Cảm ơn nghề báo
Đất nước mình, đâu cũng đẹp như tranh...
Gần 20 năm “đi và viết”, phải thú nhận, có đôi khi tôi không khỏi mệt mỏi và chán chường nhưng trong chốc lát giật mình nhìn lại, tôi cảm ơn nghề báo đã cho mình những cơ hội để in dấu chân trên những nẻo đường của đất nước mà đâu đâu “cũng đẹp như tranh”.
Một góc phiên chợ Bắc Hà (Lào Cai) |
Cho đến nay, sau gần 2 thập kỷ đồng hành với nghề nhưng nhắm mắt lại, tôi vẫn nhớ nhất chuyến công tác tới Bắc Hà (Lào Cai) - địa danh không phải quá xa xôi, khó đến nhất, nhưng lại in dấu nhiều kỷ niệm nhất.
Tôi nhớ, đường lên Bắc Hà ngày ấy uốn cong khúc khuỷu như những con bạch xà, khiến tôi say xe đến mềm người. Thế nhưng, lướt qua những tên là lạ như: Cán Cấu, Nàn Xín, Nàn Xán… và cả những màn sương mỏng tang chấp chới bay... thì tôi choàng tỉnh, tan biến sự mệt mỏi.
Tuy nhiên, điều làm tôi nhớ nhất về Bắc Hà lại là cách chào đón của những con người nơi đây. Dù không hẹn trước, nhưng khi trình giấy giới thiệu của cơ quan về chuyến công tác tại địa phương, anh Chánh văn phòng UBND huyện Bắc Hà tiếp chúng tôi niềm nở, thân tình, khiến tôi có cảm giác mình như một người con của quê hương lâu ngày trở về chứ không giản đơn là nhà báo đi tác nghiệp. Trưa hôm đó, bên chén rượu ngô, anh còn say sưa kể cho chúng tôi nghe về “đặc sản” quê mình. Rằng, khi đất trời vào xuân, Bắc Hà trắng cả trời hoa mận; rồi vào hạ, mận chín đỏ vườn, đây cũng là lúc Bắc Hà tổ chức giải đua ngựa thồ truyền thống - Lễ hội có gần 100 năm tuổi.
Không chỉ có danh lam, thắng cảnh, Bắc Hà còn có cả nền văn hóa ẩm thực phong phú và những ngôi nhà sàn đơn sơ ở Tà Chải, Na Hối, Bản Phố, Bảo Nhai… khiến ai ai dù lần đầu đặt chân đến cũng hài lòng. Chẳng phải thế mà Fraisine - cô gái người Pháp chúng tôi gặp ở chợ phiên Bắc Hà hôm đó, luôn tỏ ra thích thú khi vừa chiêm ngưỡng điệu xòe Tà Chải vừa thưởng thức món nếp nương thơm nồng và hẹn sẽ nhất định trở lại.
Cùng với sự dịch chuyển thời gian, những chuyến công tác của tôi nhiều hơn đến các vùng đất mới. Tôi nhớ Cần Thơ với những cánh đồng lúa xanh mướt trải dải tới chân trời và những vườn cây trái trĩu quả; chiều tà có những cánh cò trắng chao lượn phủ kín một góc trời. Hay nhớ hoa ban nở trắng trên Mường Nhé- Điện Biên; rồi những đợt gió rét mùa đông ào ạt tới, nấp trong chợ phiên phố núi đợi một người... tự dưng, thấy ấm áp đến lạ kỳ.
Càng đi càng thêm yêu cuộc sống
Nhờ công việc, tôi được rong ruổi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, có khi chỉ lướt qua, thoáng nghe, nhưng cũng có những câu chuyện nghe xong mà lòng mãi rưng rưng.
Đó là câu chuyện về cậu bé “Ngày 30 mẹ về”- Nguyễn Minh Hiếu ở Hậu Giang. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sở dĩ em được đặt cho cái tên “Ngày 30 mẹ về” là bởi vì mong muốn cho con có cái ăn, cái mặc, được đến trường và được đi trên con đường tươi sáng hơn, mẹ Hiếu đã phải rời xa đứa con từ lúc rất nhỏ, với lời hẹn: Ngày 30 mỗi tháng mẹ sẽ về. Vậy là, ngày ngày cậu bé côi cút cố gắng thật ngoan, đến trường học thật tốt, làm việc thật chăm, để ngày 30 cuối mỗi tháng được gặp mẹ, ngủ cùng mẹ. Với em, đó là hạnh phúc vô bờ bến.
Không giống như hoàn cảnh của Hiếu nhưng nụ cười hiền lành của anh Triệu Văn Liều, ở xóm Bến Thân, huyện Tân Sơn, Phú Thọ khi kể về hành trình vượt lên thoát nghèo, cũng khiến tôi không thể quên. Cũng như nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở Bến Thân, trước đây gia đình anh Liều chỉ lên rừng đào củ mài để ăn hay kiếm măng mang ra chợ bán lấy tiền đong gạo. Cái ăn không đủ nên nhiều lúc anh đã nghĩ cho các con nghỉ học. Song vợ chồng anh nghĩ lại, nếu chúng không được học hành sẽ mãi mãi nghèo đói như mình. Vậy nên, khi được xã tuyên truyền có Chương trình 30a của Chính phủ (Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững), gia đình anh đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi 30 triệu đồng. Số tiền ấy, anh mua trâu và khai hoang đất để trồng 1 ha rừng, 4 sào ngô, 3 sào lúa. Sau 3 năm lao động miệt mài, giờ gia đình anh Liều không chỉ thoát nghèo mà còn giúp đỡ được nhiều bà con trong thôn cùng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trò chuyện với phóng viên, anh Liều chỉ cười và bảo “không biết nói hay để đăng báo đâu, chỉ mong muốn có thêm điều kiện để giúp đỡ bà con trong thôn có cái ăn, con cái cũng được đi học như con mình là mừng lắm”.
Đó chỉ là một vài trong hàng trăm câu chuyện về những con người khó khăn nhưng luôn tin yêu vào cuộc sống; biết san sẻ với mọi người. Bất giác, tôi nhớ đến cô tình nguyện viên tên Trang gầy gò đã gặp trong chuyến công tác tại Quảng Nam 5 năm trước. Vừa thoăn thoắt bê những thùng hàng lương thực cứu trợ cho bà con, Trang vừa cười, nói: “Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm vô cùng thú vị, việc được sẻ chia tình yêu thương cho những số phận khó khăn nơi xa chính là mình đang nhận lại những niềm vui”.
Cuộc sống mãi là bất tận và nghề tôi đã chọn cũng không có khái niệm “điểm đến cuối cùng”. Vì thế, mỗi chuyến tôi đã đi qua và sắp tới sẽ tiếp tục là những trải nghiệm khó quên và chan chứa yêu thương về đất và người ở dải đất hình chữ “S” thân thương. |