Chiến sự Nga-Ukraine ngày 21/12: Tổng thống Ukraine bất ngờ đến thị trấn chiến lược Bakhmut
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong ngày 20/12 vừa có chuyến thăm không báo trước tới Bakhmut, một thị trấn chiến lược ở miền Đông Ukraine đã hứng chịu các đợt pháo kích dữ dội nhất của Nga trong nhiều tuần.
Hình ảnh được cho là của Tổng thống Ukraine đang thị sát tại thị trấn Bakhmut vốn đang bị Quân đội Nga hợp vây hãm. Ảnh: Getty |
Tổng thống V. Zelensky đã gọi Bakhmut là "điểm nóng nhất trên toàn bộ chiến tuyến" trong bài phát biểu vào đêm trước chuyến thăm. Văn phòng của Tổng thống Ukraine cho biết ông V. Zelensky đã đến thăm những người lính đang chiến đấu để bảo vệ thành phố và trao phần thưởng cho họ.
"Tổng thống đã nghe báo cáo của chỉ huy về tình hình chiến đấu, hỗ trợ hậu cần và các đề xuất cho các hành động tiếp theo. Khi ở trong khu vực chiến sự, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã cảm ơn các chiến binh Ukraine vì lòng dũng cảm, sự kiên cường và sức mạnh mà họ đã thể hiện khi đẩy lùi các cuộc tấn công của kẻ thù", văn phòng của ông V. Zelensky cho biết.
Nga đã nỗ lực trong nhiều tuần để giành lấyv thị trấn, Bakhmut nhưng Ukraine vẫn kiểm soát địa điểm chiến lược này. Chiến thắng ở Bakhmut có thể cho phép Moscow tiến tới các thành phố quan trọng khác ở Donetsk, một trong bốn khu vực mà Moscow sáp nhập vào cuối tháng 9/2022. Lực lượng binh sĩ hợp đồng Wagner đã dẫn đầu các nỗ lực đánh chiếm Bakhmut của Nga trong khu vực.
"Tôi muốn ước rằng chúng ta có ánh sáng, nhưng tình hình khó khăn đến mức mọi hy vọng có thể tất ngấm bất kỳ lúc nào. Điều quan trọng là vẫn giữ được ánh sáng trong lòng chúng ta", truyền thông địa phương trích dẫn lời ông V. Zelensky nhắc đến các cuộc tấn công của Nga vào lưới điện của Ukraine khi ông nói chuyện với binh sĩ đang tham chiến ở Bakhmut.
"Bakhmut là pháo đài phía Đông của Ukraine. Ngày mai là đông chí và đêm sẽ ngắn lại. Đêm đen tối nhất sẽ kết thúc với bình minh chiến thắng của chúng ta", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Ganna Malyar, người cũng đến thăm Bakhmut cho biết trong một tuyên bố trên mạng xã hội.
Một vấn đề nghi vấn đặt ra là làm sao Tổng thống Ukraine có thể vào được thị trấn Bakhmut khi địa điểm này đang bị hợp vây cả trên bộ lẫn trên không. Hỏa lực của Nga luôn bao trùm khu vực này, việc một yếu nhân có thể vào được khu vực bao vây như Bakhmut là điều khá ngạc nhiên. Trong ngày 20/12, pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A của Nga tấn công mục tiêu Ukraine ở Bakhmut. Không còn ngôi nhà nào hay tòa nhà nào còn nguyên vẹn tại thị trấn chiến lược này.
Liên quan tới tình hình chiến sự tại miền Đông, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể có chuyến viếng thăm Mỹ bất ngờ vào ngày 21/12, đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi xung đột với Nga nổ ra hồi tháng 2. Theo kế hoạch rò rỉ, ông V. Zelensky dự kiến hội đàm với người đồng cấp Mỹ Joe Biden và phát biểu trước quốc hội Mỹ.
Nguồn tin nhấn mạnh, kế hoạch vẫn chưa chốt và được giữ kín và có thể bị hủy vào phút chót do quan ngại vấn đề an ninh.
Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin trên. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cũng nói: "Tôi không biết việc gì sắp xảy ra. Chúng tôi không biết". Trả lời câu hỏi liệu Mỹ đã mời ông Zelensky đến Nhà Trắng hay không, bà cho biết: "Không, chúng tôi chỉ biết khi nào ông ấy đến đây". Trước đó, bà Pelosi được cho là đã hối thúc tất cả các thành viên Hạ viện có mặt tại trụ sở quốc hội vào ngày 21/12 trước kỳ nghỉ lễ giáng sinh, năm mới.
Văn phòng Tổng thống Ukraine hiện chưa đưa ra bình luận.
