Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay (18/3): Bakhmut cơ bản đã đổi chủ; Ukraine cần xe tăng để phản công
Phát biểu trên các kênh truyền thông chính thức, ông Jan Gagin, cố vấn của Quyền lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR), Denis Pushilin, cho biết, Quân đội Nga và đồng minh hiện đã kiểm soát 70% diện tích thị trấn chiến lược Bakhmut.
Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga dẫn lời ông Jan Gagin đăng tải: “Khi chúng ta nói về Bakhmut hay Artemovsk theo tên gọi của Nga, thì tới 60% diện tích, thậm chí là gần 70% thị trấn này đã thuộc về chúng ta”.
Hôm 17/3, ông Denis Pushilin đã nói về khả năng Nga sẽ sớm kiểm soát hoàn toàn Bakhmut: “Tình hình chiến trường đã xoay chuyển có lợi và giúp chúng ta sớm kiểm soát khu định cư này. Nhiều đơn vị Quân đội Ukraine đã tìm cách rời khỏi thị trấn, nhưng bất thành do hỏa lực quá mạnh của Nga”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba tuyên bố, Lực lượng vũ trang nước này sẽ tiếp tục chiến đấu tại Bakhmut vì việc để mất vị trí chiến lược này có ảnh hưởng nghiêm trọng tới tuyến phòng thủ tại Donbass. Tuy nhiên, ông này thừa nhận Quân đội Ukraine đang tổn thất nghiệm trọng để giữ Bakhmut.
Đã có thông tin về việc Nga đã kiểm soát tới 70% lãnh thổ Bakhmut. Ảnh: topwar |
Trong khi đó, Quân đội Nga và đồng minh đã phát hiện một mũi tiến công của Ukraine nhằm giải vây cho Bakhmut.
Theo đó, một nhóm quân lớn của Ukraine đã tập trung tại Chasov Yar và liên tục được bổ sung khí tài và gia tăng quân số để chuẩn bị cho chiến dịch phản công tại hướng Bakhmut.
“Nỗ lực của đối phương đã bị chặn lại, nhưng họ đã tập trung được lực lượng khá lớn ở hướng này với khoảng gần 10.000 binh sĩ”, ông Jan Gagin cho biết.
Liên quan tới chiến dịch phản công của Ukraine, Kiev vừa đưa ra những yêu cầu để tổ chức phản công gồm những khí tài hiện đại, đặc biệt là vũ khí phòng không tầm xa, máy bay chiến đấu đa nhiệm.
"Để phản công thành công, quân đội Ukraine cần ngăn chặn đà tiến công của đối phương, sau đó giành ưu thế trên không. Điều này có thể đạt được nhờ các hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu hiện đại, đảm bảo thống lĩnh không phận đối với các vùng lãnh thổ bị đối phương kiểm soát và làm gián đoạn hoạt động hậu cần cung cấp nhiên liệu đạn dược của đối phương. Sau đó, chiến dịch phản công sẽ thành công", ông Yurii Ihnat, người phát ngôn Không quân Ukraine, cho biết.
Ông Yurii Ihnat nhấn mạnh: "Để đạt được mục tiêu đó, Ukraine cần các hệ thống phòng không tầm xa, máy bay chiến đấu đa nhiệm hiện đại sớm nhất có thể".
Ukraine muốn sở hữu những khí tài hiện đại trước khi tổ chức phản công quy mô lớn tại miền Đông. |
Tờ Politico dẫn nguồn tin riêng đăng tải, Kiev đang chuẩn bị cho kế hoạch phản công ngay cả khi nguồn lực cạn kiệt do bám trụ ở mặt trận khốc liệt Bakhmut, miền Đông.
Giới chức Mỹ dự đoán, Ukraine có thể mở đợt phản công lớn vào khoảng cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5/2023. Đó là lý do Washington và các đồng minh đang nỗ lực đẩy nhanh viện trợ khí tài cho Ukraine trước khi Nga kịp mở đợt tấn công mới.
"Ukraine không còn nhiều thời gian. Chúng ta phải nhanh chóng thực hiện các cam kết viện trợ cho họ, bao gồm cung cấp các khí tài bọc thép, đảm bảo binh sĩ được huấn luyện, hỗ trợ linh kiện và bảo dưỡng mà họ cần để sử dụng các hệ thống khí tài mới sớm nhất có thể", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đầu tuần này cho biết.
Trong một diễn biến mới nhất cho thấy những chuyển dịch đáng kể trong chính sách viện trợ của phương Tây, Ba Lan và Slovakia tuyên bố sẽ cấp các máy bay chiến đấu Mig-29 cho Kiev. Cụ thể, Ba Lan sẽ chuyển 4 máy bay, Slovakia cung cấp 13 máy bay từ thời Liên Xô cho Ukraine. Hai nước này đều là thành viên của NATO và là láng giềng của Ukraine.
Đến nay, Mỹ và các đồng minh vẫn do dự viện trợ máy bay chiến đấu cho Ukraine, đặc biệt là máy bay hiện đại do phương Tây chế tạo do lo ngại nguy cơ leo thang đối đầu với Nga. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, động thái của Ba Lan và Slovakia sẽ là tiền đề để một số nước quyết định cấp máy bay chiến đấu cho Kiev.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra cách đây hơn một năm, lực lượng không quân của hai bên đóng vai trò khá hạn chế do không bên nào giành được ưu thế trên không. Moscow nhiều cảnh báo, việc phương Tây cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine sẽ bị coi là vượt lằn ranh đỏ, buộc Nga phải đáp trả quyết liệt.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm qua cho biết: "Như chúng tôi đã nói nhiều lần, chắc chắn, việc cung cấp những máy bay chiến đấu này không thể tác động đến chiến dịch quân sự đặc biệt mà chỉ gây ra nhiều đau khổ hơn cho bản thân Ukraine và người dân nước này. Các máy bay này sẽ bị phá hủy".