Thứ sáu 22/11/2024 23:20

Cần có chính sách đặc thù cho sĩ quan Quân đội ở vùng sâu, vùng xa

Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị sửa đổi độ tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan Quân đội và chính sách tiền lương sau khi nghỉ hưu phù hợp với đặc thù ngành.

Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999 được Quốc hội khóa X thông qua tại Kỳ họp thứ sáu ngày 21/12/1999, có hiệu lực từ ngày 1/4/2000 và đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2008 và 2014.

Qua gần 10 năm thực hiện, Luật đã tạo động lực cho đội ngũ sĩ quan phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị sửa đổi độ tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan Quân đội và chính sách tiền lương sau khi nghỉ hưu phù hợp với đặc thù của ngành. - Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Luật Sĩ quan đã xuất hiện những vướng mắc, bất cập như: Chức vụ của sĩ quan; tuổi phục vụ tại ngũ; trần quân hàm cấp tướng; thời hạn xét thăng quân hàm cấp úy; chế độ và chính sách đối với sĩ quan. Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam để khắc phục những bất cập này.

Mới đây, tiếp tục Chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 24, Ủy ban Pháp luật thẩm tra các Tờ trình của Chính phủ về đề nghị bổ sung dự án Luật Dữ liệu và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 tại Hà Giang, nhiều đại biểu cho rằng việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam theo trình tự, thủ tục rút gọn và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) là cần thiết. Điều này nhằm bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

Sửa đổi độ tuổi phục vụ tại ngũ và chính sách tiền lương

Cũng tại chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 24, đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông cho rằng, việc này nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại trong tình hình mới, đảm bảo quân đội sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Chinhphu.vn

Đại biểu Trần Đình Gia cũng khẳng định, việc sửa đổi Luật phải đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời khắc phục các vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành Luật hiện tại. Ông cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến đã phản ánh và kiến nghị về sự cần thiết sớm sửa đổi Luật Sĩ quan để đảm bảo phù hợp và đồng bộ với các luật hiện hành như: Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Theo ông Trần Đình Gia, quá trình xây dựng và ban hành dự luật cần đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ tác động của các chính sách đề xuất để đảm bảo các quy định sửa đổi, bổ sung phù hợp với xu thế phát triển kinh tế, xã hội và các văn bản pháp luật liên quan.

Đặc biệt, cần nghiên cứu chế độ chính sách về tiền lương cho lực lượng vũ trang, nâng cao đời sống vật chất cho cán bộ, sĩ quan, đồng thời sửa đổi độ tuổi phục vụ tại ngũ và chính sách tiền lương sau khi nghỉ hưu để phù hợp với đặc thù của lực lượng vũ trang, tương thích với các văn bản pháp luật khác và đáp ứng đời sống của sĩ quan sau khi nghỉ hưu.

Có chính sách đặc thù cho sĩ quan ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, cũng tán thành việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông nhất trí với trình tự, thủ tục xây dựng Luật và thời gian dự kiến trình thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức, xây dựng quân đội trong giai đoạn hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận - Ảnh: Chinhphu.vn

Tuy nhiên, đại biểu Thuận đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung cơ sở thực tiễn công tác của sĩ quan ở các đơn vị vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, nhằm có chính sách đặc thù về quân hàm, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu.

Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất rằng quy định hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan cần cân đối với các quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội. Trong năm 2023, để đảm bảo tương thích với Bộ luật Lao động, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân đã quy định tăng độ tuổi phục vụ của hạ sĩ quan, sĩ quan Công an nhân dân từ 02 đến 05 tuổi, thực hiện theo lộ trình về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động như quy định của Bộ luật Lao động.

