Vĩnh Phúc: Bắt nhân viên ngân hàng dùng chiêu trò vay đáo hạn rồi chiếm đoạt tiền MB cảnh báo các hành vi mạo danh ngân hàng chiếm đoạt tiền |
Dịch vụ dởm... mất tiền thật
Thời gian qua, nhiều người lao động truy cập vào các trang mạng xã hội, để nhờ tư vấn giải quyết các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội đã liên tục gặp phải các đối tượng lừa đảo. Trong số đó, nạn nhân nhẹ thì bị lừa vài trăm nghìn đồng, nhiều thì mất hàng trăm triệu đồng.
Mới đây nhất, chị Lò Thị T (SN 1999, quê quán tỉnh Hà Giang), hiện đang làm việc tại huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) đã bị lừa 2,7 triệu đồng. Trước đó, thông qua mạng xã hội, chị T nhờ người tư vấn giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần. Sau đó, chị T lên mạng tìm kiếm thì phát hiện có trang facebook "Hỗ trợ tư vấn BHXH" có logo của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nên nhắn tin nhờ.
Ngay lập tức, nhằm tạo sự tin tưởng, đối tượng lừa đảo đã cung cấp facebook cá nhân, số điện thoại để chị T. tiện liên hệ. Để thực hiện thủ tục, nhân viên này yêu cầu chị T. cung cấp mã số bảo hiểm xã hội và mã thẻ căn cước công dân.
Người dân cần cảnh giác để tránh “sập bẫy” trên không gian mạng |
Sau khi nhận được thông tin, đối tượng gửi cho chị hình ảnh (giả mạo) thể hiện thông tin cá nhân, mức hưởng các chế độ (mức hưởng cao hơn thực tế), tình trạng hồ sơ chưa được giải quyết. Sau đó, đối tượng này yêu cầu chị nếu muốn được giải quyết thì cần trả phí là 900 nghìn đồng/hồ sơ.
Thấy nghi ngờ, chị T. hỏi lại thì đối tượng này dùng hình ảnh fanpage bảo hiểm xã hội có dấu tích xanh để tạo sự tin tưởng. Sau đó, kẻ lừa đảo tiếp tục giới thiệu chị vào các nhóm kín trên ứng dụng Telegram để trao đổi thông tin tạo lòng tin. Trong nhóm này, đồng bọn của đối tượng liên tục gửi tin nhắn có hình ảnh thể hiện hồ sơ được giải quyết thành công. Chờ lúc chị T. đồng ý, đối tượng gửi hình ảnh giả mạo con dấu và chữ ký của lãnh đạo bảo hiểm xã hội chứng minh việc hồ sơ đã được nhận, giục chị chuyển tiền đóng phí.
Sau khi có tiền, các đối tượng lập tức thông báo tin nhắn của chị bị sai cú pháp, yêu cầu chị nộp thêm, soạn lại cú pháp. Sau 3 lần chuyển khoản với tổng số tiền 2,7 triệu đồng, chị T. hỏi một vài người bạn thì nghi ngờ mình bị lừa. Sau đó, chị liên hệ qua facebook và số điện thoại, thì kẻ lừa đảo lập tức khóa các trang cá nhân chặn số cuộc gọi. Lúc này, chị T. mới vỡ lẽ mình đã bị lừa.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu mà có rất nhiều vụ việc đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng như các cơ quan báo chí đưa tin cảnh báo. Trước đó, một trường hợp khác là chị C.T.N.T. (trú tại xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) cũng bị các đối tượng lừa đảo, với chiêu trò tư vấn "dịch vụ bảo hiểm xã hội" qua mạng xã hội.
Theo đó, ngày 5/7/2023, chị T. truy cập mạng xã hội facebook và nhắn tin thông qua Messenger cho tài khoản có tên là Trần Thị Lan - tự giới thiệu là nhân viên bảo hiểm xã hội hỗ trợ giải quyết sớm hồ sơ thai sản. Tuy nhiên, đối tượng này đã lừa chị T. chuyển tổng cộng hơn 30.000.000 đồng vào số tài khoản do Lan chỉ định.
Làm gì để tránh “sập bẫy” trên không gian mạng?
Thời gian qua, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng, với diễn biến ngày càng phức tạp và thủ đoạn tinh vi. Trong đó, các đối tượng đã lợi dụng nhu cầu cần giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội của người tham gia, để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các chuyên gia pháp lý nhận định, nguyên nhân vẫn xảy ra nhiều vụ việc lừa đảo như ở trên, một phần do công tác tuyên truyền chưa được sâu, rộng dẫn đến việc người dân chưa hiểu biết, cập nhật đầy đủ về những chiêu trò, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân nhận thức pháp luật còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa thiếu hiểu biết về chủ trương, chính sách… để tội phạm có cơ hội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận rằng, những đối tượng lừa đảo thường đánh vào lòng tham của nhiều người, cũng như sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu cảnh giác của các nạn nhân. Bởi vậy, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo, thì chính mỗi người dân cũng cần phải tự nâng cao cảnh giác, trình độ hiểu biết pháp luật, công nghệ để tránh “sập bẫy” trước các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi trên không gian mạng như hiện nay.
Với các trường hợp bị lừa đảo như ở trên, các cơ quan chức năng khuyến cáo công nhân, người lao động cần nêu cao tinh thần cảnh giác khi tương tác trên mạng xã hội, tránh để đối tượng xấu lừa đảo. Bên cạnh đó, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng cho biết, không có hình thức làm dịch vụ các thủ tục hành chính của bất kỳ lĩnh vực nào cũng như yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Người lao động cần lưu ý, để tránh mất tiền oan.
Cơ quan chức năng cũng đề nghị người dân khi bị lừa đảo phải liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để trình báo, thực hiện các bước xác minh của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, những người lao động, công nhân cần ý thức phòng hơn chống, đừng để khi “sự đã rồi” thì mới đi cầu cứu lực lượng chức năng, bởi lúc đó các đối tượng lừa đảo đã “cao chạy xa bay” và rất khó để lấy lại tiền.