Cấp mã số vùng trồng: Bắt buộc, nhưng nhiều lợi ích
Sau khi Nghị định thư song phương về kiểm dịch thực vật đối với nhập khẩu quả sầu riêng tươi của Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết, Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ hai sau Thái Lan được tiếp cận thị trường chính thức cho sầu riêng tươi - loại trái cây nhập khẩu có giá trị cao tại Trung Quốc. Điều này đã mở ra cơ hội và tạo thêm dư địa tăng trưởng cho ngành hàng thế mạnh của nước ta, góp phần cải thiện thu nhập của bà con nông dân, nhất là vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, cơ hội chỉ thật sự mở ra khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác. Trong đó, tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hóa quy trình sản xuất; xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc… là những vấn đề cần đặc biệt chú trọng.
Đóng gói sầu riêng xuất khẩu |
Hiện nay, Việt Nam có 123 mã số vùng trồng và 57 cơ sở đóng gói sầu riêng đăng ký tham gia chương trình xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Để giúp các tổ chức, cá nhân tuân thủ các quy định tốt nhất và có được sản phẩm sầu riêng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nhập khẩu của Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức các hội nghị tập huấn cho cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các doanh nghiệp, cá nhân và nông dân liên quan đến sản xuất và xuất khẩu sầu riêng nắm vững yêu cầu về quy trình cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; các yêu cầu chung về vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc, lưu trữ hồ sơ; hướng dẫn sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trên sầu riêng; chương trình giám sát dư lượng và kiểm tra kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu.
Cùng với sầu riêng, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - thông tin, đến nay, Việt Nam đã có gần 4.000 mã số vùng trồng được cấp, tương đương với 300.000ha cây trồng cho 14 loại quả tươi và gần 1.894 mã cơ sở đóng gói xuất khẩu đi các thị trường. Vừa qua, số lượng mã số vùng trồng và diện tích cấp mã số vùng trồng không những tăng rất mạnh mà còn đảm bảo chất lượng, đáp ứng đúng quy định hiện nay. Công tác thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế và tăng kim ngạch xuất khẩu.
Trong quá trình đàm phán mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam, các nước như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều đưa ra yêu cầu chỉ có nông sản (chủ yếu là rau quả tươi) được sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói mới được phép xuất khẩu. Gần đây nhất là Trung Quốc cũng đưa ra yêu cầu này với các sản phẩm xuất khẩu chính ngạch từ Việt Nam sang Trung Quốc. Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm tuân thủ quy định của các nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Cùng với việc mở rộng thiết lập, cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật và các địa phương đã chủ động giám sát, rà soát, nâng cao chất lượng thiết lập mã số vùng trồng/cơ sở đóng gói để đảm bảo vùng trồng được quản lý tốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra. |