Chiến sự Nga-Ukraine ngày 5/5: Bom lượn Nga tấn công dữ dội các vị trí của Ukraine
Theo hãng tin RT của Nga, người phát ngôn Không quân Ukraine, Đại tá Yuri Ignat thừa nhận, Ukraine không có cách nào chống lại bom dẫn đường có độ chính xác cao của Nga. Để đối phó, phát ngôn viên Không quân Ukraine mong muốn được các đồng minh viện trợ máy bay chiến đấu F-16.
Ông Yuri Ignat cho biết, Không quân Nga thả tới 20 quả bom dẫn đường trên tiền tuyến mỗi ngày. Quan chức này chỉ ra rằng những loại đạn đó có thể bay xa khoảng 70 km và tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng cũng như các mục tiêu khác với độ chính xác cao và khả năng hủy diệt mạnh mẽ.
Bom lượn của Nga đang tạo ra nỗi ác mộng với lực lượng mặt đất Ukraine với độ chính xác cao và sức hủy diệt ghê gớm |
"Chúng tôi không thể chống lại loại vũ khí này… và phòng không bất lực", ông Yuri Ignat thừa nhận, đồng thời cho biết thêm rằng để ngăn chặn các cuộc tấn công như vậy, Ukraine cần có các loại máy bay chiến đấu hiện đại từ Mỹ và phương Tây.
Ông Yuri Ignat nhấn mạnh, Ukraine cần một bàn tay dài để tiếp cận kẻ thù ở khoảng cách xa hơn hiện tại. Vũ khí phòng không tầm xa nhất mà Kiev có là hệ thống tên lửa S-300 từ thời Liên Xô, có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 100 km. Khả năng phòng không của Ukraine đã được tăng cường bằng vũ khí do phương Tây sản xuất với tầm bắn 150 km, nhưng những vũ khí này đang bị thiếu hụt.
Nga đã có nhiều thời gian gia cố tuyến phòng thủ và đang chờ đợi đợt phản công như tuyên bố của Kiev |
Giải pháp để giải quyết các hạn chế cho không quân Ukraine là việc phương Tây cung cấp cho Ukraine các máy bay phản lực hiện đại như F-16. "Máy bay F-16 có thể chống lại máy bay Nga một cách hiệu quả dọc theo hành lang phía trước của tiền tuyến", ông Yuri Ignat nói.
"Không nhất thiết phải bắn hạ máy bay địch, nhưng chúng ta chỉ cần có lập luận phản công mạnh mẽ", ông Yuri Ignat nói thêm.
Vào tháng 2/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Ukraine hiện không cần F-16, còn Washington đang tập trung vào việc gửi tới Kiev những gì quân đội dày dạn kinh nghiệm của Ukraine cần, bao gồm cả xe tăng và pháo binh.
Moscow đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng quân sự và năng lượng của Ukraine vào tháng 10/2022, sau khi Kiev thực hiện một số hành động phá hoại trên đất Nga, đáng chú ý nhất là vụ đánh bom chết người nhằm vào cây cầu chiến lược Crimea.
Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều này sẽ chỉ kéo dài chiến sự đồng thời khiến nước này trở thành bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột.
Liên quan tới kế hoạch phản công của Ukraine, Vladimir Rogov, Chủ tịch phong trào "Chúng ta cùng với Nga" nói với hãng thông tấn TASS của Nga ngày 5/5 rằng Lực lượng vũ trang Ukraine đã triển khai vài chục ngàn binh sĩ chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào tiền tuyến ở vùng Zaporozhye
"Hiện có vài chục ngàn binh sĩ Ukraine ở mặt trận vùng Zaporozhye. Họ có đủ lực lượng để thực hiện một cuộc tấn công. Họ đã triển khai đủ số lượng binh sĩ có thể hành động trong khu vực Zaporozhye", ông Vladimir Rogov nói.
Trong tối 3/5, Ukraine đã cố gắng tiến hành một cuộc trinh sát thăm dò gần thị trấn Orekhovo. Theo ông Vladimir Rogov, nhóm tấn công Ukraine đã rút lui sau khi mất 30 người và 2 phương tiện chiến đấu. Trận chiến kéo dài khoảng một giờ, lực lượng Ukraine đã bị tấn công sau một trận pháo kích dữ dội.
Trước đó, ông Rogov từng nhận định, Bộ chỉ huy tiền phương Ukraine đã hoàn thành việc triển khai Lữ đoàn dù số 46, cũng như các Lữ đoàn 116 và 118 đến khu vực Zaporozhye, bổ sung thêm cho hơn 12.000 binh sĩ đã sẵn sàng chiến đấu gần Gulyaipole và Orekhov.
Trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công ở khu vực này, các đơn vị Ukraine sẽ tránh giao tranh trong các thành phố, mà sẽ đột phá các tuyến phòng thủ của Nga đến Biển Azov để cắt hành lang trên bộ tới Crimea.
Trong khi đó, Bộ Nội vụ Ukraine cho biết đã thành lập xong các lữ đoàn gồm khoảng 40.000 quân để chuẩn bị phản công. Tuy nhiên, cơ quan này nói thêm rằng lực lượng mới sẽ cần được huấn luyện thêm trước khi sẵn sàng tham gia chiến đấu.
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 3/5, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Ihor Klymenko cho biết, tân binh sẽ được trang bị vũ khí và tham gia vào quá trình huấn luyện khoảng 2 đến 3 tuần trước khi được giao nhiệm vụ chiến đấu cùng với quân đội chính quy của Ukraine.
Câu hỏi đặt ra là không rõ quá trình chiêu mộ khẩn cấp các binh sĩ cho các lữ đoàn vũ trang thành công đến mức nào, khi có nhiều lo ngại rằng mức độ sẵn sàng chiến đấu của một bộ phận người Ukraine đang giảm dần do cuộc xung đột đã kéo dài hơn 1 năm qua.
Cả Nga và Ukraine đều đang chìm trong cuộc chiến tiêu hao trên khắp mặt trận miền Đông Ukraine, đặc biệt tại Bakhmut.
Đại Tướng Oleksandr Syrskyi, Tư lệnh Lục quân của Ukraine, chỉ huy trực tiếp tại chiến trường Bakhmut mới đây đã đưa ra một số quyết định cần thiết nhằm gia cố khả năng phòng thủ tại thực địa. Tuy nhiên, với những gì còn lại, lực lượng phòng thủ Ukraine khó mà trụ vững trong vài ngày tới trước sức tấn công vũ bão của Wagner và lực lượng Đổ bộ đường không của Nga.