Câu like, trục lợi trước nỗi đau của đồng bào là tội ác
Các tỉnh miền núi phía Bắc hiện vẫn đang oằn mình trong lũ dữ, thiệt hại về người và tài sản không kể xiết. Chính quyền các địa phương đang tích cực triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn người dân, giúp giảm thiểu những thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Trong những ngày này, cả nước đang hướng về bà con các tỉnh miền núi phía Bắc thông qua các hoạt động từ thiện, cứu trợ. Thế nhưng, những ngày qua, trên mạng xã hội lại liên tục xuất hiện các tin giả, những hành động thiếu nhân văn "ăn theo mưa lũ" để câu view, trục lợi.
Bức ảnh em bé khóc vì mất mẹ (trái) và gia đình chạy lũ ở Hà Giang là sai sự thật về ảnh hưởng của cơn bão số 3 |
Bức ảnh đăng tải trên mạng xã hội với nội dung: "Nghẹn lòng hình ảnh sơ tán của một gia đình ở xã Ngọc Linh, Vị Xuyên, Hà Giang…" dễ dàng nhận được hàng ngàn lượt like, share và bình luận trên mạng xã hội.
Đoạn clip một em bé vùng cao khóc nức nở kèm dòng chú thích: “Xót xa đau lòng quá, nước trôi mất mẹ con rồi không tìm thấy đâu” đã lấy đi bao nhiêu nước mắt của độc giả, hàng ngàn lời thăm hỏi, hàng trăm tấm lòng hảo tâm gửi đi mong muốn được giúp đỡ.
Tuy nhiên, khi bức ảnh đó nổi tiếng, trở thành xu hướng trên mạng xã hội, ngay lập tức, lãnh đạo UBND huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã phải lên tiếng đính chính rằng “Hình ảnh trên chỉ là một trong những content của một Youtuber được thực hiện vào thời điểm mưa lũ”. Và cô Mai Thị Xoan - giáo viên chủ nhiệm của em bé trong clip dạy tại điểm trường Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) cũng phải lên mạng khẳng định em nhỏ kia không phải khóc vì mẹ bị lũ cuốn, mà em khóc vì theo mẹ xuống nương. Em vẫn còn đầy đủ bố mẹ. Video đó quay một năm về trước chứ không phải bây giờ.
Các đối tượng tạo tài khoản giả mạo cơ quan Nhà nước hoặc các tổ chức uy tín kêu gọi từ thiện ủng hộ bà con vùng lũ |
Đáng nói, lợi dụng sự quan tâm và sự thương cảm, sẻ chia của nhiều người dân trên cả nước với đồng bào tại các tỉnh, thành phố phía Bắc, một số Fanpage giả đã được lập ra để kêu gọi ủng hộ từ thiện. Các đối tượng tạo tài khoản giả mạo cơ quan Nhà nước hoặc các tổ chức uy tín; thậm chí sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống để kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân nhằm chiếm đoạt. Và thực tế, không ít người đã đã gửi trao yêu thương, niềm tin nhầm chỗ.
Chưa hết, trên mạng còn lan truyền thông tin "Bà con mất điện không có wifi có thể nhập tất cả các cú pháp sau để có mạng nhé: 3ST4G gửi 191, 4G gửi 191, ZP gửi 191, 5GKM gửi 191, ST15_4G gửi 191, ST15N_4G gửi 191. Tất cả đều free của Viettel ạ".
Trước vấn nạn thông tin giả tràn lan, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần kiểm tra kỹ thông tin trước khi chia sẻ và nâng cao khả năng tự bảo vệ bản thân. Chỉ nên theo dõi các trang thông tin từ Chính phủ, cơ quan báo chí có uy tín để cập nhật tin tức chính xác nhằm hạn chế những rủi ro về lừa đảo trực tuyến hoặc trở thành nạn nhân của đối tượng xấu trên mạng.
