Thứ bảy 10/05/2025 02:32

Cảnh giác với chiêu lừa ''xóa lịch sử nợ xấu ngân hàng''

Đánh vào tâm lý người dân đang có các khoản nợ xấu ngân hàng, muốn đi vay tại các tổ chức tín dụng khác, các đối tượng lừa đảo đã giăng bẫy nhằm lừa đảo.

Nợ xấu là cụm từ dành cho những nhóm nợ khó đòi, quá hạn nhưng khi tới thời hạn trả nợ không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán theo đúng quy định. Lúc này ngân hàng sẽ tự động xếp những nhóm nợ quá hạn vào những nhóm nợ xấu tương ứng với thời gian quá hạn. Nếu một cá nhân, một doanh nghiệp vướng phải nợ xấu thì không thể vay vốn tại các ngân hàng, không thể sử dụng thẻ tín dụng... Việc xóa nợ xấu rất khó khăn, khách hàng phải hoàn thành nghĩa vụ thanh toán với ngân hàng và liên hệ với trung tâm Thông tin tín dụng (CIC).

Không khó để tìm đến với các dịch vụ xoá nợ xấu ngân hàng "nhan nhản" trên mạng.

Đánh vào tâm lý người dân đang có khoản nợ chậm trả tại ngân hàng, muốn đi vay tại các tổ chức tín dụng khác, các đối tượng lừa đảo đã "giăng bẫy" nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Dịch vụ xóa nợ xấu thường được các tổ chức, cá nhân quảng cáo ở trên Internet. Với thông tin giúp cho người bị mắc nợ xấu nặng tới mức nào cũng được xóa ngay lập tức. Theo như lời quảng cáo của các dịch vụ xóa nợ xấu. Khách hàng sẽ không cần phải thanh toán khoản vay, phí phạt cũ nhưng vẫn có thể được xóa nợ xấu. Chỉ cần nộp một khoản phí nhất định là sẽ được xóa tự động. Phí dịch vụ “cung cấp xóa nợ xấu nhanh” thường giao động từ 5 -20 triệu đồng tùy vào nhóm nợ.

Chị P.A. (Thanh Xuân, Hà Nội) là chủ một cửa hàng quần áo. Do cần tiền để nhập hàng, mở rộng kinh doanh, chị đã đến ngân hàng để vay 300 triệu đồng nhưng đã bị từ chối, vì vài tháng trước chị có nợ xấu nhóm 4 tại một ngân hàng khác. Bởi quá cần vốn, chị đã tìm kiếm trên mạng và thấy nhiều quảng cáo về dịch vụ "xóa nợ xấu" tại CIC.

"Chỉ cần bỏ ra 10 triệu đồng, sau một ngày nợ xấu của tôi sẽ được xóa hoàn toàn và dễ vay vốn hơn. Tôi đồng ý trả trước 50% phí dịch vụ là 5 triệu đồng. 3 ngày sau, tôi không nhận được bất kỳ phản hồi nào và cũng không thể liên lạc với họ. Lúc này tôi mới biết mình đã bị lừa", chị P.A. chia sẻ.

Tương tự, Anh N.C. V. (Mỹ Đức, Hà Nội) cũng là nạn nhân bị kiểu lừa đảo này. Cách đây ít lâu anh V. có thế chấp một miếng đất để vay ngân hàng 5 tỷ lấy vốn làm ăn. Tuy nhiên do không thể trả ngân hàng đúng thời hạn, anh V. đã bị phía ngân hàng chuyển vào nhóm nợ xấu. Muốn tiếp tục vay vốn để làm ăn, anh V. đã nghe theo một người bạn lên trang web nhờ xóa nợ xấu trên hệ thống CIC. Anh V. phải mất khoảng 15 triệu đồng để xóa nợ xấu và phải chuyển 60% chi phí, sau khi hoàn thành sẽ thanh toán tiếp... Rất may, sau khi nghe lời cảnh báo từ người thân làm từ ngân hàng nên biết mình đang bị lừa anh V. đã không chuyển tiền cho đối tượng...

Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc CIC: Không có bất kỳ tổ chức/cá nhân nào có thể can thiệp vào cơ sở dữ liệu của CIC. CIC chỉ thực hiện điều chỉnh thông tin trên cơ sở đề nghị của các tổ chức tín dụng. Khi cần chỉnh sửa thông tin, các tổ chức tín dụng phải nêu rõ nguyên nhân xảy ra sai sót.

