Chi tiết 10 nội dung mới của Luật Căn cước áp dụng từ ngày 1/7/2024
Ngày 27/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Căn cước năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 tới. Luật Căn cước năm 2023 có 7 chương, 46 điều và có nhiều nội dung mới, sửa đổi, bổ sung so với Luật Căn cước công dân năm 2014.
Ngoài điểm mới được người dân quan tâm nhất chính là việc sửa tên luật và thống nhất đổi thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước, còn nhiều chi tiết khác cũng được nhiều người ủng hộ, hoan nghênh.
Các điểm mới của Luật Căn cước có hiệu lực từ tháng 7/2024. (Ảnh minh họa) |
Thứ nhất, Luật Căn cước quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đối tượng áp dụng của Luật Căn cước được mở rộng hơn so với Luật Căn cước công dân năm 2014, ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.
Thứ hai, Luật Căn cước cũng bổ sung quy định về giải thích từ ngữ để làm rõ một số thuật ngữ liên quan đến công tác quản lý nhà nước về căn cước, gồm sinh trắc học; người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; thẻ căn cước; giấy chứng nhận căn cước; danh tính điện tử của công dân Việt Nam; định danh điện tử đối với công dân Việt Nam; xác thực điện tử đối với danh tính điện tử của công dân Việt Nam; căn cước điện tử; ứng dụng định danh quốc gia; trung tâm dữ liệu quốc gia.
Thứ ba, về nguyên tắc quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước... cơ bản được giữ nguyên như quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014 và Luật Căn cước bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam, bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền của người dân liên quan đến căn cước điện tử... cho đầy đủ, chặt chẽ hơn.
Thứ tư, về việc tích hợp thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, Luật Căn cước quy định mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam từ các cơ sở dữ liệu khác vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước so với Luật Căn cước công dân năm 2014 để trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử, kết nối, chia sẻ thông tin người dân.
Đây là điểm sáng của Luật Căn cước, giúp việc kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương được thuận tiện, tiết kiệm chi phí, đem lại những kết quả thiết thực, phục vụ có hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính, cung, cấp dịch vụ hành chính công.
Đặc biệt, Luật Căn cước quy định bổ sung một số nhóm thông tin sinh trắc học vào Cơ sở dữ liệu căn cước. Điều này là tương đồng với quy định pháp luật của nhiều nước trên thế giới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở nước ta. Việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói chỉ áp dụng đối với một số người có tiền án, tiền sự phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Những thông tin này do các cơ quan tiến hành tố tụng; cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính thu thập trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật và được chuyển cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước.
Việc thu thập, cập nhật các thông tin sinh trắc học vào Cơ sở dữ liệu căn cước được quy định trong Luật Căn cước sẽ bảo đảm quyền con người, quyền bảo đảm bí mật cá nhân quy định trong Hiến pháp, các văn bản pháp luật khác của Việt Nam.
Thứ năm, việc sửa đổi, bổ sung thông tin trên thẻ Căn cước - Luật Căn cước đã sửa đổi, bổ sung theo hướng, lược bỏ vân tay và sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng, thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân.
Bộ Công an cho biết, các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước. Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.
Thứ sáu, Luật Căn cước bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong, hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Trong đó, việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.
Thứ bảy, Luật Căn cước đã tập trung về việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Đây là nội dung mới so với quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014 nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; đồng thời, phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước về dân cư.
Thứ tám, một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân như thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, số bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh... đã được tích hợp vào thẻ căn cước. Việc sử dụng các thông tin tích hợp này có giá trị tương đương như đang cung cấp thông tin hoặc sử dụng các giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác. Qua đó, giúp giảm giấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.
Thứ chín, ngoài những trình tự, thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước cơ bản kế thừa các quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014, Luật Căn cước đã bổ sung quy định cấp lại thẻ căn cước trực tuyến trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia, giúp người dân không phải đến cơ quan quản lý căn cước để thực hiện thủ tục.
Thứ mười, trong xã hội số, việc định danh, xác thực con người cụ thể trên không gian mạng là yêu cầu cấp thiết. Nhiều nước trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển đã và đang đầu tư nhiều nguồn lực để tạo dựng nên hệ thống định danh của quốc gia.
Do vậy, Luật Căn cước đã bổ sung quy định về cấp, quản lý căn cước điện tử, quy định mỗi công dân Việt Nam được cấp 1 căn cước điện tử, căn cước điện tử có giá trị tương đương như thẻ căn cước sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và thực hiện các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu của công dân...