Cập nhật tin lũ 12/9: Thông tin mới nhất lũ khẩn cấp trên sông Hồng; tiếp tục ngập lụt tại nhiều nơi
Sáng ngày 12/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia vừa thông báo tin lũ khẩn cấp trên sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Hoàng Long và sông Thái Bình; tin lũ trên sông Thao, sông Lô, sông Lục Nam và sông Hồng.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay mực nước lũ trên các sông thuộc khu vực miền Bắc đang có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến các địa phương ven sông.
Đặc biệt, mực nước tại sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam và sông Thái Bình đang ở mức nguy hiểm, có nguy cơ gây ra ngập lụt trên diện rộng.
Tại Đáp Cầu - Bắc Ninh, lũ trên sông Cầu đang dao động ở mức đỉnh với mực nước ghi nhận đạt 7,63m, vượt báo động 3 là 1,33m, chỉ còn cách mức lũ lịch sử năm 1971 là 0,21m. Tình hình tương tự cũng diễn ra trên sông Thương tại Bắc Giang, nơi mực nước hiện tại đang ở mức 7,23m, cao hơn báo động 3 là 0,93m và thấp hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1986 khoảng 0,30m.
Lũ trên sông Lục Nam, sông Thái Bình và sông Hoàng Long đang có dấu hiệu lên chậm nhưng vẫn ở mức đáng lo ngại. Đặc biệt, tại sông Hoàng Long (Ninh Bình), mực nước hiện đã lên tới 4,65m, vượt báo động 3 là 0,65m. Ở khu vực sông Thái Bình, mực nước tại Phả Lại đạt 6,18m, cũng trên báo động 3 là 0,18m.
Đáng chú ý, tại sông Hồng đoạn qua Hà Nội, mực nước hiện đang đạt 11,20m, chỉ thấp hơn báo động 3 khoảng 0,30m, nhưng vẫn đang có xu hướng biến đổi chậm. Trong khi đó, mực nước lũ trên sông Thao tại Yên Bái và Phú Thọ đang có dấu hiệu hạ dần, xuống còn 31,33m, cao hơn báo động 2 khoảng 0,33m. Sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang cũng có dấu hiệu giảm nhẹ.
Dự báo trong 12 giờ tới, lũ trên các sông như sông Thao, sông Lô sẽ tiếp tục giảm, trong khi đó, lũ trên sông Cầu và sông Thương vẫn sẽ giữ ở mức đỉnh, vượt báo động 3. Tại sông Hồng, mực nước tại Hà Nội dự kiến sẽ hạ dần nhưng vẫn ở trên mức báo động 2.
Nguy cơ ngập lụt vẫn đang hiện hữu tại nhiều vùng trũng thấp, đặc biệt ở các khu vực ven sông thuộc Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình và Ninh Bình. Những khu vực này có thể đối mặt với tình trạng sạt lở đê kè, tràn vỡ đê bối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của các địa phương ven sông. Các địa phương vùng núi như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái cũng được cảnh báo về nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Cảnh báo rủi ro thiên tai do lũ hiện đang được đặt ở mức cấp 3. Chính quyền và người dân ở các địa phương cần chủ động theo dõi và chuẩn bị các phương án ứng phó kịp thời nhằm giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ an toàn cho người và tài sản trong bối cảnh tình hình lũ vẫn còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới.
Sáng 12/9, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ cho biết, 7h sáng nay (12/9), mực nước Hồng, đoạn quận Long Biên (Hà Nội) ở mức 11,20m, dưới báo động lũ cấp III là 30cm; sông Đuống, đoạn quận Long Biên ở mức 10,56m, dưới báo động lũ cấp III là 44cm.
Dự báo trong hôm nay, mực nước các sông Hồng, Đuống giảm. Cụ thể, mực nước sông Hồng lúc 13h ở mức 11,10m (giảm 10cm so với lúc 7h); lúc 19h ở mức 10,90m (giảm 30cm so với lúc 7h). Trên sông Đuống, lúc 13h ở mức 10,45m (giảm 10cm so với lúc 7h); lúc 19h ở mức 10,25m (giảm 31cm so với lúc 7h).
Trên sông Đà, đoạn huyện Ba Vì, mực nước đang xuống. 19h ngày 11/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã lệnh rút báo động lũ cấp I tại huyện Ba Vì.
