Một số diễn biến liên quan đến chiến sự Nga-Ukraine:
Ông Zelensky thay đổi lập trường về lời mời gia nhập NATO
Tổng thống Zelensky nói, Ukraine sẽ không bao giờ chấp nhận lời mời tham gia NATO, mặc dù trước đó, ông đã cho phép giai đoạn "nóng" của cuộc xung đột dừng lại nếu các vùng lãnh thổ do Kiev kiểm soát được đặt dưới sự bảo trợ của liên minh.
“Một phần lãnh thổ của Ukraine không thể được mời tham gia NATO. Đây là sự công nhận tự động rằng, tất cả các lãnh thổ khác không phải là của Ukraine. Vì vậy, Ukraine sẽ không bao giờ đồng ý với điều này. Nếu lời mời được đưa ra, chỉ có tất cả các lãnh thổ”, TASS dẫn lời ông Zelensky nói.
Đồng thời, ông thừa nhận, Ukraine chưa bao giờ nhận được bất kỳ đề xuất nào từ các thành viên NATO. “Thành thật mà nói, có rất nhiều lời nói bóng gió và suy đoán trên báo chí cũng như các phương tiện truyền thông. Chúng tôi không nhận được bất kỳ lời mời nào từ các đối tác” - ông Zelensky nhấn mạnh.
Hé lộ số lượng lính đánh thuê Colombia ở Ukraine
Izvestia dẫn lời đặc phái viên Bộ Ngoại giao Nga Rodion Miroshnik cho hay, Nga ngày càng nhận được nhiều bằng chứng về sự hiện diện của một số lượng đáng kể lính đánh thuê nước ngoài ở Ukraine.
Chiến sự Nga - Ukraine ngày qua tiếp tục diễn biến khó lường. Ảnh: RIA |
“Đặc biệt, hiện nay, số lượng lính đánh thuê Colombia chiến đấu bên phía Ukraine đang gia tăng”, ông Miroshnik nói.
Ông lưu ý, Ukraine buộc phải thu hút ngày càng nhiều người nước ngoài, điều này có thể là do lực lượng vũ trang Ukraine tổn thất và công tác huấn luyện suy giảm.
Đặc phái viên Bộ Ngoại giao Nga nói thêm, ngoài người Colombia, còn có toàn bộ đơn vị lính đánh thuê Ba Lan ở Ukraine.
EU không loại trừ khả năng cử binh sĩ đến Ukraine
Tân đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Kaja Kallas cho biết, EU không loại trừ khả năng cử binh sĩ phương Tây đến Ukraine.
Bà nhấn mạnh, Ukraine đang đối mặt với vấn đề an ninh lớn nhất hiện nay và cần giải quyết ở nhiều cấp độ. “Không nên loại trừ bất kỳ khả năng nào và cần duy trì sự mơ hồ chiến lược trong thời điểm này. Châu Âu có thể đóng vai trò giám sát lệnh ngừng bắn sau khi xung đột kết thúc”, RT dẫn lời bà Kallas nói.
Trong khi đó, Tổng thống Zelensky tuyên bố, Ukraine sẽ không yêu cầu các đồng minh gửi quân đến, mặc dù nước này rất cần sự hỗ trợ. Ông nhấn mạnh, nếu yêu cầu binh lính, có thể một nửa số đồng minh sẽ ngừng hỗ trợ Kiev.
Ngoài ra, ông cũng khẳng định, lời mời tham gia NATO phải bao trùm toàn bộ lãnh thổ Ukraine, nhưng đồng ý rằng các đảm bảo an ninh của NATO sẽ không áp dụng cho các lãnh thổ do Nga chiếm đóng trong thời gian chiến sự.
Ukraine nêu điều kiện đàm phán với Nga
Tổng thống Zelensky cho biết, lời mời Ukraine gia nhập NATO là điều cần thiết cho sự sống còn của Kiev.
Ông lập luận, Ukraine cần ở vị thế vững chắc trước bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga. Ông kêu gọi NATO mời Ukraine gia nhập và cung cấp cho Kiev số lượng lớn vũ khí tầm xa để tự vệ.
“Chỉ khi chúng tôi có tất cả những thứ này và chúng tôi mạnh mẽ, sau đó, chúng tôi mới phải thực hiện một chương trình nghị sự rất quan trọng là gặp mặt Nga”, TASS dẫn lời ông Zelensky nói và cho biết thêm, EU và NATO nên tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm chấm dứt xung đột.
Mỹ nói về vũ khí hạt nhân của Ukraine
RIA Novosti dẫn lời cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Mỹ sẽ không trả lại số vũ khí hạt nhân Ukraine từng từ bỏ sau khi Liên bang Xô Viết tan rã.
Ông Sullivan đã bác thông tin Mỹ đang cân nhắc việc trao trả vũ khí hạt nhân cho Ukraine sau khi một số quan chức phương Tây cho rằng Tổng thống Biden nên trả lại Ukraine các loại vũ khí này trước khi mãn nhiệm. Theo ông, Mỹ đang tăng cường trang bị vũ khí thông thường chứ không phải hạt nhân cho Ukraine.
Theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS), Ukraine từng có xấp xỉ 3.000 vũ khí hạt nhân chiến lược dùng để tấn công các cơ sở quân sự lớn, hạm đội hải quân và lực lượng thiết giáp, cùng khoảng 2.000 vũ khí hạt nhân chiến lược dùng để phá hủy các thành phố.