Vì vậy, đại biểu Thuận đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về lộ trình thực hiện tăng hạn tuổi phục vụ để đảm bảo tính tương quan giữa lực lượng Quân đội Nhân dân và lực lượng Công an Nhân dân, cũng như tính tương thích với các luật liên quan khác. Ông cũng nhấn mạnh cần đánh giá tác động kỹ lưỡng về việc nâng hạn tuổi phục vụ, đưa ra các tiêu chí cụ thể (như cấp bậc hàm, chức vụ, chức danh, giới…) để thuyết phục việc tăng hạn tuổi phục vụ từ 01 đến 04 tuổi đối với sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đại biểu cũng lưu ý rằng, đối với sĩ quan cấp tướng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, cân nhắc để đảm bảo phù hợp với thực tiễn và tương thích với Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành. Cụ thể, Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện hành quy định tuổi nghỉ hưu của sĩ quan cấp tướng là 60 đối với nam và 55 đối với nữ, phù hợp với Bộ luật Lao động trước khi sửa đổi năm 2019. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 đã nâng hạn tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân năm 2023 cũng đã nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ đối với sĩ quan cấp tướng lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.

Do đó, ông Thuận đề nghị cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng tác động đối với từng đối tượng, có số liệu minh chứng và cân nhắc lựa chọn giải pháp phù hợp.

Làm rõ số lượng sĩ quan tiếp tục phục vụ tại ngũ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cũng bày tỏ đồng tình với sự cần thiết xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, ông cho rằng phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật cần mở rộng hơn, do bên cạnh ba chính sách được đề xuất, vẫn còn nhiều bất cập khác cần được nghiên cứu và sửa đổi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong - Ảnh: Chinhphu.vn

Về chính sách nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan, đại biểu Phong lưu ý cần làm rõ số lượng sĩ quan sẽ tiếp tục phục vụ sau khi Luật có hiệu lực và bổ sung đánh giá tác động về tài chính, ngân sách nhà nước (bao gồm tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội) và Quỹ Bảo hiểm xã hội (đặc biệt là quỹ hưu trí và tử tuất) để làm căn cứ quyết định.

Ngoài ra, về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông đề nghị rà soát cụ thể số lượng vị trí quân hàm cao nhất hiện nay, đảm bảo việc sửa đổi không làm vượt quá số lượng cấp tướng đã được quy định. Trường hợp có vượt quá, cần được báo cáo và làm rõ.

Các đại biểu cũng lưu ý rằng để Luật có hiệu lực thi hành ngay, cơ quan chủ trì soạn thảo cần chuẩn bị đầy đủ nội dung dự thảo nghị định, thông tư hướng dẫn các nội dung được quy định trong Luật.

Vừa qua, tại phiên họp ngày 23/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Dự án Luật sẽ được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Dự án Luật tập trung vào ba chính sách chính gồm: Hoàn thiện quy định về chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam; quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Thế Duy

Tin cùng chuyên mục

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long thị sát một số dự án trọng điểm tại tỉnh Quảng Trị

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải được bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Xung lực mới nâng tầm quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam - Bulgaria

Bộ Công Thương tiên phong cắt giảm, đơn giản thủ tục kinh doanh

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và phát biểu tại Trường Đại học Quốc gia Malaya

Bế mạc Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ X

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài: Cần đẩy nhanh đầu tư các dự án năng lượng tái tạo

Đề xuất lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia

Kinh doanh trên sàn thương mại điện tử phải nộp thuế

Nhiều tham luận tại Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Chuyến công tác của Thủ tướng khẳng định uy tín, tạo động lực mới cho quan hệ Việt Nam-Brazil và Việt Nam-Dominica

Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số

Khai mạc Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ X

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quan hệ Việt Nam - Cộng hòa Dominica đang mở ra nhiều triển vọng hợp tác

Thủ tướng đề nghị triển khai ngay các dự án thương mại, đầu tư Việt Nam-Dominica

Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Cộng hòa Dominica

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Thượng viện Malaysia

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Hạ viện Malaysia tăng cường hợp tác chặt chẽ với Quốc hội Việt Nam

Việt Nam và Malaysia nhất trí thúc đẩy hợp tác hải quân

Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Malaysia