Nhiều “sàn vàng” tự phát trên mạng xã hội
Theo ghi nhận, sau nhiều ngày khách nườm nượp xếp hàng chờ mua, bán vàng, trong sáng nay (27/11), các cửa hàng trên phố vàng như Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng), đường Cầu Giấy… đã vắng vẻ hơn, bất chấp giá vàng nhẫn giảm mạnh và cửa hàng không còn bán giới hạn như trước.
Trong khi đó, tại thị trường vàng từ các ngân hàng lớn như Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank đến SJC, việc đăng ký mua online khá khó khăn, trường hợp mua được cũng rất hạn chế số lượng. Thay vì vậy, "chợ mạng" - nơi giao dịch vàng không chính thức - đang trở thành điểm đến bất đắc dĩ của nhiều người.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, trên mạng xã hội có rất nhiều hội nhóm giao dịch vàng, trong đó, có một hội nhóm giao dịch vàng trên mạng xã hội, tự xưng là "Trao đổi giao lưu vàng 9999, BTMC, DOJI, PNJ HN (không SJC)", đã thu hút hơn 91.400 thành viên chỉ trong thời gian ngắn.
Nhóm trao đổi mua bán vàng công khai trên mạng xã hội với gần 100.000 thành viên. Ảnh chụp màn hình |
Mặc dù tuyên bố không giao dịch vàng SJC, nhóm này vẫn ngầm vận hành một sàn giao dịch sôi động, với hàng loạt bài viết rao bán và tìm mua vàng SJC, thường kèm theo giá cả hấp dẫn hơn thị trường chính thức, bất chấp rủi ro tiềm ẩn.
Trên diễn đàn về vàng này, tài khoản tên H.B.Uyên đăng bài: "Em cần một chỉ để đi đám cưới mọi người ơi. Hôm qua ra PNJ và SJC mà không có”. Nhiều thành viên của diễn đàn tỏ ra đồng cảm và cho biết, tuy một số tiệm vàng đã mua bán dễ dàng hơn nhưng vẫn yêu cầu viết giấy hẹn, đặt cọc và khi nào có vàng mới giao. Do đó, người mua sẽ mất khá nhiều thời gian chờ đợi. Cũng dưới bài viết này, có nhiều tài khoản khác bày tỏ có sẵn vàng và sẵn sàng giao dịch ngay lập tức.
Tuy nhiên, trong nhóm này, cũng có nhiều người đặt ra nghi vấn về độ uy tín và chất lượng của loại vàng trao tay này. Có tài khoản đặt câu hỏi rằng: “Các bác cho em hỏi làm sao check vàng nhẫn SJC, Bảo Tín Minh Châu khi mua vàng trao tay không qua cửa hàng ạ?”. Bên cạnh những hướng dẫn kiểm tra độ thật giả, có người lại cho rằng “không biết kiểm tra thì tốt nhất không nên mua vàng trao tay”, “hên xui thôi”...
Không chỉ mua vàng miếng SJC, nhiều người cũng tìm đến hội nhóm này để rao bán các loại vàng nhẫn với mong muốn có thể bán với giá cao hơn bán cho các cửa hàng, đại lý. Ví dụ, chiều 27/11, giá vàng nhẫn được DOJI niêm yết ở mức 83,4 - 83,7 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, nhưng trong hội nhóm này nhiều người đăng bán trong khoảng 83 - 85 triệu đồng/lượng.
Như vậy, người bán có cơ hội lời hơn được tới 1,3 triệu đồng/lượng so với việc mang bán tại các cửa hàng, đại lý. Trong khi đó, người mua có thể mua rẻ hơn khoảng vài trăm nghìn đồng một lượng.
Nhiều rủi ro tiềm ẩn
Nhận định về "sàn vàng" tự phát trên mạng xã hội, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian vừa qua xảy ra hiện tượng người dân gặp khó khăn và mất rất nhiều thời gian khi muốn mua vàng trên thị trường. Ông Huân lấy ví dụ trực tiếp từ bản thân và gia đình, khi đăng ký mua vàng trên hệ thống ngân hàng cũng gặp khó khăn. Chẳng hạn hệ thống mở cửa từ 10 giờ, đến 10 giờ 1 phút đã thông báo hết.
Chính vì thế, khi có nhu cầu gấp họ buộc phải tìm đến các biện pháp khác để có thể mua nhanh như mua tại thị trường tự do hoặc mua tại các “sàn vàng tự phát” trên mạng xã hội.
Việc mua bán vàng trên mạng xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh chụp màn hình |
Cũng theo ông Huân, việc bán vàng trên các sàn giao dịch này là không đúng với pháp luật, đặc biệt là đối với vàng SJC - loại vàng chỉ được cấp phép của Ngân hàng Nhà nước mua bán vàng miếng.
Ngoài ra, khi mua bán vàng trên mạng dễ xảy ra hiện tượng “làm giá”, bán vàng cao hơn giá niêm yết. “Họ có thể niêm yết giá vàng ở mức cao hơn với giá của Ngân hàng Nhà nước đưa ra, dẫn đến hiện tượng tâm lý FOMO (hiệu ứng đám đông) khiến mọi người đổ xô đi mua vàng”, ông Huân nhận định.
Về mặt rủi ro, ông Huân cho rằng: “Những người không có kinh nghiệm mua bán vàng chưa đủ khả năng phân biệt vàng thật - vàng giả, trong khi công nghệ làm vàng giả, giấy tờ giả hiện nay rất công phu, thậm chí không thể phân biệt bằng mắt thường. Vì thế khi mua vàng trên mạng xã hội có thể tiềm ẩn những rủi ro bị lừa đảo hoặc bị cướp. Trong trường hợp mua được vàng thật, nhưng rất có thể chất lượng và trọng lượng không đạt chuẩn như tại các cửa hàng chính hãng. Bên cạnh đó, còn nhiều rủi ro khác mà người dân không lường trước được”.
Để không rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”, ông Huân khuyến cáo người dân nên đến những nơi uy tín, được nhà nước cấp phép, có giấy tờ kiểm định rõ ràng. Đồng thời, người dân không nên tự giao dịch vàng trên các hội nhóm mạng xã hội để tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro đáng tiếc. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có những biện pháp quản lý cứng rắn hơn để người dân có thể dễ dàng mua bán vàng tại các cửa hàng, đại lý uy tín và có những biện pháp áp dụng với các doanh nghiệp kinh doanh vàng để hoạt động mua bán được minh bạch hơn.