Cây mía - vũ khí giảm biến đổi khí hậu
Cây mía có khả năng làm giảm nhiệt độ và sản xuất năng lượng.
- Mới đây, các nhà khoa học Mỹ thuộc Phòng Sinh thái địa cầu (Viện Nghiên cứu Carnegie), đã tiến hành nghiên cứu ở một vùng trồng mía tập trung trên đất nước Brasil. Kết quả cho thấy, so với trồng cây lương thực hay trồng cỏ, việc trồng mía đã giảm đáng kể nhiệt độ ở khu vực này (mức giảm được ghi nhận là 0,92oC). Sở dĩ cây mía có thể làm được điều này là vì lá mía có thể phản chiếu ánh nắng mặt trời, thân mía giải phóng được nhiều hơi nước hơn so với các loại cây lương thực… Do đó, phát triển các vùng trồng mía tập trung, quy mô lớn cũng có thể góp phần làm chậm sự ấm lên trên toàn cầu. Ngoài ra, mía có thể sản xuất xăng sinh học dùng cho ô tô, xe máy, khi đó lượng khí thải ra môi trường sẽ giảm.
Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam - Nguyễn Thành Long - cho biết, hiện nay, những nước sản xuất mía đường lớn trên thế giới không chỉ đánh giá mía đường là ngành hàng thực phẩm mà còn coi đó là một ngành sản xuất năng lượng. Trước hết, đó là năng lượng cho con người (đường), sau đó là năng lượng sinh học để chạy các loại động cơ (Ethanol) và năng lượng tái tạo (điện từ bã mía). Việc dùng bã mía để phát điện vừa tận dụng lượng bã mía khổng lồ, tăng thêm lợi nhuận cho sản xuất, vừa giải quyết ô nhiễm môi trường. Ông Long phân tích, mỗi 1 tấn mía sau khi ép lấy đường, lượng bã thải ra nếu được dùng để phát điện, có thể tạo ra được 100 kW điện. Trong niên vụ 2011-2012, dự kiến nước ta sản xuất được 16,9 triệu tấn mía. Nếu tất cả số mía này được ép ra đường và dùng bã để chạy máy phát điện, có thể thu được 1.690 MW điện. Lượng điện này không chỉ đủ đáp ứng cho nhu cầu tại chỗ của các nhà máy đường, mà còn dư để cung ứng lên lưới điện quốc gia. Với đà phát triển của cây mía như hiện nay, dự kiến vào năm 2020, nước ta có 24 triệu tấn mía, nếu tận dụng hết bã mía chạy máy phát điện, sẽ có khoảng 2.400 MW điện. Phát điện từ bã mía có thể làm giảm sự phát thải CO2 một cách đáng kể. Mỗi tấn mía nếu dùng phát điện, chỉ thải ra khoảng 0,55 tấn CO2, ít hơn nhiều so với việc phát điện bằng các loại nhiên liệu khác.
Tương tự, mỗi tấn mía khi đem làm nhiên liệu sinh học, có thể sản xuất ra được 35-50 lít cồn 96%. Mỗi ha mía có năng suất, chất lượng tốt, có thể làm ra 7.000- 8.000 lít cồn, pha chế thành xăng sinh học, góp phần giảm đáng kể lượng khí phát thải ra môi trường.
Với đặc tính sinh học, cây mía còn có tác dụng chống xói mòn, rửa trôi đất đai. Mía là cây rễ chùm và dài, phát triển mạnh trong tầng đất từ 0-60cm, do đó, khả năng giữ đất của cây mía là rất tốt. Một ha mía được trồng tốt, có thể có 13-15 tấn rễ. Sau khi thu hoạch, bộ rễ mía nằm lại trong đất cùng với lớp lá già sẽ là chất hữu cơ quý, tăng độ phì nhiêu của đất. Mặt khác, với thảm lá xanh dày, diện tích lá gấp 4-5 lần diện tích đất, vào mùa mưa, các ruộng mía sẽ làm cho hạt mưa không thể rơi trực tiếp xuống mặt đất, vì vậy sẽ bảo vệ đất khỏi bị xói mòn, nhất là ở những vùng đồi của miền trung du.
Mía có đóng góp rất hữu ích cho con người và môi trường, đặc biệt trong việc giảm thiểu BĐKH. Chính vì vậy, thời gian tới, Việt Nam cần quy hoạch và tiến tới phát triển thành vùng nguyên liệu bền vững, góp phần sản xuất năng lượng và giảm nhiệt môi trường.
Thanh Hà