Cơ quan trên cảnh báo, lũ trên các sông: Hồng, Đuống đang ở mức cao gây ngập lụt vùng trũng thấp, các bãi nổi giữa sông, vùng ven sông, sạt và xói lở đất bờ bãi ven sông; nguy cơ mất an toàn đối với tuyến đê thuộc các quận, huyện, thị xã: Sơn Tây, Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thanh Trì, Gia Lâm, Thường Tín...
Cũng trong sáng 12/9, đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tính đến 7h ngày 12/9, bão số 3 (bão Yagi) gây mưa lũ, sạt lở đất đã làm 325 người chết và mất tích.
Cụ thể, bão, mưa lũ và sạt lở đất đã làm 197 người chết, 128 người bị thương. Trong đó, tỉnh Lào Cai thiệt hại nặng nề nhất với 177 người chết và mất tích (82 người chết, 95 người mất tích) tại các địa phương: Bảo Yên, Sa Pa, Bát Xát, Si Ma Cai, Bắc Hà, Văn Bàn. Riêng trong vụ sạt lở đất tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên) đã làm 99 người chết và mất tích.
Tại Lào Cai, sáng 12/9, Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Theo thông tin từ huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai cho biết, trên địa bàn xã Nậm Lúc vào hồi 14 giờ ngày 10/9 đã xảy ra vụ sạt lở đất đá nghiêm trọng vùi lấp 8 ngôi nhà tại thôn Nậm Tông. Hiện lực lượng chức năng đang khẩn trương triển khai các biện pháp tìm kiếm.
Đất đá sạt lở bất ngờ, với khối lượng rất lớn đã làm 7 người chết, 11 người mất tích và 11 người bị thương đã được đưa đi cấp cứu. Do địa hình bị sạt lở chia cắt giao thông và mất tín hiệu viễn thông nên công tác thông tin giữa huyện và vùng sạt lở bị gián đoạn.
Lào Cai liên tiếp xảy ra sạt lở nghiêm trọng - Ảnh: TTXVN |
Tại Tuyên Quang, theo thống kê chưa đầy đủ, mưa lũ đã làm 2 người mất tích do bị lũ cuốn trôi; 214 ngôi nhà bị tốc mái, sạt lở đất, đá vào nhà và hàng nghìn ngôi nhà của người dân bị ngập trong nước lũ; phải tổ chức di dời 360 người đến nơi an toàn; hơn 1.720ha lúa, hơn 431ha hoa màu bị ngập úng; hư hỏng nhiều đoạn tại các quốc lộ 2C, 279 và 280; đường tỉnh ĐT.188, ĐT.185 và nhiều tuyến đường huyện, xã bị sạt lở, ngập úng gây ách tắc giao thông; 159 cột điện 0,4kV bị gẫy, đổ và 3 tuyến đường điện bị hư hỏng; 3.288 cây xanh bị gẫy, đổ.
Trước những mất mát miền Bắc phải gánh chịu từ sự tàn phá khốc liệt của thiên nhiên, hàng triệu trái tim người dân Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước đang đồng lòng hướng về đồng bào vùng lũ. Mỗi hành động chung tay, mỗi sự góp sức đều mang theo tình cảm, tình “đồng bào” sẻ chia trong khó khăn, hoạn nạn.
Theo đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, với tinh thần hỗ trợ “cao nhất, nhanh nhất” cho các gia đình bị thiệt hại do bão, lụt và lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sáng ngày 11/9/2024, Bộ Công Thương tổ chức Lễ phát động, quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão, lụt gây ra.
