Cụ thể, một số DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trực tiếp NK các lô hàng ĐTDĐ mang một số thương hiệu nổi tiếng từ các công ty chính hãng ở nước ngoài với mục đích nghiên cứu, thiết kế thử nghiệm, sản xuất sản phẩm theo giấy chứng nhận đầu tư và ngành nghề kinh doanh là lắp đặt, sản xuất và phân phối các loại ĐTDĐ.
Đối với các trường hợp này khi NK ĐTDĐ thường có nhiều loại model khác nhau, mỗi loại với số lượng lớn (từ 100-150 chiếc). Các công ty tại Việt Nam được làm đại lý bảo hành, sửa chữa, thay thế NK các loại ĐTDĐ với mục đích bảo hành, sửa chữa, thay thế theo các hợp đồng ủy quyền là đại lý từ các công ty ở nước ngoài.
Các công ty này thường NK theo nhu cầu của thị trường khi cần bảo hành, thay thế, sửa chữa. Các trường hợp này không cần phải có giấy phép khi NK, nên Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh cho rằng rất khó quản lý số lượng NK và dễ bị NK nhằm mục đích khác.
Để giải quyết thủ tục hải quan đối với các trường hợp NK nêu trên, Cục Hải quan TP.HCM kiến nghị ngoài hồ sơ hải quan đối với hàng hóa NK theo quy định tại Điều 12 Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10-9-2013 của Bộ Tài chính, đối với từng trường hợp cụ thể cần có quy định riêng để đảm bảo quản lý mặt hàng này một cách chặt chẽ.
Đối với trường hợp NK để phục vụ mục đích nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm, sản xuất sản phẩm phải nộp thêm các chứng từ, gồm: Giấy chứng nhận đầu tư để kiểm tra nội dung đăng ký kinh doanh và ngành nghề kinh doanh của DN; văn bản cam kết NK mặt hàng ĐTDĐ để phục vụ mục đích nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm, sản xuất sản phẩm.
Đối với trường hợp NK để phục vụ mục đích bảo hành, sửa chữa, thay thế phải nộp thêm các chứng từ: Hợp đồng ủy quyền sửa chữa, bảo hành, thay thế giữa DN và đối tác nước ngoài, trong hợp đồng phải thể hiện rõ nội dung ủy quyền và thời hạn được ủy quyền thực hiện việc sửa chữa, bảo hành, thay thế; Công văn cam kết NK mặt hàng ĐTDĐ để phục vụ mục đích bảo hành, sửa chữa, thay thế không nhằm mục đích thương mại.