Chiến sự Nga-Ukraine 26/12: Xuất hiện hình ảnh siêu tăng T-14 Armata được cho là tham chiến ở Ukraine
Nhiều hãng thông tấn và các hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội Nga cho thấy siêu tăng T-14 Armata có thể đã được điều động tham chiến ở chiến trường Ukraine.
Cụ thể, các hình ảnh và video được lan truyền trên mạng xã hội tại Nga cho thấy Quân đội Nga có thể đang tiến hành những bước chuẩn bị cuối cùng trước khi đưa xe tăng T-14 Armata tới Ukraine.
Những hình ảnh được công khai cho thấy, Nga đang duy trì lực lượng quân sự lớn tại Belarus để sẵn sàng cho các kịch bản tấn công nhằm vào Kiev. Ảnh: Topwar. |
Liên quan tới thông tin này, ông Vladimir Soloviev, một nhà bình luận chính trị đã nhiều lần đăng tải những bức hình ghi lại cảnh huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của các kíp lái T-14 Armata chuẩn bị cho điều kiện tác chiến thực tế. Theo ông V. Soloviev, các xe tăng Armata sẽ được điều đến chiến trường phía Tây tham chiến trong tương lai gần. Cùng với đó, trên mạng xã hội Telegram đã xuất hiện hình ảnh 4 xe tăng T-14 Armata đang được di chuyển theo đoàn về hướng phía biên giới Ukraine.
Trước khả năng Nga có thể mở mặt trận mới nhằm vào Kiev từ lãnh thổ Belarus, lãnh đạo Tổng cục Tình báo Ukraine Kyrylo Budanov cho biết, mặc dù mối đe dọa về một cuộc tấn công mới của Nga từ biên giới phía bắc của Ukraine với Belarus là khó xảy ra nhưng không thể loại trừ khả năng đó.
Ông K. Budanov trong một cuộc phỏng vấn với The New York Times nói rằng: "Sẽ là sai lầm khi bỏ qua khả năng này, nhưng cũng sẽ sai lầm nếu nói rằng chúng tôi có bất kỳ dữ liệu nào xác nhận kế hoạch đó tồn tại".
Tuy nhiên, theo người đứng đầu Tổng cục Tình báo Ukraine, không có dữ liệu nào cho thấy mối đe dọa ngay lập tức từ Belarus.
Quân đội Nga không xếp thành đội hình tấn công. Các trại huấn luyện dành cho binh lính Nga chật kín tân binh mới tổng động viên, những người sau khi hoàn thành khóa huấn luyện sẽ được cử đến chiến đấu ở Donbas, miền Đông Ukraine. Đồng thời, các địa điểm huấn luyện thiếu xe bọc thép cần thiết để tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn.
Quân đội Nga đã cố gắng báo động quân đội Ukraine bằng cách đưa binh lính lên các chuyến tàu chạy về phía biên giới Belarus với Ukraine. Liên Xô đã sử dụng chiến thuật tương tự trong Thế chiến 2, khi gửi binh lính trên những chuyến tàu để mô phỏng một cuộc tấn công hoặc rút lui.
Tại Belarus, một đoàn tàu chở binh lính Nga gần đây đã dừng lại nửa ngày gần biên giới với Ukraine và sau đó quay trở lại với tất cả các binh sĩ trên tàu, ông K. Budanov nói, gọi chiến thuật của họ là "đu quay ngựa gỗ".
Tương tự, các vụ pháo kích xuyên biên giới của Nga vào khu vực Sumy và Kharkov ở đông bắc Ukraine, khiến hàng chục người thiệt mạng và bị thương, không phải là dấu hiệu báo trước mối đe dọa trực tiếp về một cuộc tấn công lặp lại.
Ông Budanov lưu ý: "Hiện tại, các đơn vị quân đội Nga không được tập hợp để tấn công và đơn giản là không thể thành lập trong một ngày".
Về khả năng đàm phán hòa bình với Ukraine, Nga sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan đến cuộc xung đột Ukraine, nhưng Kiev và phương Tây đã từ chối tham gia đàm phán, đó là thông tin được Tổng thống Vladimir Putin công bố trong một cuộc phỏng vấn hôm 25/12.
Vài ngày qua đã ghi nhận nhiều phương tiện chiến đấu hiện đại được Quân đội Nga đưa sang tham chiến tại Ukraine, trong đó có xe tăng T-90M nâng cấp, BMPT và nổi bật là siêu tăng T-14 Armata. |
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine bắt đầu từ ngày 24/2 và được đánh giá là cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến 2. Cho đến nay, chiến sự vẫn chưa có hồi kết.
Điện Kremlin tuyên bố, chiến dịch quân sự sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu đề ra. Đáp lại, Kiev khẳng định sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi mọi binh sĩ Nga bị đẩy ra khỏi lãnh thổ Ukraine.
"Chúng tôi sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan về các giải pháp có thể chấp nhận được, nhưng điều đó tùy thuộc vào Ukraine và các đồng minh. Chúng tôi không phải là những người từ chối đàm phán, mà là chính họ", ông Putin nói với kênh truyền hình nhà nước Rossia-1.
Đáp lại thông tin trên, cố vấn của Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak viết trên Twitter: "Nga đơn thương độc mã tấn công Ukraine và gây nên hậu quả nặng nề. Moscow không muốn đàm phán, nhưng lại đang cố gắng trốn tránh trách nhiệm".
Tổng thống Zelensky cho biết Moscow sẽ đặt mục tiêu biến những ngày cuối cùng của năm 2022 trở nên khó khăn hơn bao giờ hết: "Nga đã không thể đạt được mục tiêu của họ trong năm nay. Chúng ta cần sẵn sàng cho mọi tình huống".
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Ukraine cảnh báo, các cơ sở hạ tầng quan trọng trên khắp đất nước vẫn có nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa. Quân đội Nga đã pháo kích vào hàng chục thị trấn và vị trí dọc theo chiến tuyến.
Trong khi đó, Tổng thống V. Putin cáo buộc phương Tây đang cố gắng chia rẽ nước Nga: "Tôi tin rằng chúng tôi đang hành động đúng hướng, chúng tôi đang bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích của công dân Nga. Và chúng tôi không có lựa chọn nào khác".
Khi được hỏi liệu xung đột địa chính trị với phương Tây có đang tiến đến mức nguy hiểm hay không, ông V. Putin nói: "Tôi không nghĩ nó nguy hiểm đến thế".
Tổng thống Putin cho biết phương Tây đã bắt đầu cuộc xung đột vào năm 2014 sau khi lật đổ một tổng thống Ukraine thân Nga. Ngay sau đó, Nga sáp nhập Crimea và các lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn bắt đầu chiến đấu ở miền đông Ukraine.
"Các đối thủ địa chính trị của chúng tôi muốn chia cắt nước Nga lịch sử", ông Putin nói.
Tổng thống Nga coi chiến dịch Ukraine như một bước ngoặt khi Moscow cuối cùng đã đứng lên chống lại một khối phương Tây mà ông cho là đang tìm cách tiêu diệt Nga kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Ông V. Putin cũng mô tả Nga là một "quốc gia độc nhất vô nhị" và cho biết đại đa số người dân nước này đều muốn bảo vệ đất nước.
"99,9% công dân của chúng tôi sẵn sàng cống hiến mọi thứ vì lợi ích của Tổ quốc", Tổng thống V. Putin nói, "Nga là một quốc gia độc đáo và chúng tôi có một dân tộc đặc biệt. Điều này đã được khẳng định trong suốt lịch sử tồn tại của Nga".