Cẩn trọng với nước hoa trôi nổi trên thị trường
Liên tiếp bắt giữ những vụ nước hoa giả “khủng”
Ngày 24/6, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14 thuộc lực lượng QLTT Hà Nội đã phối hợp với công an phường Hàng Bồ đột xuất kiểm tra cửa hàng kinh doanh JENNIFER NHU LUXURY có tại địa chỉ 91 Hàng Gà, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm. Đây được coi là một trong những điểm phân phối sản phẩm nước hoa lớn trên thị trường Hà Nội. Thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hóa, có hành vi không hợp tác với Đoàn kiểm tra trong quá trình kiểm tra hàng hóa. Tại tầng 2 của căn nhà chứa một lượng lớn sản phẩm nước hoa mang các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Gucci, Dolce Gabbana, Good Girl... Sau 12h đồng hồ phân loại, kiểm đếm dưới sự chứng kiến của chủ cửa hàng và các thành phần trong đoàn công tác, Đội QLTT số 14 đã tiến hành các thủ tục tạm giữ 4.250 sản phẩm nước hoa các loại Gucci, Chanel, Dior do nước ngoài sản xuất để bảo quản, phục vụ quá trình xác minh nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.
Cục QLTT Hà Nội phát hiện kho hàng nước hoa khủng tại 91 Hàng Gà vào tháng 6/2021 |
Tiếp tục, từ tối 30/6 đến 5h sáng ngày 1/7, Đội QLTT số 9 phối hợp với Đội 5, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Hà Nội đã kiểm tra, bắt giữ kho hàng cực lớn các loại nước hoa, mỹ phẩm của nhiều thương hiệu nổi tiếng tại kho hàng ngõ 76 An Dương (phường Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội). Chủ kho hàng là Hoàng Quốc Phương (sinh năm 1989) hộ khẩu thường trú tại số 10 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Kiểm đếm thực tế tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 11.821 sản phẩm nước hoa, kem dưỡng da, đắp mặt, xịt mùi cơ thể, nước tẩy trang các loại có nhãn hiệu do nước ngoài sản xuất chủ yếu là Dior, Chanel, Gucci, Valentino, Louis Vuitton....
Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng không xuất trình được bất cứ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của kho hàng hóa. Toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm sở hữu công nghiệp, hàng giả.
Theo ông Nguyễn Thế Sơn - Đội trưởng Đội QLTT số 9 (Cục QLTT Hà Nội), kho hàng được nguỵ trang rất kỹ, thậm chí gắn camera theo dõi. Bên trong có hàng tấn nước hoa các loại được sản xuất theo quy trình công nghiệp.
Nhận thấy đây chưa phải là địa điểm duy nhất kinh doanh, trao đổi, mua bán, Đội QLTT số 9 đã tiếp tục trinh sát và phát hiện kho chứa trữ hàng hóa nằm trong khuôn viên công ty xây dựng Hà Nội. Kho hàng mới được vận chuyển về, do ảnh hưởng của dịch bệnh. "Đặc biệt, phần lớn sản phẩm của cửa hàng và kho hàng hóa đều được giao dịch, mua bán trên các nền tảng thương mại điện tử đã gây không ít khó khăn cho anh em trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trinh sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường" - Đội trưởng Đội QLTT số 9 chia sẻ.
Trước đó, ngày 16/6, Đội QLTT số 11 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an huyện Thanh Oai) tiến hành kiếm tra một cơ sở sản xuất tại thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Tại đây, nhà chức trách đã phát hiện nhiều mỹ phẩm có dấu hiệu là hàng giả. Tại thời điểm kiểm tra, nhiều công nhân đang tiến hành san chiết, dán nhãn các sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa mang thương hiệu nước ngoài. Cũng tại cơ sở trên, cơ quan chức năng phát hiện số lượng lớn vỏ hộp, tem nhãn thể hiện nguồn gốc xuất xứ nước ngoài... song các sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa lại được pha chế thủ công bằng rất nhiều loại hoá chất trôi nổi khác nhau và không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chủ cơ sở sản xuất chưa xuất trình được bất cứ chứng từ, hóa đơn liên quan đến các nguyên liệu sản xuất và hàng hóa trên.
Đội QLTT số 14, Cục QLTT TP. Hà Nội đã tiến hành giám sát tiêu hủy lô nước hoa là hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng hoá không có đại diện chủ sở hữu tại Việt Nam xác nhận bị thu giữ từ tháng 6 năm 2021. Giám sát việc tiêu hủy có Lãnh đạo Cục QLTT TP Hà Nội và một số phòng ban trong Cục |
Mạnh tay xử lý
Với sự phát triển mạnh mẽ từ thương mại điện tử, nhiều đối tượng đã lợi dụng hình thức này và niềm tin của người tiêu dùng, kinh doanh nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả, với giá rẻ hơn 1/3, thậm chí rẻ đến 2/3 giá trị thật của hàng chính hãng. Theo các chuyên gia, việc sử dụng nước hoa giả, không rõ nguồn gốc sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng. Vì vậy, cần có biện pháp mạnh tay hơn để xử lý những vi phạm này.
Đơn cử như chiều ngày 2/11, Cục QLTT Hà Nội đã tiến hành tiêu hủy lô nước hoa là hàng giả mạo nhãn hiệu và không rõ nguồn gốc xuất xứ bị thu giữ tại 91 Hàng Gà. Lô hàng "khủng" này với 64 thùng hàng hóa, tổng cộng trên 2.000 chai nước hoa được xác định là giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa không có chủ sở hữu đại diện tại Việt Nam xác nhận.
Chủ sở hữu lô hàng đã lựa chọn phương thức tiêu hủy bằng hình thức cuốn ép, nghiền nát sau đó đốt bỏ tại lò đốt rác thuộc Công ty cổ phần môi trường đô thị và công nghiệp 11 (Urenco 11). Lô hàng tiêu hủy có giá trị gần 8 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Duy Bản - Phó Đội trưởng Đội QLTT số 14, lô nước hoa được Đội phát hiện và xử lý từ ngày 24/6 với tổng số lượng trên 4.000 hộp, trị giá lô hàng gần 15 tỷ đồng. Sau khi có kết luận của các đơn vị chức năng, lực lượng QLTT Hà Nội đã tiến hành phân loại hàng hóa trước sự chứng kiến của chủ hàng.
"Theo đó, số lượng hàng hóa sẽ phải thực hiện tiêu hủy do giả mạo nhãn hiệu và hàng hóa không có chủ sở hữu đại diện tại Việt Nam xác nhận là trên 2.000 hộp, trị giá gần 8 tỷ đồng."- ông Nguyễn Duy Bản cho biết.
Số lượng còn lại là hàng lậu, đã được đại diện hãng xác nhận là hàng chính hãng sẽ tiến hành phát mại bằng hình thức đấu giá để nộp ngân sách nhà nước. Dự kiến, lô hàng phát mại có giá trị khoảng 7 tỷ đồng.
Ông Vũ Minh Nam - chủ sở hữu lô hàng cho biết, sau sự vụ lần này, chúng tôi rút ra bài học sâu sắc cả về vấn đề kinh doanh, và pháp lý với những sản phẩm đưa ra trên thị trường. Đây cũng là bài học sâu sắc cho các bạn trẻ nhìn nhận lại vấn đề kinh doanh online hay trực tiếp đều phải tuân theo nguyên tắc của pháp luật.