Câu like, trục lợi từ vụ lộ clip nhân viên mặc áo ngân hàng là không thể chấp nhận
Hai ngày qua, trên mạng xã hội "nóng" câu chuyện lộ clip nhạy cảm của một cô gái mặc áo nhân viên ngân hàng VIB. Tuy nhiên, phía ngân hàng đã phản hồi tới Báo Công Thương cho biết qua rà soát không có nhân viên nào của ngân hàng có danh tính và hình ảnh như trong clip...
Song ngay lập tức, cộng đồng mạng đã nhanh chóng chia sẻ rầm rộ trên khắp các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Youtube, Facebook, Zalo... Mỗi bài đăng, dòng trạng thái đã nhận hàng trăm lượt xem, hàng nghìn lượt tương tác. Và cứ thế, sự việc bị đẩy lên cao trào, tạo thành "viral" và từ khóa được tìm kiếm bậc nhất Google cũng liên quan sự việc này.
Mạng xã hội chia sẻ rầm rộ liên quan cô gái bị lộ clip nhạy cảm. (Ảnh chụp màn hình) |
Điều đáng nói, trong những bài đăng, trạng thái và bình luận của cộng đồng không phải sự đồng cảm, sự chia sẻ mà là giọng điệu cợt nhả, hả hê trước những sự cố của người khác. Điều đó cho thấy tình trạng đáng báo động về sự vô cảm trên môi trường mạng xã hội hiện nay.
Xét dưới góc độ đạo đức, tính nhân văn cũng thấy sự tàn nhẫn của cộng đồng mạng. Họ chỉ biết đến cảm xúc, tính tò mò của bản thân, không biết rằng mỗi trạng thái, bình luận đó giống như nhát dao cứa sâu thêm vào nỗi tủi nhục của nạn nhân.
Nghiêm trọng hơn, bên cạnh đám đông tò mò, một lượng lớn cá nhân, tổ chức đã lợi dụng sự cố này để "câu view bẩn" bất chấp đạo đức, pháp luật. Trong đó có các trang Facebook, gồm: Tin Nóng Đây, Trùm Trà Đá; Tài khoản TikTok: Xuancasharelink... Những tài khoản mạng xã hội này có hàng nghìn lượt theo dõi, khi phát tán những thông tin clip nhạy cảm có thể tiếp cận đến số lượng lớn người xem và ảnh hưởng đến xã hội là không nhỏ.
Dưới góc độ pháp luật, hành vi chia sẻ, phát tán clip nhạy cảm có dấu hiệu bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm người khác. Đồng thời đây còn là hành vi có dấu hiệu tuyên truyền, lưu trữ văn hóa phẩm đồi trụy.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật Sư Tinh Thông Luật cho biết, theo Hiến pháp năm 2013 thì mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
Bên cạnh đó, Luật An ninh mạng năm 2018 cũng quy định về các hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó có việc cấm đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội.
Theo đó, việc đăng tải, chia sẻ những clip nhạy cảm có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà chủ thể vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có).
Cũng theo Luật sư Bình, tổ chức vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Đồng thời, tổ chức vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
Luật sư Bình cho biết, nếu cá nhân phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo đến cao nhất là 5 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.