Cảnh báo dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát vào tháng 11-12
Từ đầu năm đến nay, riêng ở 20 tỉnh thành phía Nam đã phát hiện hơn 200.000 ca sốt xuất huyết. Trong đó, sốt xuất huyết người lớn chiếm 53%. Tỷ lệ sốt xuất huyết ở trẻ cũng đáng báo động.
Dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát vào tháng 11,12 tới đây |
PGS.TS. Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, theo chu kỳ 5 năm miền Bắc sẽ xảy ra một đợt dịch sốt xuất huyết lớn và dự báo năm nay sẽ có dịch sốt xuất huyết lớn xảy ra.
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đang gia tăng. Trong tháng 8, số bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện chỉ 70 ca, đến tháng 9 con số này tăng lên 160 ca và từ đầu tháng 10 đến nay, riêng Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã ghi nhận 250 ca.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca mắc và nhập viện tăng mạnh so với những năm trước. Các chuyên gia lo ngại, trong tháng 11 và 12 tới có thể sẽ là đỉnh dịch của sốt xuất huyết năm nay. Bên cạnh đó, thời tiết bắt đầu vào mùa Đông có nguy cơ bùng phát một số bệnh gây dịch khác như cúm, sởi, thủy đậu, adenovirus...
Đáng lo ngại, mới đây, 1 người đàn ông ở Phú Xuyên (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, da xung huyết, men gan tăng, suy gan, tổn thương phổi, gan, tiểu cầu hạ, cô đặc máu, suy đa phủ tạng…
Bệnh nhân được chuyển khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Được biết, trước đó, vợ và con của bệnh nhân cũng đã mắc sốt xuất huyết. Trước khi vào viện 12 ngày, bệnh nhân có sốt cao, đau mỏi người, xét nghiệm sốt xuất huyết cho kết quả dương tính, điều trị tại nhà.
Các chuyên gia khuyến cáo, hiện nay chưa có thuốc đặc trị cũng như chưa có vắc xin phòng ngừa bệnh hiệu quả. Vì vậy, cách tốt nhất là áp dụng các biện pháp phòng bệnh nhằm tránh bị mắc bệnh, như: Vệ sinh môi trường, xóa bỏ các ổ nước đọng trong nhà và xung quanh nơi ở, diệt loăng quăng (bọ gậy), phun thuốc diệt muỗi, tránh muỗi vằn đốt bằng cách nằm màn, mặc quần áo dài và các biện pháp xua muỗi khác...
Chuyên gia y tế cũng đặc biệt cảnh báo tình trạng người dân bị sốt tự truyền dịch ở nhà, nếu không cẩn trọng dễ dẫn đến nguy cơ sốc, thậm chí tử vong.
Bởi thực tế, dịch truyền có nhiều loại, mỗi loại có các thành phần, hoạt chất, nồng độ khác nhau, sử dụng cho từng trường hợp bệnh khác nhau và tốc độ truyền cũng khác nhau. Nếu chỉ sai tốc độ truyền dịch cũng có nguy cơ gây biến chứng.
Cụ thể: Dịch truyền bù nước và điện giải như ringer lactate, NaCl, bicarbonate dùng cho trường hợp mất nước, bỏng, tiêu chảy; dịch truyền bổ sung dinh dưỡng như glucose 5%/10%, glucid, lipid, acid amin, chỉ định cho bệnh nhân sau mổ, suy dinh dưỡng và không thể ăn qua đường tiêu hóa; dịch truyền có các chất protein như albumin, dextran, chỉ định cho bệnh nhân thiếu albumin trong các bệnh lý gan…
Các loại dịch truyền mà nhiều bệnh nhân thường sử dụng như: Dung dịch ringer lactate, dịch truyền bổ sung dinh dưỡng (người dân thường gọi là truyền đạm, hoa quả). Song dù là truyền dịch loại nào cũng cần có chỉ định của bác sỹ. Tùy theo thể trạng của bệnh nhân mà bác sỹ điều trị sẽ quyết định truyền loại dịch gì cho phù hợp.
Hơn nữa, trong quá trình truyền dịch có nguy cơ xảy ra các biến chứng, do đó cần phải thực hiện tại cơ sở y tế.
Các biến chứng có thể xảy ra khi truyền dịch bao gồm: Nếu lấy ven bị chệch sẽ gây đau, phù nề do chảy dịch ra ngoài ven, vỡ tĩnh mạch làm bầm tím. Thậm chí là chỗ truyền dịch có thể bị loét nếu dịch truyền có canxi.
Rối loạn điện giải, sốc: Khi lạm dụng dịch truyền có thể gây rối loạn điện giải, dẫn đến phù toàn thân, tràn dịch màng bụng, phù phổi, suy hô hấp, suy tim, tăng huyết áp đột ngột, nguy cơ cao với những bệnh nhân đang mắc bệnh huyết áp, tim mạch. Đây gọi là tình trạng sốc khi truyền dịch.
Sốc có thể xảy ra khi bắt đầu hoặc trong khi truyền, thậm chí cả ngay sau khi truyền xong. Nếu tình huống này xảy ra tại nhà, không có đủ phương tiện cấp cứu thì bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm, thậm chí tử vong.