Cần quyết tâm chính trị cao nếu thành lập đơn vị sở hữu vốn nhà nước
Thành lập cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn DNNN: Cần quyết tâm chính trị cao |
Có thể nói, chủ trương thành lập cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn DNNN do CIEM đưa ra thời gian qua đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ, liệu một cơ quan có quản lý nổi số vốn lên đến vài trăm tỷ USD, rồi cơ chế hoạt động như thế nào, liệu có ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa DNNN, thành lập cơ quan này liệu có khác gì so với để như hiện nay?
Tại hội thảo trên, các chuyên gia cho rằng, những lo ngại này hoàn toàn có cơ sở và người dân có quyền đặt câu hỏi. Tuy nhiên, sau một thời gian dài thực hiện quản lý DNNN theo mô hình cũ, tức là trực thuộc sự quản lý của các Bộ, ngành, khu vực DNNN đã bộc lộ rõ sự kém hiệu quả trong hoạt động, không minh bạch và gây thất thoát, lãng phí nguồn lực quốc gia.
Theo ông Dag Detter - Chuyên gia cố vấn của Ngân hàng Thế giới: Tài sản công là những công ty, tập đoàn Nhà nước, các ngân hàng… nếu được quản lý không tốt sẽ tác động lớn đến nền kinh tế và sự phát triển của quốc gia. Tại Việt Nam, theo thống kê tài sản DNNN chiếm tới 5.408,4 triệu USD, gấp 1,2 lần GDP và đây là khối tài sản rất lớn. Nếu khối tài sản này không được quản lý tốt, hoạt động kém hiệu quả không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của khu vực DN tư nhân.
Việc thành lập một cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn đối với DNNN là sáng kiến không chỉ của riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đã thực hiện - ông Dag Detter nhấn mạnh.
Cùng với quan điểm trên, ông William P. Mako - Chuyên gia cố vấn Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng: Cần tách quản lý DNNN ra khỏi các Bộ, ngành. Tuy nhiên, để mô hình này thành công thì cần phải có sự phân tích, đánh giá kỹ lưỡng và học hỏi những kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước để tìm ra một mô hình phù hợp với Việt Nam.
Đặc biệt, theo ông William P. Mako: Để mô hình này thành công, cần đề cao trách nhiệm giải trình và đưa ra cơ chế hoạt động rõ ràng và đảm bảo sự độc lập về chính trị. Có như vậy, mô hình này mới khác với cách quản lý DNNN hiện nay.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, muốn đạt được thành công, trước tiên, cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn DNNN cần phải đáp ứng được 3 yêu cầu hoạt động, bao gồm: Công khai minh bạch, hoạt động theo pháp luật và đề cao trách nhiệm giải trình. Nếu không đạt được 3 yêu cầu hoạt động này, thì dù có thành lập ra cũng không thể hoạt động hiệu quả được.
Ngoài những yếu tố trên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc tách DNNN ra khỏi các Bộ, ngành hiện nay là rất khó. Bởi nó sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của rất nhiều người, đặc biệt là những người đang làm việc tại các DN này. Vì thế, muốn làm được, cần có một quyết tâm chính trị rất lớn từ Chính phủ và các cơ quan chức năng.
Về vấn đề này, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng: Không nên băn khoăn về quyết tâm chính trị, bởi trước đây Luật Tổ chức Chính phủ các Bộ có chức năng chủ sở hữu, bây giờ chức năng ấy không còn. Vì thế, đây là cơ hội rất lớn để tách DNNN ra khỏi chủ sở hữu các Bộ, ngành.