Hội nghị với sự tham gia kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư của hơn 200 doanh nghiệp Đà Nẵng (Việt Nam) và Nhật Bản.
130 doanh nghiệp Nhật Bản và gần 100 doanh nghiệp Đà Nẵng tham gia tìm kiếm cơ hội xúc tiến thương mại, đầu tư |
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Tân Thành cho biết, Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp. Nhật Bản là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2018, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam - Nhật Bản đạt 37,8 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu hơn 18 tỷ USD, nhập khẩu hơn 19 tỷ USD. Trong quý I/2019, kim ngạch thương mại 2 chiều đạt hơn 11 tỷ USD.
Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản các mặt hàng như dệt may, thủy sản, máy móc thiết bị, phụ tùng, đồ gỗ, điện thoại di động, linh kiện điện tử; và nhập khẩu các máy móc thiết bị công nghệ cao, linh kiện…
2 quốc gia đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại 2 chiều lên 60 tỷ USD vào năm 2020.
Theo ông Thành, mục tiêu này là hoàn toàn có thể bởi Việt Nam và Nhật Bản là đối tác toàn diện, sâu rộng. Mặc dù trong thời gian qua, quan hệ thương mại giữa 2 quốc gia đạt nhiều thành quả, nhưng chưa thực sự tương xứng và còn rất nhiều dư địa. Nhật Bản là thị trường có sức tiêu thụ cao nhưng hiện nay hàng Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản còn khá khiêm tốn.
Đặc biệt, Việt Nam và Nhật Bản hiện là thành viên của 3 FTA song phương, đa phương gồm Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tạo những cơ hội và điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động giao thương giữa 2 quốc gia thông qua việc dỡ bỏ hàng loạt hàng rào thuế quan, những ưu đãi hàng hóa dành riêng và khai thác tối đa thế mạnh của 2 bên.
Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam tại Nhật Bản |
Ngoài ra, ông Thành cho biết thêm, về thu hút đầu tư, Nhật Bản tiếp tục là nhà đầu tư lớn thứ 2 của Việt Nam với 4.118 dự án, tổng vốn đăng ký 57,3 tỷ USD (tính đến tháng 4/2019). Các dự án chủ yếu tập trung trong công nghiệp chế biến, chế tạo, bán lẻ, bất động sản…. Hiện có hơn 2.500 doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư kinh doanh thành công tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp trong số đó có kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp Nhật Bản và Đà Nẵng đã trao đổi, giới thiệu thông tin và mong muốn tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư. Theo đó, các doanh nghiệp của Đà Nẵng trong các lĩnh vực công nghệ hỗ trợ, IT, dệt may, thủy sản, giáo dục… mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản để mở rộng thị trường, tiếp cận công nghệ và mô hình quản lý mới. Phía các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn tìm hiểu về môi trường đầu tư tại TP. Đà Nẵng và tìm kiếm cơ hội xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp Đà Nẵng trong các lĩnh vực tư vấn, dịch vụ…
Được biết, Nhật Bản hiện là quốc gia dẫn đầu các quốc gia đầu tư vào Đà Nẵng với 180 dự án, tổng vốn đầu tư gần 890 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, công nghệ cao, dịch vụ, bất động sản du lịch.