Đỉnh điểm, tối muộn ngày 12/9, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Namđã công bố 12.028 trang sao kê về số tiền cả nước ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai bão lũ. Tính đến 17h ngày 12/9, số tiền các tổ chức, cá nhân chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương là 527,8 tỉ đồng. Và Ban Vận động cứu trợ Trung ương cũng đã đăng tải cụ thể danh sách các tổ chức, cá nhân ủng hộ qua số tài khoản Vietcombank 0011001932418 từ ngày 1/9 đến ngày 10/9/2024.
Ngay sau khi bảng kê được công bố, phần đông nhận được sự ủng hộ của cộng đồng bởi sự công khai minh bạch của các cơ quan chức năng trong việc ủng hộ đồng bão vùng bão lũ. Nhiều ý kiến cùng bày tỏ mong muốn tất cả số tiền ủng hộ này sẽ sớm đến được với đồng bào, để sửa sang lại cầu, đường, trường, trạm, để khắc phục phần nào những mất mát về vật chất và tinh thần, đặc biệt là với những bà con bị mất người thân, bị sập nhà, mất trắng mùa màng…
Song, cũng từ hơn 12.000 trang sao kê này, cộng đồng mạng đã phát hiện ra không ít trường hợp người nổi tiếng công khai trên trang cá nhân ủng hộ đồng bào vùng lũ số tiền rất lớn, nhưng trong bảng sao kê thì chỉ là số tiền ít ỏi.
Như trường hợp của một tài khoản tên Phạm Như Phương chuyển khoản ủng hộ 500.000 đồng vào ngày 9/9. Giao dịch này có nhiều nội dung giống với ảnh chụp màn hình chuyển khoản đã được cựu vận động viên thể dục dụng cụ đăng tải trên trang cá nhân. Tuy nhiên, con số lại khác nhau. Trong hình ảnh đăng tải, dù không công khai số tiền, nhưng độc giả có thế thấy số tiền lên tới hàng trăm triệu, nhưng bản sao kê chỉ vỏn vẹn 500.000 đồng.
Tiktoker Việt Anh Pí Po đăng video thừa nhận phông bạt, làm màu khi đăng tải hình ảnh ủng hộ bà con vùng lũ |
Hay như trường hợp của tiktoker Việt Anh Pí Po. Trước đó, nam tiktoker này chia sẻ ảnh chụp màn hình ủng hộ bà con vũng lũ số tiền lên tới 8 con số, thế nhưng khi “check var” từ bảng sao kê, nhiều người phát hiện ra chủ tài khoản Việt Anh Pí Po chỉ quyên góp 1.000.000 đồng. Ngay chiều 13/9, nam tiktoker này đã phải lên mạng thừa nhận “phông bạt, làm màu”. Nhân sự kiện này, nhiều ý kiến cho rằng trong thời đại 4.0, tốt nhất là cấm thu các khoản ủng hộ bằng tiền mặt, đề nghị gửi toàn bộ vào tài khoản để công khai minh bạch, kiểm toán cũng dễ dàng.
Có thể nói, hành động lợi dụng một sự việc đang được cả nước quan tâm để câu like, câu view, trục lợi không phải là mới. Nó như một “đại dịch” mà vắc-xin dường như chưa đủ liều. Từ câu like tăng tương tác trang cá nhân đến đưa tin giả để trục lợi hay các hành vi lừa đảo từ thiện mỗi ngày một nhiều thêm. Trong bão lũ, trong sự tang thương của đồng bào các tỉnh, thành phía Bắc và của cả nước, thì những hành vi trên là một hành động bất nhẫn, đáng bị lên án và bài trừ.
Những hình ảnh thiệt hại về bão lũ tự thân nó đã nói lên sự tang thương, đau xót, vì vậy, các tiktoker, facebooker không cần diễn, cũng không cần “phông bạt, làm màu” để khoét sâu thêm vào những nỗi đau, mất mát đó. Phía người xem cũng cần tỉnh táo, bài trừ, thẳng tay ấn report (hay báo cáo) những bài viết vi phạm, góp phần hạn chế lan tỏa những hình ảnh, video clip không đúng sự thật.