Cải cách thủ tục hành chính: Để người dân, doanh nghiệp không phải "đi xin, đi chạy"
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, nhiều thủ tục hành chính được giảm bớt, thời gian tiếp cận cũng nhanh hơn, Chính phủ điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng đi vào thực tế. Tuy nhiên, người dân, doanh nghiệp thường hướng đến sự gọn nhẹ, thuận lợi hơn nữa. Ở đây, chúng ta đang so sánh cái "đạt được" và "mong muốn".
Cần thực hiện quyết liệt, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính |
Trước hết, về những kết quả đạt được, trong báo cáo mới đây của Chính phủ đã nêu rõ, từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 400 thủ tục hành chính, hơn 2.200 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Trong đó, các bộ, cơ quan ngang bộ đã thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa 395 quy định kinh doanh tại 52 văn bản quy phạm pháp luật và thực thi phương án phân cấp 81 thủ tục hành chính tại 15 văn bản quy phạm pháp luật; phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hoá hơn 1.100 quy định và phân cấp thẩm quyền giải quyết gần 700 thủ tục hành chính; đang tập trung rà soát, đơn giản hóa 59 nhóm thủ tục hành chính nội bộ trọng tâm ưu tiên trên 12 lĩnh vực.
Đặc biệt, cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số đạt được những kết quả nổi bật như tích hợp, cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và 21/25 dịch vụ công thiết yếu. Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được đẩy mạnh.
Bằng chứng là đã có 25,9% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng, tăng 5 lần so với tháng 9/2022; 62,7% hồ sơ thủ tục hành chính được số hóa, trong đó có 25% được số hóa toàn trình từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả theo đúng quy định, tăng 4 lần so với tháng 9/2022...
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, thủ tục hành chính của nhiều ngành, lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp gây khó khăn, tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; việc cắt giảm, đơn giản hóa, nhất là thủ tục hành chính nội bộ còn chậm; còn phát sinh một số thủ tục hành chính mới; việc triển khai số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn cát cứ, cục bộ, chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí tiêu cực...
Vì vậy, giữa cái "đạt được" và "mong muốn" vẫn còn những khoảng cách nhất định.
Có chuyên gia nhận định, nhiều thủ tục đã giảm đi, nhưng nhiều khi người làm thủ tục vẫn gây khó khăn. Do đó, người dân và doanh nghiệp đều hy vọng giảm thiểu thủ tục rườm rà, tăng cường ý thức, đạo đức của người thực thi công vụ.
Dẫn ví dụ, ngành y tế, tại bệnh viện có thủ tục 17 bước, nay chỉ còn 5 bước, thủ tục hành chính giảm nhẹ, nhưng vẫn xảy ra hiện tượng người thực thi "vin" vào chính những bước đã rút gọn để gây khó khăn, hoặc có vẻ gây khó khăn.
Trong nhiều ngành khác, cũng bắt gặp những "điểm nghẽn" liên quan tới thủ tục hành chính. Tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An - đoàn Đồng Nai đã bày tỏ thẳng thắn, đó là cần tiếp tục rà soát để đơn giản thủ tục hành chính một cách thực chất hơn. Đặc biệt, phải thay đổi văn hóa doanh nghiệp phải “đi xin, đi chạy”, chính quyền và nhà quản lý cần thể hiện thái độ phục sự doanh nghiệp, chủ động, thực tâm, thực lòng đến với doanh nghiệp để gỡ khó.
"Những việc cần làm để hệ thống doanh nghiệp phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, các bộ, ngành, đến khi giải quyết được thì doanh nghiệp đã “gần đất, xa trời” - ông Trịnh Xuân An nhấn mạnh.
Vị đại biểu này cũng cho rằng, đối với những dự án pháp lý đầy đủ và làm đúng quy trình, các địa phương cần ký để triển khai ngay, tránh việc cứ rà soát mãi nhưng cả năm không ra đời được dự án nào. Trong bối cảnh khó khăn, cần bớt các nội dung kiểm tra, thanh tra làm khó doanh nghiệp để tránh tình trạng doanh nghiệp cứ phải lao đao đi giải trình lên xuống.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Vũ Tiến Lộc - đoàn Hà Nội cũng nêu thực trạng, các vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính cần được giải quyết nhanh chóng hơn, để các dự án bất động sản và các dự án sản xuất, kinh doanh khác được triển khai, tạo việc làm cho người lao động, đem về doanh thu và tăng khả năng trả nợ cho doanh nghiệp. 70% các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, được phản ánh là đang gặp khó khăn về pháp lý. Đó là sự cảnh báo về tình trạng trì trệ nghiêm trọng.
“Thúc đẩy cải cách thể chế , hoàn thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế lại một lần nữa đang là vấn đề cấp bách phải được đặt ra” - ông Vũ Tiến Lộc nói, đồng thời bày tỏ tiếc nuối, khi năm nay, Chính phủ đã không còn ban hành một Nghị quyết riêng về cải thiện môi trường kinh doanh, năng cao cao năng lực cạnh tranh quốc gia như Nghị quyết 19, Nghị quyết 02 của những năm trước đây mà chỉ đề cập đến các nội dung này trong một đề mục của Nghị quyết chung về phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị, từ năm 2024, Chính phủ nên khôi phục lại việc ban hành hàng năm Nghị quyết quan trọng trên để có thể đóng vai trò là "kim chỉ nam", chương trình tổng thể và thước đo cho hành động quốc gia nâng cao chất lượng thể chế với tiêu chí và mục tiêu cụ thể, cân đong đo đếm được, nhằm tạo áp lực và động lực cho chương trình cải cách của Bộ, ngành địa phương trong bối cảnh mới.