Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại Hà Nội: Sẽ có cơ chế, chính sách phù hợp
Chỉ 1% được cải tạo
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện tại, trên địa bàn thành phố có 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954. Các chung cư xuống cấp, nguy hiểm tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử.
Nhiều chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm cho người dân |
Hiện trạng quản lý, sử dụng phức tạp, đan xen trách nhiệm, quyền sử dụng giữa tư nhân, tổ chức, nhà nước. Một số khu có xen kẽ các công trình nhà ở thấp tầng, trụ sở cơ quan, văn phòng, dịch vụ thương mại, hạ tầng xã hội... Diện tích căn hộ chung cư cũ nhỏ dưới 30m2, 30-50m2/căn. Tình trạng quá tải số người ở tại các căn hộ không đảm bảo tiêu chuẩn sử dụng. Nhiều hộ dân đã tự cơi nới, sửa chữa, ảnh hưởng kỹ thuật và mỹ quan đô thị; có hiện tượng cơi nới lấn chiếm không gian chung. Do không được duy tu bảo trì thường xuyên, hệ thống hạ tầng đô thị hư hại, dẫn đến nhiều chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, hư hại nặng, nguy hiểm cho người dân.
Từ năm 2007 đến nay, Hà Nội mới có 18 dự án chung cư cũ được xây dựng lại, đã đưa vào sử dụng, chiếm khoảng 1,14% tổng số nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại.
Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, muốn cải tạo chung cư cũ cần hợp chung 5 yếu tố để đánh giá: Kiểm định an toàn của chung cư; chất lượng sống ở các khu chung cư; môi trường sống, gắn với hạ tầng kỹ thuật xung quanh; vị trí của các khu chung cư; cần tính đến giá trị văn hóa của các chung cư cũ này, đặt vấn đề những công trình có giá trị về kiến trúc, giá trị về văn hóa…
Nhóm giải pháp trọng tâm
Để giải quyết dứt điểm các khu chung cư cũ đã xuống cấp, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng Đề án khung, cơ chế, chính sách cải tạo chung cư cũ, mang tính tổng thể hơn. Không chỉ đề xuất cơ chế, chính sách mà cả giải pháp. Đề án mới còn có phương án tái định cư cho các nhà ở riêng, trụ sở cơ quan.
Ngày 17/4/2021, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố cũng đã có Tờ trình số 212-TTr/BCSĐ đề nghị Thành ủy xem xét, thông qua chủ trương “Đề án nghiên cứu, xây dựng khung cơ chế, chính sách cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố diễn ra ngày 11/5, ông Võ Nguyên Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội- cho biết, trên cơ sở đánh giá những khó khăn vướng mắc quá trình triển khai thực hiện, Đề án đã đưa ra các nhóm giải pháp trọng tâm để thúc đẩy công tác này. Theo đó, từ năm 2021-2022, thực hiện kiểm định 126 chung cư có tình trạng kỹ thuật mức 2 đã được thành phố chấp thuận; rà soát, kiểm định 19 khu chung cư cũ đã báo cáo ý tưởng quy hoạch (có nhà nguy hiểm cấp D, cấp C cận D). Từ năm 2021-2025 tổ chức tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định chi tiết đối với toàn bộ các chung cư còn lại.
Nhóm giải pháp đưa ra việc phân cấp cho UBND cấp quận, huyện tổ chức thực hiện lựa chọn đơn vị kiểm định chung cư cũ độc lập, đơn lẻ; ban hành kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ giai đoạn 2021-2025 đối với các chung cư cũ đã có kết quả kiểm định để triển khai thực hiện quy trình dự án đầu tư; kế hoạch và bố trí nguồn vốn; lập các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, ưu đãi đầu tư...
Góp ý cho Đề án, ông Nguyễn Trọng Đông - Phó Chủ tịch UBND thành phố - cho rằng, cần rà soát lại các khu chung cư cũ đã thực hiện cải tạo, tổng kết các chính sách thời gian qua. Hiện, tất cả chung cư cũ trên địa bàn thành phố đều đã hết niên hạn sử dụng nên cần tập trung bố trí ngân sách để lập quy hoạch, từ đó kêu gọi chủ đầu tư tham gia.
“Hà Nội chủ trương xã hội hóa trong thực hiện cải tạo chung cư cũ. Do đó, với những nội dung khó thực hiện, đặc biệt là vấn đề hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, người dân, nên chăng thành phố có thể lấy ngân sách bù trừ, để nhà đầu tư tham gia được...” - ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND thành phố nêu ý kiến.
Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh khẳng định, công tác cải tạo chung cư cũ là rất quan trọng, cấp thiết, được nêu rõ tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thời gian qua, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong việc sửa đổi bổ sung Nghị định 101/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Việc cải tạo chung cư cũ hiện nay còn vướng mắc nằm ở Luật Nhà ở và trong thời gian tới khi tổng kết, sửa đổi Luật Thủ đô, cần sửa đổi, bổ sung các nội dung chính sách đặc thù. Thành phố sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội để có nghị quyết cho thành phố thực hiện một số nội dung chưa có trong quy định pháp luật...
Ông Chu Ngọc Anh yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu tối đa ý kiến, báo cáo Thường trực Thành ủy để hoàn thiện Đề án thực sự khả thi, thuyết phục khi trình Quốc hội ban hành nghị quyết... Đặc biệt, tờ trình cần nhấn mạnh thêm sự cần thiết, cơ sở pháp lý, cơ sở chính trị; trách nhiệm của thành phố, phối hợp giữa các khâu, phân cấp trong các nội dung liên quan...
Đề án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP. Hà Nội đưa ra lộ trình: Giai đoạn 2021-2022, TP. Hà Nội thực hiện kiểm định 126 chung cư có tình trạng kỹ thuật mức 2; giai đoạn 2021-2025 sẽ tổng kiểm tra, rà soát, điều tra, hoàn tất các thủ tục pháp lý, tạo cơ sở cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ. |