Các 'ông lớn' ngành ô tô ra mắt hàng loạt xe điện giá rẻ, cạnh tranh với Trung Quốc
Một số nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu đã ra mắt các mẫu xe điện giá rẻ tại Triển lãm Ô tô Paris trong tuần này, nhằm khơi dậy nhu cầu đang suy giảm và giành lại một phần thị phần hiện đang bị các thương hiệu Trung Quốc nắm giữ.
Sự kiện triển lãm hai năm một lần này, khai mạc vào thứ Hai tại Paris và kéo dài đến Chủ nhật, có thể trở thành bước ngoặt cho ngành công nghiệp ô tô châu Âu.
“Có vẻ như châu Âu đang phản công” - bà Julia Poliscanova, Giám đốc cấp cao phụ trách chuỗi cung ứng xe và di chuyển bằng điện tại nhóm vận động Giao thông & Môi trường cho biết tại Triển lãm Ô tô Paris.
“Triển lãm trưng bày rất nhiều mẫu xe mới, và điều tuyệt vời là có rất nhiều mẫu xe được ra mắt với giá cả phải chăng hơn. Vậy nên Citroen, Peugeot và Renault, tất cả đều trình diễn một số mẫu xe nhỏ giá rẻ” - Poliscanova nói.
“Đây chính là điều chúng ta cần cho thị trường đại chúng, để mọi người mua những chiếc xe đó nhiều hơn, và đây cũng là nơi mà cạnh tranh từ phía Trung Quốc khốc liệt nhất” - bà nói thêm.
Carlos Tavares, Giám đốc điều hành của Stellantis NV, bên cạnh chiếc xe Citroen C5 Aircross Concept tại Triển lãm Ô tô Paris, Pháp |
Các hãng xe lớn châu Âu đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức trên con đường điện hóa hoàn toàn, bao gồm thiếu hụt các mẫu xe giá rẻ, việc triển khai hạ tầng sạc chậm hơn dự kiến và cuộc chiến thương mại đang bùng phát với Trung Quốc.
Áp lực đối với các nhà sản xuất ô tô châu Âu dự kiến sẽ tăng lên vào năm tới, khi các mục tiêu cắt giảm khí thải có hiệu lực. Một số hãng đang kêu gọi các biện pháp cứu trợ khẩn cấp để tránh khả năng bị phạt nặng.
Nhận thức rõ nhu cầu thúc đẩy doanh số xe điện, các nhà sản xuất ô tô đã ra mắt một loạt mẫu xe giá rẻ tại Triển lãm Ô tô Paris.
Chẳng hạn, hãng xe Pháp Renault lần đầu tiên giới thiệu với công chúng nguyên mẫu xe điện Twingo E-Tech. Hãng cho biết sẽ bán chiếc xe điện này ở mức giá khởi điểm dưới 20.000 Euro (21.800 USD) khi nó ra mắt thị trường vào năm 2026.
Renault cũng ra mắt mẫu SUV điện cỡ nhỏ, R4, và hiện đang nhận đơn đặt hàng cho mẫu R5. Thương hiệu Dacia của tập đoàn này đã trình làng mẫu Spring, ca ngợi nó là một trong những mẫu xe điện rẻ nhất thị trường với mức giá dưới 20.000 Euro.
Trong khi đó, tập đoàn ô tô khổng lồ Stellantis đã ra mắt mẫu Citroen C4 và C4 X mới, mô tả chúng như “ví dụ hoàn hảo” về những nỗ lực của hãng trước thách thức của quá trình chuyển đổi năng lượng.
Một phần bánh của chiếc xe điện do Công ty BYD trưng bày tại Triển lãm Ô tô Paris, Pháp |
Di chuyển giá rẻ
“Câu chuyện được đưa ra là mọi người không còn nhu cầu tiêu dùng đối với xe điện, nhưng điều này thực sự không đúng” - Poliscanova cho biết và nói thêm “Năm nay ở châu Âu, chúng ta không có các mẫu xe giá rẻ, và mọi người không mua những chiếc xe cao cấp có giá quá cao. Tuy nhiên, mọi người sẽ đổ xô mua những chiếc xe có giá hợp lý khi chúng được ra mắt vào năm tới”.
Poliscanova cũng cho biết việc ra mắt một số mẫu xe điện giá rẻ có nghĩa là doanh số xe điện có thể chiếm tới 24% thị phần vào năm tới, tăng từ 14% năm nay.
Theo số liệu được công bố bởi công ty dữ liệu JATO, các mẫu xe điện sản xuất tại Trung Quốc thường có giá chỉ bằng một nửa so với ở châu Âu và Mỹ vào năm ngoái, nhấn mạnh thách thức đối với các nhà sản xuất ô tô phương Tây trong nỗ lực theo kịp Bắc Kinh.
JATO cho biết, giá bán lẻ trung bình của một chiếc xe điện sử dụng pin ở Trung Quốc vào nửa đầu năm 2023 là khoảng 31.000 Euro. Trong khi đó, giá bán lẻ trung bình của một chiếc xe điện sử dụng pin trong cùng thời kỳ này ở châu Âu là hơn 66.000 Euro và ở Mỹ là 68.000 Euro.
“Mọi người đang tìm kiếm phương tiện di chuyển giá rẻ” - Denis Le Vot, Giám đốc điều hành của Dacia, nói với CNBC tại Triển lãm Ô tô Paris hôm thứ Hai.
“Chúng tôi đang đổi mới toàn diện mẫu Spring với thiết kế hoàn toàn mới cho phiên bản 2024, động cơ mới, công suất 64 mã lực, hệ thống lái mới, kiến trúc điện tử mới, với mức giá dưới 20.000 Euro. Ở châu Âu không có nhiều xe điện dưới mức giá đó”, ông nói thêm.
“Vì vậy, ngay cả trong phân khúc xe điện, Dacia cũng đóng vai trò mang lại phương tiện di chuyển giá rẻ,” Le Vot nói và lưu ý rằng đã có hơn 150.000 mẫu Spring được bán tại châu Âu.
Pere Brugal, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của GM Châu Âu, cho biết những thách thức mà ngành công nghiệp ô tô châu Âu đang đối mặt nên được coi là giai đoạn chuyển đổi, chứ không phải là một cuộc khủng hoảng.
“Sự chấp nhận các công nghệ mới và hành vi mới không bao giờ là một câu chuyện tăng trưởng tuyến tính, nhưng kết quả cuối cùng sẽ là chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện”, Brugal nói với CNBC tại Triển lãm Ô tô Paris.
Thách thức mà ngành công nghiệp ô tô đang đối mặt là cần phải thay đổi phương thức hoạt động, chứ không phải những trở ngại về mặt vật lý hay kỹ thuật, Brugal cho biết.
“Việc đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng sạc công cộng sẽ giúp ích, nhưng thực tế ở châu Âu giờ đây đã có mạng lưới các trạm sạc xe điện”, ông nói thêm.