Cần tăng cảnh báo sức khỏe trên bao bì sản phẩm thuốc lá
Cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá dần mất đi hiệu lực
Cuối năm 2012, Chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá quốc gia đã phối hợp với Trường Đại học Y tế công cộng nghiên cứu “Thử nghiệm mẫu cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc lá tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh".
Sau nhiều năm không thay đổi, những cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá dần mất đi hiệu lực |
Kết quả cho thấy, những hình ảnh về tác hại với răng miệng, ung thư phổi, ung thư cổ họng nhận được sự ủng hộ của đa số người được phỏng vấn. Nhiều thanh niên chia sẻ: “Chỉ cần nhìn những hình ảnh cũng sợ không dám động đến bao thuốc luôn”.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, so với cảnh báo bằng chữ đơn thuần thì in cảnh báo bằng hình ảnh có ưu điểm và hiệu quả rõ ràng, vì tác động trực quan đến người hút thuốc, thậm chí là những người mù chữ, người dân tộc và trẻ em.
Ở Singapore, một nghiên cứu chỉ ra, việc áp dụng in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh đã giúp 28% người hút thuốc ít đi, 14% người tránh hút thuốc trước mặt trẻ em và 12% tránh hút thuốc trước mặt phụ nữ có thai.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới cũng lưu ý, sau khoảng thời gian sử dụng từ 12 - 36 tháng, các cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh dần mất đi hiệu lực cảnh báo, do người tiêu dùng đã quen với các hình ảnh nên không cảm thấy sợ như lúc ban đầu. Vì vậy, sau 12 - 36 tháng nên thay đổi định kỳ các hình ảnh cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao bì thuốc lá.
Tại Việt Nam, năm 2013, Bộ Y tế và Bộ Công Thương ban hành Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BYT-BCT hướng dẫn việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá.
Theo đó, cảnh báo sức khỏe phải bảo đảm được in rõ nét và dễ nhìn trên mặt chính thức và mặt sau của bao bì thuốc lá, bảo đảm không bị che lấp hoặc che mờ bởi bất kỳ tài liệu, hình ảnh, thông tin nào khác, trừ việc dán tem thuốc lá theo quy định của pháp luật.
Trường hợp thuốc lá có nhiều bao bì thì cảnh báo sức khỏe phải được in trên tất cả bao bì theo quy định. Trường hợp bao bì thuốc lá có sử dụng bao bọc ngoài thì bao bọc ngoài phải trong suốt, không màu, không làm che lấp cảnh báo sức khỏe, trừ trường hợp bao bì thuốc lá có in logo chống hàng giả, hàng nhái của doanh nghiệp đã được đăng ký và bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam trước ngày 1/5/2013.
Liên Bộ Y tế - Bộ Công Thương cũng đã đưa ra 6 mẫu cảnh báo sức khỏe như: Hút thuốc lá gây hôi miệng và hỏng răng; hút thuốc lá gây ung thư phổi; hút thuốc gây ung thư họng, thanh quản; khói thuốc lá rất có hại cho thai nhi và trẻ nhỏ; hút thuốc gây bệnh tim mạch; hút thuốc dẫn đến cái chết từ từ và đau đớn.
Các mẫu cảnh báo sẽ sử dụng luân phiên. Trường hợp một nhãn hiệu thuốc lá có trên 6 loại sản phẩm, một nhà sản xuất có trên 6 nhãn hiệu thuốc lá thì phải in đồng thời đủ 6 mẫu cảnh báo sức khỏe. Mẫu cảnh báo sức khỏe của mỗi loại sản phẩm thuốc lá phải được thay đổi định kỳ 2 năm/lần.
Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, đi cùng với thông điệp về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người in trên bao bì thuốc lá của Việt Nam chưa có thay đổi về hình ảnh và nội dung. Đây là một trong những lý do khiến tỷ lệ hút thuốc lá của người dân Việt Nam còn cao.
Cần có chế tài đủ mạnh
Cũng theo Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BYT-BCT, diện tích in cảnh báo sức khỏe phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao bì thuốc lá.
Vậy nhưng qua khảo sát, diện tích này nhỏ hơn 25% so với diện tích in cảnh báo sức khỏe của các nước khác trong khu vực như Lào, Brunei và Myanmar (75%); một số quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan và Singapore đã thực hiện quy định in bao bì tiêu chuẩn (bao trơn) cho sản phẩm thuốc lá. Có quốc gia còn quy định diện tích cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá rất cao như Uruguay 80% cả hai mặt trước và sau; Australia, New Zealand 30% mặt trước và 90% mặt sau; Philippines 60% cả hai mặt trước và sau…
Mục đích của in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của hành vi hút thuốc lá; đồng thời, tăng các nỗ lực bỏ thuốc lá; khuyến khích người hút cai thuốc lá hoặc hút bớt đi, người không hút thuốc lá sẽ không bắt đầu hút, nhất là giúp ngăn ngừa thanh thiếu niên bắt đầu hút thuốc lá vì cảnh báo giúp họ nhận biết hút thuốc lá không làm họ hấp dẫn hơn mà chỉ làm cho họ bệnh tật và chết sớm hơn.
Chính vì vậy, nhiều khuyến cáo, Việt Nam cần tăng cảnh báo sức khỏe trên bao bì sản phẩm thuốc lá lên ít nhất 75% diện tích in cảnh báo. Vì thực tế hiện nay số trẻ hút thuốc lá vẫn cao.
Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá - cho biết, so với năm 2015, tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Nhưng đáng lo ngại, trên thị trường lại xuất hiện các sản phẩm như thuốc lá điện tử được mua bán, quảng cáo nhiều trên mạng xã hội và chủ yếu nhằm vào giới trẻ.
Theo Bộ Y tế, hút thuốc lá là nguyên nhân của 25 căn bệnh, trong đó có nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch…
Sử dụng thuốc lá tại Việt Nam là 1 trong 4 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cao, đặc biệt đối với nam giới thì thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong sớm, chiếm gần 11% tổng số ca tử vong.
Một nghiên cứu vào năm 2012 cho thấy, tại Việt Nam, chi phí y tế cho 5 trong số 25 loại bệnh liên quan đến thuốc lá như ung thư phổi, ung thư hô hấp tiêu hóa trên, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn… gần 24.680 tỷ đồng, tương đương với gần 1% GDP của Việt Nam. Bên cạnh đó, thuốc lá còn gây ra những ảnh hưởng có hại khác đến vệ sinh môi trường, nguy cơ cháy nổ…
Để giảm thiểu tiến tới ngăn chặng khói thuốc lá hủy hoại môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần có chế tài mạnh hơn nữa với những hành vi vi phạm trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Theo Điều 27 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, với hành vi không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật đối với thuốc lá sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng với cá nhân; từ 60 - 80 triệu đồng với tổ chức, bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong thời hạn từ 3 - 6 tháng và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi sản phẩm và khắc phục, loại bỏ yếu tố vi phạm, trường hợp không khắc phục được yếu tố vi phạm thì buộc tiêu hủy, nhiều người cho rằng chưa đủ mạnh để loại bỏ khói thuốc ra khỏi cộng đồng.
Tổ chức Y tế thế giới ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá và đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên tới 70.000 người, gần gấp 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ tại nước ta mỗi năm. |