Với phát động của Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Việt Nam và đề xuất của Chủ tịch Công đoàn Bộ Công Thương, tại lễ phát động, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tại hội nghị này mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị thuộc Bộ với tấm lòng thơm thảo, ủng hộ tùy tâm đồng bào ở vùng bị ảnh hưởng bởi bão và hoàn lưu bão gây ra nhưng trên tinh thần vận động của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam là ít nhất 1 ngày lương. Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ căn cứ vào tinh thần vận động, tổ chức thu nhận và chuyển về công đoàn cơ quan. Công đoàn cơ quan sẽ cùng với Ban Chấp hành công đoàn tiếp nhận sự ủng hộ từ các đơn vị thuộc Bộ, sau đó tổng hợp, chuyển về tài khoản của Quỹ hỗ trợ đồng bào bị bão lũ, không chuyển bằng tiền mặt. Đối với các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Bộ cũng trên tinh thần vận động đó tiếp tục phát động, hưởng ứng hỗ trợ bà con vùng đồng bào bị ảnh hưởng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão, lũ gây ra |
Hưởng ứng lời kêu gọi Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ CồnG Thương) Trần Hữu Linh vừa ký ban hành Công văn số 2606/TCQLTT-VPTC ngày 12 tháng 9 năm 2024 gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ số 3 gây ra.
Lực lượng Quản lý thị trường Lào Cai tổ chức phát hàng miễn phí hỗ trợ đồng bào vùng thiên tai bão số 3 |
Để công tác ủng hộ được nhanh chóng, thiết thực và hiệu quả, Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phổ biến, vận động công đoàn viên tại đơn vị mình cùng chung tay ủng hộ mỗi người một ngày lương trở lên. Số tiền ủng hộ gửi về Tổng cục Quản lý thị trường theo 2 hình thức tiền mặt hoặc chuyển khoản về Công đoàn Cơ quan Tổng cục Quản lý thị trường - số 91 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được Công đoàn Cơ quan Tổng cục Quản lý thị trường tổng hợp, báo cáo và thực hiện theo chỉ đạo chung, đảm bảo đúng mục đích, công khai, minh bạch.
Cũng trong sáng 12/9, với tinh thần tương thân, tương ái, “Lá lành đùm lá rách”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt; chương trình phát động của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì sáng 11/9, với tinh thần hỗ trợ “cao nhất, nhanh nhất” cho các gia đình bị thiệt hại do bão, lụt; Đảng ủy, Ban lãnh đạo, Ban chấp hành Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Liên Chi hội nhà báo Báo Công Thương chính thức phát động Chương trình “Chung tay hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt” nhằm quyên góp, hỗ trợ cho các cháu học sinh vùng cao sớm được trở lại trường, giúp đỡ các gia đình gặp nạn do mưa lũ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Cán bộ, phóng viên Báo Công Thương chung tay ủng hộ đồng bào vùng thiên tai sáng 12/9 |
Quỹ Thiện nguyện nụ cười của Tập đoàn Nhựa Bình Thuận đã quyên góp ủng hộ 250 triệu đồng cùng chương trình của Báo Công Thương |
Những đóng góp thiết thực từ viên chức, người lao động của Báo Công Thương, của cộng đồng doanh nghiệp các mạnh thường quân và người dân ủng hộ đồng bào tại các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ được Đoàn công tác xã hội của Báo Công Thương chuyển trực tiếp đến tận tay người dân.
Báo sẽ nhận tiền, hiện vật, nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt...hỗ trợ đồng bào vùng lũ, lụt và sẽ tổ chức, phối hợp với các đơn vị chức năng, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tổ chức các chuyến công tác, vận chuyển, trao quà hỗ trợ tới đồng bào vùng bão lụt.
Được biết, ngay sau khi Báo Công Thương phát động, Quỹ Thiện nguyện nụ cười của Tập đoàn Nhựa Bình Thuận đã quyên góp ủng hộ 250 triệu đồng và một nhà tài trợ đã trao tặng số hiện vật trị giá 200 triệu đồng. Các phần quà này đã được đoàn công tác của Báo Công Thương trực tiếp đến các điểm xã Nàn Sán – huyện Simacai và xã Phúc Khánh huyện Bảo Yên tỉnh Lào Cai.
Những chuyến hàng chở đầy tình cảm của các mạnh thường quân và cán bộ, phóng viên, người lao động đã lên đường để đến với bà con vùng lũ đang gặp khó khăn |
Thời gian tổ chức quyên góp từ ngày 12/9/2024 và sẽ tiếp tục đồng hành cùng bà con gặp khó khăn do bão, lũ gây ra.
Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ liên hệ: Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Phó Chủ tịch Công đoàn Báo Công Thương, điện thoại: 0985698658.
Hoặc chuyển khoản vào tài khoản phục vụ công tác xã hội của Báo Công Thương, số tài khoản 122000105666, tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) - Chi nhánh Nam Thăng Long.