Khi phát hiện thông tin có sai sót, khách hàng báo với CIC thông qua các kênh điện tử hoặc tổng đài của Trung tâm hoặc liên hệ với các tổ chức tín dụng. Theo quy định của Ngân hàng nhà nước, sau khi nhận được yêu cầu điều chỉnh sai sót, CIC đều phải kiểm tra lại thông tin của khách hàng, nếu thực sự có sai sót thì CIC phải điều chỉnh, sau khi điều chỉnh CIC sẽ thông báo cho khách hàng được biết. Khách hàng nên thường xuyên kiểm tra thông tin của chính mình trên cơ sở dữ liệu của CIC để khi phát hiện những điều không chính xác thì kịp thời yêu cầu các đơn vị có liên quan chỉnh sửa để bảo vệ quyền lợi.

Khi cần tư vấn liên quan đến tài chính tín dụng, giải quyết các khiếu nại liên quan đến thông tin tín dụng của bản thân, khách hàng có thể liên hệ với đường đây nóng: 1800 585 891 của Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) trong giờ hành chính.

CIC là tổ chức sự nghiệp Nhà nước thuộc Ngân hàng Nhà nước, có chức năng thu nhận, xử lý, lưu trữ, phân tích, dự báo thông tin tín dụng phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước. Thực hiện việc phân tích, xếp hạng và chấm điểm tín dụng đối với các tổ chức, cá nhân có quan hệ vay vốn của các tổ chức tín dụng. Cách tốt nhất và nhanh nhất để có thể xóa nợ xấu trên CIC là khách hàng đến làm việc trực tiếp với ngân hàng hoặc tổ chức tài chính mà bạn đã vay để thanh toán toàn bộ nợ gốc và lãi suất. Nợ xấu dù ở nhóm nào vẫn có thể xóa được sau một khoảng thời gian nhất định. Do đó, khi là người đi vay, bạn cần chú ý thanh toán số tiền trả nợ đúng hạn và nắm rõ hợp đồng để tránh trường hợp rơi vào nợ xấu.
Đức Lâm
Bài viết cùng chủ đề: Nợ xấu

Tin cùng chuyên mục

Bắc Giang: Triệt phá đường dây sản xuất mỹ phẩm giả cực lớn

Công an Lạng Sơn thông tin việc bắt Tiktoker Lê Việt Hùng

Công ty Cà phê Ea Sim bị cưỡng chế thuế

Cưỡng chế thuế Chi nhánh Công ty hữu nghị Quốc tế

Bạc Liêu: Rà soát các dự án cây xanh để phục vụ điều tra

Đồng Nai: Xử phạt, buộc di dời nhà máy Bibica và Vinacafé Biên Hoà

Ba doanh nghiệp ở Tuyên Quang bị cưỡng chế do nợ thuế

Cưỡng chế thuế Công ty Ngọc Linh Quảng Nam tại Đắk Nông

Đối tượng Lê Việt Hùng bị bắt sau loạt bài phản ánh của Báo Công Thương

Đồng Nai: Chi nhánh Cao su Miền Nam bị xử phạt 720 triệu đồng

Hai doanh nghiệp tại Yên Bái bị cưỡng chế do nợ thuế

Thông tin mới nhất vụ Chu Thanh Huyền bị tố: Không liên quan, vẫn bán hàng mạnh

Thanh Hóa xử phạt Công ty Thần nông Thanh Hóa vi phạm về phòng cháy, chữa cháy

Cưỡng chế thuế Công ty Landscape Việt Mỹ tại Thanh Hóa

Đà Nẵng cưỡng chế tháo dỡ 7 ki-ốt ven biển

Cưỡng chế thuế Chi nhánh Xăng dầu Tây Nam S.W.P tại Long An

Cưỡng chế thuế Công ty Nạo vét và Xây dựng Đường thủy

Công ty Sản xuất Tân Thành bị cưỡng chế thuế

Quản lý thị trường kết luận vụ Chu Thanh Huyền bán mỹ phẩm không tem nhãn

Cần Thơ: Tạm hoãn xuất cảnh nhiều đại diện doanh nghiệp