Chiến sự Nga-Ukraine ngày 25/4: Siêu tăng T-14 Armata chính thức tham chiến
Theo đó, Quân đội Nga đã sử dụng xe tăng T-14 tấn công các vị trí phòng thủ của Ukraine tại chiến trường.
“Các đơn vị Nga đã sử dụng xe tăng T-14 Armata để tấn công một số vị trí trên phòng tuyến của Ukraine”, RIA Novosti đăng tải. Tuy nhiên, xe tăng mới của Nga không tham gia cận chiến, mà sử dụng như một phương tiện hỗ trợ hỏa lực tầm xa. Vai trò này tương tự như xe tăng T-90M được sử dụng tại mặt trận Kherson. T-14 với hệ thống giam sát và dẫn bắn tinh vi sử dụng ưu thế của hệ thống cảm biến sẽ khai hỏa trúng mục tiêu ở khoảng cách nhiều km.
T-14 Armata xuất hiên ở Ukraine báo hiệu cho khả năng Nga đã sẵn sàng cho đợt phản công mới của Ukraine |
RIA Novosti bổ sung thêm, để nâng cao khả năng sống sót trên chiến trường, xe tăng T-14 được trang bị hàng loạt giải pháp giáp bảo vệ mới. Để chuẩn bị cho hoạt động tham chiến tại Ukraine, ngay từ cuối năm 2022, các kíp lái xe tăng T-14 đã huấn luyện các bài tập tác chiến phối hợp tại tỉnh Donetsk để đáp ứng yêu cầu tác chiến cao nhất.
Dù hoạt động phản công của Ukraine chưa diễn ra, nhưng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang “âm thầm chuẩn bị cho khả năng” cuộc phản công được báo trước của Ukraine không mang lại “chiến thắng toàn diện” như Kiev kỳ vọng
Tờ Politico ngày 24/4 dẫn lời một số quan chức giấu tên cho biết, trong khi sự ủng hộ công khai của Mỹ đối với Ukraine là “không lay chuyển”, các quan chức đã bày tỏ lo ngại Nhà Trắng có thể hứng chịu làn sóng chỉ trích gay gắt nếu cuộc phản công không đem lại kết quả như mong đợi.
Những nhân vật có quan điểm cứng rắn sẽ cho rằng Mỹ và các đồng minh đã không cung cấp đủ vũ khí và đạn dược cho Ukraine, trong khi những nhân vật có quan điểm ôn hòa sẽ coi đó là bằng chứng cho thấy Kiev không thể chiến thắng.
Ông Richard Haass - Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho rằng: “Nếu Ukraine không thể giành được lợi thế đáng kể trên chiến trường, khi đó nhiều người chắc chắn sẽ đặt câu hỏi liệu đã đến lúc đàm phán ngừng giao tranh hay chưa. Cái giá phải trả là rất đắt, chúng ta sắp hết đạn dược, chúng ta có những tình huống dự phòng khác trên thế giới cần phải chuẩn bị”.
Một quan chức giấu tên cho hay, Mỹ đã tăng cường vũ khí, trang thiết bị cho Ukraine và gần như hoàn thành tất cả những gì Kiev yêu cầu. Tuy nhiên, đằng sau những cánh cửa đóng kín, Mỹ “lo ngại về những gì Ukraine có thể đạt được”.
Quân đội Mỹ tin rằng cuộc xung đột đã sa lầy vào một cuộc chiến tranh chiến hào, không bên nào có thể tiến xa và nhanh đáng kể. Theo Politico, các lực lượng của Ukraine đã sử dụng “số lượng đạn dược và vũ khí lịch sử” và ngay cả sản lượng khổng lồ của phương Tây cũng không thể đáp ứng được nhu cầu của Kiev.
Lầu Năm Góc hiện nghi ngờ khả năng Ukraine đạt được mục tiêu tiếp cận Crimea, mặc dù quân đội Mỹ vẫn hy vọng Kiev có thể “cản trở” các tuyến tiếp tế của Nga.
Một số quan chức Mỹ nói với Politico, một thỏa thuận đình chiến hay ngừng bắn tạm thời sẽ cho Ukraine cơ hội giành lại thêm một số vùng lãnh thổ sau này. Điều này đã được thực hiện trước đây với Thỏa thuận Minsk năm 2015 - theo sự thừa nhận gần đây của các nhà lãnh đạo Đức và Pháp vào thời điểm đó.
Ngoài ra, giới chức Mỹ cũng đề xuất thuyết phục Kiev ngồi vào bàn đàm phán với cam kết cung cấp cho Ukraine những đảm bảo an ninh tương tự với một thành viên NATO, cam kết tiếp tục hỗ trợ quân sự, tài chính. Mặt khác, phương Tây cũng tìm cách vận động Trung Quốc thuyết phục Nga đàm phán.
Chiến trường Bakhmut vẫn nóng bỏng và Ukraine vẫn không có phương thức đối phó với các mũi tấn công của Nga |
Trong khi đó, chiến trường Bakhmut vẫn diễn ra với chiều hướng có lợi cho Nga khi các gọng kìm Bắc – Nam liên tục tiến lên và hợp vây lực lượng Ukraine trong “nồi hầm”. Các thông tin tại chiến trường cho biết, Không quân-vũ trụ Nga đã sử dụng bom lượn mới tại chiến trường và gây thiệt hại lớn cho lực lượng Ukraine phòng thủ. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, thông tin Bakhmut thất thủ sẽ không còn xa.