Vì sao hợp tác kinh tế Nga - Trung có thể "náo động" thế giới? Việt Nam kiên định thực hiện chính sách ''một Trung Quốc'' Sự trỗi dậy của Trung Quốc: Nỗi ''sợ hãi'' của các nước nhóm G7 |
Những năm qua, hệ thống vũ khí, trang thiết bị chiến đấu chủ lực của Quân đội Trung Quốc liên tục được nâng cấp cả về chất lượng và số lượng. Mục tiêu ngành công nghiệp quốc phòng nước này hướng tới không chỉ sản xuất để trang bị trong nước, mà còn hướng tới xuất khẩu. Xin điểm qua một số loại vũ khí chủ lực của Quân đội Trung Quốc hiện nay.
Xe tăng chủ lực Type 99
Hiện Trung Quốc có khoảng 1000 xe tăng Type 99 đang phục vụ. Đây là xe tăng hạng nặng chiến đấu chủ lực của Trung Quốc. Nó có khả năng phòng thủ và hỏa lực mạnh mẽ. Hiện nay, do sự xuất hiện của nhiều loại vũ khí chống tăng, có nhiều tranh luận trên các diễn đàn quân sự rằng sự xuất hiện của xe tăng là không cần thiết. Nhưng không thể phủ nhận một điều, trên mặt đất, xe tăng là loại vũ khí mạnh nhất. Nếu không có xe tăng, chiến trường sẽ chìm trong biển lửa. Chính nhờ sức mạnh của xe tăng mà nó thu hút vô số hỏa lực của đối phương và bảo vệ quân của mình.
Xe tăng chủ lực Type 99. Nguồn: mil.news.sina.com.cn |
Trực thăng vũ trang WZ-10
WZ-10 là máy bay trực thăng tấn công hạng trung chuyên dụng được trang bị cho Quân đội Trung Quốc. Trực thăng vũ trang WZ-10 có nhiệm vụ chính là chi viện hỏa lực trên chiến trường và chống tăng. Có tính năng tác chiến ưu việt, hàm lượng công nghệ cao, hỏa lực mạnh, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, hiệu suất tổng thể của WZ-10 đã đạt đến trình độ tiên tiến quốc tế. WZ-10 được mệnh danh là “Kẻ săn mồi trên ngọn cây”, nó là loại trang bị có tính cơ động và uy hiếp mạnh nhất của lục quân Trung Quốc.
Trực thăng vũ trang WZ-10. Nguồn: mil.sina.cn |
Tàu khu trục Type 052C/ 052D/ 052DG
Nhờ năng lực siêu công nghiệp của Trung Quốc, vũ khí trang bị cho Hải quân đã bùng nổ trong 15 năm qua, hàng loạt tàu chiến được đưa vào biên chế. Hải quân Trung Quốc hiện có 31 tàu khu trục Type 052 trong biên chế. Đây là tàu khu trục phòng không khu vực có số lượng lớn nhất. Việc đưa số lượng lớn tàu khu trục này vào phục vụ, đã tạo nên một lá chắn phòng thủ cho khu vực ven biển của Trung Quốc.
Tàu khu trục Type 052D. Nguồn: chinatimes.com |
Hàng không mẫu hạm
Tháng 6/2022, Trung Quốc lần đầu tiên cho ra mắt tàu sân bay thứ ba mang tên Phúc Kiến. Đây là con tàu tiên tiến nhất và hoàn toàn được thiết kế và chế tạo trong nước của Trung Quốc, có lượng giãn nước hơn 80.000 tấn, chiều dài khoảng 316 m và chiều rộng trung bình 72 m. Tàu sân bay có thể chứa 2.000 thủy thủ đoàn và 1.000 phi hành đoàn. Hai chiếc khác là Sơn Đông, cũng được đóng trong nước, đưa vào hoạt động vào năm 2019, và Liêu Ninh - tàu sân bay lớp Kuznetsov của Liên Xô, được mua từ Ukraine sau khi Liên Xô tan rã. Việc đưa vào sử dụng hàng không mẫu hạm là một bước tiến vượt bậc đối với Hải quân Trung Quốc, đó là chuyển từ phòng thủ gần bờ sang tác chiến xa bờ.
Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và Sơn Đông. Nguồn: rmh.pdnews.cn |
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp 094
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược dựa vào khả năng tàng hình cao trong các cuộc tấn công bộ ba hạt nhân và là vũ khí răn đe hạt nhân mạnh nhất, được mệnh danh là "Thanh gươm của Damocles". Hiện nay, có 6 Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp 094 được biên chế cho Hải quân Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu
Không quân chính là con dao sắc và tinh vi nhất trên bầu trời. Lịch sử các cuộc chiến tranh đã cho thấy việc chiếm ưu thế tuyệt đối trên bầu trời, đồng nghĩa với việc khóa chặt được đối thủ, và cơ hội dành chiến thắng cũng cao hơn. Không quân Trung Quốc hiện có 3 loại trang bị chủ lực là: Máy bay chiến đấu J-20, J-16 và máy bay ném bom H-6.
J-20 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư đầu tiên của Trung Quốc có khả năng tàng hình, nhận biết tình huống, tính cơ động cao, là một trong những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thế giới hiện nay. Hiện tại, Trung Quốc đã sản xuất được hơn 200 máy bay chiến đấu J-20.
J-16 là máy bay chiến đấu đa năng hạng nặng hai chỗ ngồi do Trung Quốc độc lập nghiên cứu sản xuất. Sự xuất hiện của J-16 đã giúp không quân Trung Quốc dần chuyển sang khả năng tấn công và phòng thủ, cho phép không quân và hải quân thực hiện chuyển đổi nhiệm vụ trong chiến đấu và tiến gần hơn đến mục tiêu tác chiến liên hợp. Hiện có hơn 200 máy bay J-16 được đưa vào phục vụ.
H-6 là loại máy bay ném bom duy nhất được biên chế trong không quân Trung Quốc. Nó có thể mang nhiều loại tên lửa chống hạm hạng nặng và tên lửa hành trình. Với bán kính chiến đấu là 3.500 km, cộng thêm tầm bắn của tên lửa mang theo, H-6 có thể tấn công các mục tiêu hiệu quả ở cách xa 5.000 km. Hiện có 230 máy bay ném bom H-6 được biên chế trong không quân Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) DF41
Lực lượng Tên lửa của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc là sự đảm bảo mạnh mẽ cho khả năng chiến thắng của quân đội. Lực lượng này phối hợp với bom hạt nhân là sự răn đe tuyệt đối đối với đối phương. Trang bị chiến đấu chủ yếu của Lực lượng Tên lửa Trung Quốc có tên lửa Đông Phong (DF41), “sát thủ tàu sân bay” DF26, tên lửa đạn đạo tầm ngắn DF15…
Trong đó, tên lửa DF41 có tầm bắn xa, độ chính xác cao, tốc độ nhanh và khả năng cơ động mạnh. Đây được coi là một trong những loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tiên tiến nhất và có tính răn đe cao nhất trên thế giới hiện nay.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) DF41. Nguồn: mil.sina.cn |
“Sát thủ tàu sân bay” – tên lửa DF26 có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác nhằm vào nhiều mục tiêu khác nhau, đặc biệt là tên lửa tầm trung và tầm xa có thể tấn công các mục tiêu trên biển. DF26 có tầm bắn 4.000 km và có thể mang theo đầu đạn thường lẫn đầu đạn hạt nhân, dùng để tấn công mục tiêu trên bộ và trên biển. Tên lửa đạn đạo tầm ngắn DF15 là tên lửa đạn đạo tầm ngắn cơ động, có thể mang đầu đạn nặng tới 500kg, khả năng tấn công nhanh, liên tục và sát thương hiệu quả, nhất là các mục tiêu nhỏ đặc biệt quan trọng của đối phương.