Thứ hai 23/12/2024 20:29

Cân nhắc khi tăng thuế xuất khẩu phôi, giảm thuế nhập khẩu thép

Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế xuất khẩu phôi thép đồng thời giảm thuế nhập khẩu một số loại thép xây dựng tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020 về Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi. Thế nhưng, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng thời điểm này không phù hợp.

Điều chỉnh mức thuế suất để hạ nhiệt giá thép

Tại Dự thảo, Bộ Tài chính nhận định giá thép xây dựng trong nước liên tục tăng mạnh chủ yếu do tăng giá nguyên liệu sản xuất thép và ngành thép phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu từ bên ngoài. Tuy nhiên, việc giá thép tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ và giải ngân cũng như chi phí dự phòng của các dự án, đặc biệt các dự án đầu tư công; ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Bên cạnh đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối một số loại sắt thép xây dựng đã được áp dụng trong một thời gian dài với mức tương đối cao (lên đến 15%, 20% và 25%).

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến cho sản xuất thép của các đơn vị giảm sút

Để góp phần hạ giá mặt hàng thép xây dựng, thúc đẩy các doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao, Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phôi thép và mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của một số loại sắt thép. Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép (nhóm 72.06 và 72.07) từ 0% lên 5%. Ở chiều ngược lại, cơ quan soạn thảo đề xuất giảm thuế nhập khẩu đối với thép cốt bê tông từ 20% xuống 15%; thuế nhập khẩu với thép góc, khuôn, hình và thép có răng khía từ 15% xuống 10%; giảm thuế nhập khẩu đối với nhóm sắt thép không hợp kim cán phẳng thuộc 8 mã hàng từ mức 20% và 25% xuống còn 15%.

Bộ Tài chính phân tích, việc điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nêu trên tuy có một số ảnh hưởng làm giảm thu ngân sách nhà nước nhưng mức ảnh hưởng dự báo không lớn do nhu cầu nhập khẩu các loại sắt thép này hiện nay là không cao. Đây là những loại thép mà trong nước cũng đã sản xuất được và cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đầu tư, đổi mới công nghệ để giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm thép nhập khẩu, qua đó góp phần bình ổn thị trường trong nước, đồng thời, thúc đẩy ngành thép phát triển bền vững.

Đề xuất tăng thuế xuất khẩu phôi, giảm thuế nhập khẩu thép có đúng thời điểm?

Trước đề xuất của Bộ Tài chính, về phía Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết đang tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp thành viên hiệp hội để kiến nghị Bộ Tài chính về nội dung này.

Một số doanh nghiệp cho rằng, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp khiến sản xuất thép có dấu hiệu đi xuống. Nhiều nhà máy ở phía Nam hiện nay gần như đình đốn sản xuất, không bán được hàng do các địa phương "đóng cửa" để phòng dịch bệnh. Bên cạnh đó, giá thép trong nước đang trên đà đi xuống.

Đại diện một doanh nghiệp thép bày tỏ, thị trường thép thời gian vừa qua biến động do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ. Bộ Công Thương và liên ngành cũng đã kiểm tra thực tế các doanh nghiệp và yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất tối đa đáp ứng nhu cầu thị trường.

Kết quả của đoàn kiểm tra ghi nhận thực tế tình hình sản xuất kinh doanh và biến động giá bán các sản phẩm thép chủ yếu do biến động của nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất thép (quặng sắt, phế liệu, than,..). Các doanh nghiệp ngành thép đã khai thác tối đa sản lượng công suất thiết kế để phục vụ thị trường.

Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, sản xuất thép thô 6 tháng năm 2021 đạt trên 10 triệu tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản xuất thép xây dựng đạt 5,6 triệu tấn, tăng 11,6% so với cùng kỳ 2020.

Trong khi đó hơn 1 tháng qua thị trường thép đã liên tục giảm, từ mức trên 18 triệu/tấn tại nhà máy xuống mức hơn 16 triệu/tấn, thị trường đã bình ổn trở lại nhưng việc bán hàng của doanh nghiệp thép gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh kéo dài, tồn kho tăng cao. Tại một số nhà máy, tồn kho 6 tháng 2021 đã tăng 33% so với 6 tháng cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm sản xuất.

"Việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế xuất khẩu phôi thép, giảm thuế nhập thép xây dựng trong thời kỳ dịch bệnh kéo dài là không phù hợp. Nhu cầu trong nước không hấp thụ hết phải xuất khẩu. Nếu tăng thuế xuất khẩu doanh nghiệp sẽ gặp phải khó khăn kép về kênh bán hàng và hiệu quả sản xuất kinh doanh", đại diện doanh nghiệp thép cho biết.

Một chuyên gia ngành thép cho biết, các doanh nghiệp trong ngành thép những năm qua đã đầu tư nâng công suất, chất lượng sản phẩm để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Việc hạn chế xuất khẩu sẽ khiến công suất dư thừa. Trong khi, việc giảm thuế nhập khẩu sẽ làm thép từ bên ngoài tràn vào, đe dọa đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Điều này hoàn toàn không có lợi cho sản xuất kinh doanh thép trong nước.

Theo các ý kiến của doanh nghiệp và Hiệp hội Thép, Chính phủ đang thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Việc đề xuất điều chỉnh các thuế với ngành thép như trên sẽ ảnh hưởng lớn tới sản xuất trong nước và hàng nghìn lao động đang gặp khó khăn do dịch sẽ gặp thêm khó khăn do bị cắt giảm việc làm, thu nhập.

Trước đó, đối với mặt hàng thép xây dựng, lãnh đạo Chính phủ đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước; nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm; giao Bộ Xây dựng chủ động nghiên cứu, hướng dẫn thay đổi công nghệ xây dựng nhằm giảm tải lượng thép tiêu thụ trong các công trình xây dựng…

Về giải pháp dài hạn ổn định cung-cầu, đối với thép xây dựng, Bộ Công Thương cho biết, sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại để giúp cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển và đáp ứng đủ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu.

Lan Anh

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hoá: Xử phạt Công ty Cổ phần Xây lắp điện và dịch vụ điện Tín Nghĩa

Tiktoker Dưỡng Dướng Dường tiếp tục bị phạt

Cần Thơ: Cưỡng chế thuế đối với Công ty Cổ phần Trung Sơn

Bạc Liêu: Công ty Vật liệu xây dựng Phúc Lộc Thọ bị cưỡng chế thuế

Phú Quốc: Đầu tư tiền tỷ cải tạo vườn hoang, bị kiến nghị phạt tội huỷ hoại đất

Thực hư thị trường cao hổ bạc tỷ - Bài 1: Những toán người bí ẩn trong ngôi nhà cổ

Thanh tra TP. Hồ Chí Minh: Công ty Công Ích quận 7 thu lợi gần 6 tỷ đồng không đúng quy định

Hà Nội: Làm rõ trách nhiệm vụ tưới xăng đốt quán cà phê khiến 11 người tử vong

Cần Thơ: Cưỡng chế thuế Công ty CP Thương mại và Đầu tư Công nghệ Ecotech Việt Nam

Hà Nội: Nghi phạm đốt quán hát khiến 11 người tử vong có 2 tiền án

Đắk Lắk: Cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn 4 doanh nghiệp nợ thuế

Lào Cai: Công khai thông tin 7 doanh nghiệp, hợp tác xã nợ thuế trên địa bàn huyện Bắc Hà

Quảng Bình: Khởi tố 7 bị can hành vi lừa đảo trên không gian mạng

Cảnh sát giao thông Đắk Lắk phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển gần 70 kg pháo hoa nổ lậu

Thanh Hóa: Bắt 5 đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán pháo nổ liên tỉnh

Thanh Hóa: Kiểm điểm trách nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Thạch Thành

Lào Cai: Tạm hoãn xuất cảnh 3 giám đốc doanh nghiệp nợ thuế

Nghệ An: Phá đường dây mua bán trái phép hơn 500 tài khoản ngân hàng để lừa đảo và rửa tiền

Vĩnh Long: Công ty Cổ phần cảng Bình Minh nợ thuế hơn 36 tỷ đồng

Đồng Tháp: Cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn Công ty TNHH Nguyễn Vang do nợ thuế hơn 9,6 tỷ đồng