng thương hiệu, quản trị nhân lực...; tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, tạo cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm khách hàng cho các doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Thùy Dương
Bài viết cùng chủ đề: Dệt may

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam và Nhật Bản tìm hướng thúc đẩy giao thương nông sản

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt hơn 681 tỷ USD

Thành tích xuất nhập khẩu kỷ lục của năm 2024 có đóng góp lớn của Bộ Công Thương

Nông sản Việt Nam sắp xuất hiện trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc

Tháng 10/2024, Ukraine là thị trường cung cấp lúa mì nhiều nhất cho Việt Nam

Hàng Việt Nam rộn ràng xuất khẩu ra thế giới qua kênh phân phối

Việt Nam thu về 52,6 triệu USD từ xuất khẩu hoa hồi trong 10 tháng năm 2024

Tính đến 15/11, xuất khẩu hồ tiêu thu về gần 1,2 tỷ USD

Nông sản: Điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa

Sẽ tiếp tục xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi sang Philippines

Điện Biên sẽ sớm có cửa khẩu song phương A Pa Chải (Việt Nam) – Long Phú (Trung Quốc)

Cơ hội nào cho xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2025?

Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng trưởng trung bình 16% mỗi năm

Xuất khẩu tăng trưởng 2 con số, doanh nghiệp dệt may kỳ vọng vào diễn biến mới

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt trên 647 tỷ USD

Xuất khẩu phân bón sang Hàn Quốc tăng mạnh về lượng và kim ngạch

Xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đạt trên 950 triệu USD, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính

Bộ Công Thương tìm giải pháp tăng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc

Chuyên gia nêu 4 đề xuất quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện Khu thương mại tự do Đà Nẵng