Việc Mỹ và NATO chuyển giao tổ hợp tên lửa phòng không Patriot có thể khiến cuộc chiến tại Ukraine leo thang. |
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh giới chức Mỹ mới đây cam kết sẽ giúp Ukraine tăng cường hệ thống phòng không để bảo vệ người dân và hạ tầng quan trọng trước các cuộc tập kích tên lửa và máy bay không người lái diện rộng của Nga.
Nếu như được xác nhận, chuyến thăm Mỹ của ông Zelensky sẽ mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Kể từ khi chiến sự nổ ra cách đây 10 tháng, ông Zelensky chỉ ở trong nước, chủ yếu ở thủ đô Kiev và phát biểu trực tuyến hằng đêm để kêu gọi sự hỗ trợ của phương Tây, khích lệ tinh thần binh sĩ và người dân.
Gần đây, ông bắt đầu có các chuyến thị sát tiền tuyến. Ông cho biết đã đi qua một số thị trấn ở khu vực Donetsk bao gồm Sloviansk, Kramatorsk và Kostyantynivka, những nơi từ lâu bị coi có thể là mục tiêu của Nga. Ông kêu gọi: "Hãy hỗ trợ Bakhmut và các binh sĩ của chúng tôi, bị tàn phá nhưng không khuất phục". Ông cũng nhấn mạnh đến vai trò của Bakhmut: "Miền Đông đang cầm cự nhờ Bakhmut vẫn chiến đấu. Trong những trận chiến khốc liệt và phải trả giá bằng nhiều sinh mạng, tự do đang được bảo vệ ở đây cho tất cả chúng ta", ông Zelensky viết trên Telegram.
Trong khi đó, Mỹ có khả năng đang chuẩn bị chuyển giao tổ hợp tên lửa phòng không Patriot cho Ukraine. Hãng thông tấn CNN dẫn một nguồn thạo tin hồi tuần trước cho hay, giới chức Mỹ đang hoàn tất kế hoạch chuyển tổ hợp tên lửa phòng không Patriot cho Kiev.
Nếu kế hoạch được thông qua, Patriot sẽ trở thành tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa nhất mà Ukraine nhận được từ trước đến nay. Giới chức Mỹ tin rằng, việc gửi Patriot cho Ukraine cũng góp phần bảo vệ không phận cho các nước NATO ở Đông Âu.
Nếu các nhà chức trách Mỹ thông qua kế hoạch viện trợ, Ukraine có thể nhận được Patriot trong vòng vài ngày tới và binh sĩ Ukraine sẽ được huấn luyện vận hành tại một căn cứ quân sự của Mỹ ở Đức. Hiện chưa rõ Washington có ý định cung cấp bao nhiêu tổ hợp Patriot cho Kiev.
Trong khi đó, Nga cảnh báo, Patriot hay bất cứ vũ khí nào phương Tây chuyển cho Ukraine đều trở thành mục tiêu tấn công hoặc thu giữ của quân đội Nga.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia quân sự hoài nghi về nỗ lực hỗ trợ của Washington sẽ giúp Kiev trụ vững trong cuộc chiến chống lại Nga. Đại tá Douglas McGregor, cựu cố vấn của người đứng đầu Lầu Năm Góc, cho biết cuộc xung đột ở Ukraine đang và sẽ chống lại Mỹ.
"Washington không còn có thể cố gắng áp đặt quyền bá chủ của Mỹ hoặc Anh-Mỹ do Mỹ đứng đầu lên phần còn lại của thế giới. Phần còn lại của thế giới không muốn điều này. Thành thật mà nói, bản thân người Mỹ không cần nó. Nó hủy hoại chúng ta. Vì vậy chủ nghĩa bá quyền sẽ sụp đổ và cuộc đối đầu Nga – Ukraine sẽ chỉ đẩy nhanh quá trình này mà thôi", ông McGregor tuyên bố.
Ông nói, điều đáng lo ngại là giới tinh hoa đang rất muốn kéo Mỹ vào cuộc xung đột với một cường quốc như Nga. "Còn việc chúng ta bị lôi cuốn tham gia vào 'các cuộc chiến tranh có lựa chọn, trong các cuộc xung đột cấp thấp chống lại những kẻ thù không có phương tiện để chống trả là một nhẽ khác. Tôi đang nói về Iraq và Afghanistan", ông McGregor nói. Ngoài ra, ông tin rằng quyền bá chủ hiện đang kết thúc, bởi vì Mỹ thực sự cạn kiệt về tài chính.
"Chúng ta đang nói về khoản nợ công có chủ quyền là bao nhiêu, 30 hay 31.000 tỷ USD? Chúng ta thấy mình đang ở cùng vị trí của Vương quốc Anh vào năm 1947, khi tỷ lệ nợ trên GDP của quốc gia này là 240% sau Thế chiến thứ 2", ông McGregor kết luận.