Cách nào thu hút nguồn vốn hiệu quả cho những dự án PPP?
Nhiều dự án PPP khó huy động vốn
Theo các chuyên gia, các dự án PPP là rất cần thiết để thúc đẩy nhanh quá trình phát triển hạ tầng ở TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Bởi trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách chưa đáp ứng thì việc huy động vốn qua hình thức hợp đồng đối tác công - tư (PPP) là tất yếu.
Tuy vậy, ông Trương Trọng Nghĩa - Đại biểu Quốc hội, Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH YKVN nhận định, Việt Nam hiện đang còn khó khăn trong việc huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng, ngân sách nhà nước phải dành 5,7% GDP để đầu tư cơ sở hạ tầng. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025 Việt Nam có 157 dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài thuộc các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông; hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; hạ tầng năng lượng; hạ tầng công nghệ thông tin; hệ thống xử lý rác, nước thải; hạ tầng giáo dục và y tế; hạ tầng văn hóa, thể thảo, du lịch; ngành nông, lâm, thủy sản; lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Đặc biệt, trong 24 dự án hạ tầng giao thông, có tới 23 dự án kêu gọi đầu tư PPP.
Ảnh minh họa |
Điển hình như TP. Hồ Chí Minh, theo số liệu mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (DPI), thành phố hiện có 22 dự án đầu tư công với tổng mức đầu tư là 64.244 tỷ đồng nhưng mới chỉ có phân nửa dự án đã hoàn thành công tác xây dựng hoặc đang trong giai đoạn thực hiện hợp đồng, số còn lại chưa hoàn thành công tác thi công xây dựng do thiếu vốn.
Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư, việc huy động nguồn vốn dồi dào từ khu vực tư nhân là rất cần thiết. Dù vậy, việc thu hút đầu tư theo hình thức này lại đang gặp vướng mắc trong do chưa có quy định, trình tự, thẩm quyền đối với các dự án PPP chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, dẫn tới tranh chấp…
Gỡ rào cản để hút nguồn đầu tư
Theo TS. Lê Nết - Luật sư thành viên, Công ty Luật LNT&Partners, về mặt pháp lý, nên có những quy định rõ ràng, an toàn, thủ tục nhanh gọn; về mặt tài chính, chi phí đền bù giải tỏa thỏa đáng, chia sẻ rủi ro và các chi phí khác với nhà đầu tư; đặc biệt, có những cơ chế chính sách, ưu đãi đối với nhà đầu tư như cam kết không cạnh tranh, tiền thuê đất, thuế,…
TS. Lê Nết cũng cho rằng, nhà đầu tư hiện nay còn băn khoăn về “KPI” của nhà nước đối với một dự án PPP thành công liên quan đến thời gian chuyển giao cho Nhà nước, vai trò - vị trí của dự án trong tổng thể phát triển kinh tế quốc phòng xã hội của vùng, ngành… Bởi lẽ những vấn đề này chưa được làm rõ nên nhà đầu tư khó có kế hoạch thực hiện để đem lại hiệu quả tối ưu cho dự án PPP.
Từ kinh nghiệm của quốc tế, ông Leif Schneider - Phó Chủ tịch Tiểu ban Pháp luật Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) nhìn nhận rằng: Dự án PPP tại Việt Nam nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng vẫn cần có thêm thời gian để thực hiện các phép thử nhằm đánh giá xem khung pháp lý mới mà luật PPP đặt ra có thực sự hiệu quả hay không.
Để thu hút hơn các nguồn vốn đầu tư vào dự án PPP, theo đại diện từ Eurocham, các cơ quan có thẩm quyền ở TP. Hồ Chí Minh cần phải có sự đồng hành, hỗ trợ tích cực cho các nhà đầu tư. Cụ thể là cần phải có sự linh hoạt hơn trong các điều khoản, nội dung và điều kiện của hợp đồng PPP; vấn đề quản lý, giám sát dự án cũng cần được đầu tư hơn về mặt nguồn lực để đảm bảo tính hiệu quả, liên tục.
Ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC): Thời gian qua theo đánh giá từ VIAC, các tranh chấp liên quan đến dự án PPP đang ngày càng tăng, tính chất cũng dần phức tạp hơn, dẫn đến nhiều thiệt hại về cả vật chất và uy tín của các bên. Để thực hiện một dự án PPP hiệu quả, bên cạnh các yếu tố về tính chất dự án, tài chính, nguồn lực, ông Bắc cho rằng nhà đầu tư cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng về những rủi ro có thể phát sinh để có phương án kiểm soát hiệu quả, hạn chế tối đa các tranh chấp không đáng có. |