Các chuyên gia thế giới bàn chuyện chống dịch tả lợn tại Việt Nam
Hội Bệnh lý thú y châu Á (Asian Society of Veterinary Pathology - ASVP), thành lập từ 2003 với 9 nước thành viên. Hai năm một lần, các nước thành viên sẽ tổ chức hội thảo khoa học với mục đích chia sẻ, hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y.
Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan (thứ ba từ trái qua) và các diễn giả tại Hội thảo |
Năm 2017, tại Ấn Độ, Việt Nam đã giành quyền đăng cai hội thảo ASVP 2019. GS.TS Nguyễn Thị Lan, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Học viện nông nghiệp Việt Nam được bầu làm Chủ tịch ASVP nhiệm kì 2017 - 2019.
Tại ASVP 2019, 43 báo cáo khoa học, 60 poster nghiên cứu của 34 đại biểu quốc tế đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm tham chiếu về dịch tả lợn châu Phi của Tổ chức Thú y thế giới (OIE).
Đặc biệt, hội thảo có sự góp mặt của các nhà nghiên cứu nổi tiếng thế giới về dịch tả lợn châu Phi và ung thư như TS. Aruna Ambagala - Phòng tham chiếu về dịch tả lợn châu Phi của OIE tại Canada; TS. Francisco Javier Salguero Bodes - Trung tâm y tế công cộng (Vương quốc Anh); Giáo sư Achariya Sailasuta - nguyên chủ tịch Hội Thú y châu Á.
Ghi nhận tại hội thảo cho thấy, những vấn đề của hội thảo nói chung và ngành chăn nuôi, doanh nghiệp chăn nuôi và thú y Việt Nam đang gặp phải nói riêng cũng là vấn đề thời sự của nhiều nước châu Á, ngay cả các nước có nền nông nghiệp phát triển. Đặc biệt là việc đối phó dịch tả lợn châu Phi đã được nhiều chuyên gia chia sẻ các kinh nghiệm thiết thực.
Theo đó trong bối cảnh chưa có vắc xin phòng ngừa, cùng với việc tuân thủ nghiêm các khuyến nghị của các chuyên gia quanh việc tái đàn, cần có các giám sát chính xác tình hình dịch tễ; áp dụng những biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt để kiểm tra sự thích ứng đối với những nhóm mục tiêu đặc biệt (như nhà máy thức ăn, trại lợn, tài xế xe tải, v.v.); kiểm soát nghiêm ngặt hệ thống cung cấp và tập trung vào kiểm tra ngăn ngừa để tránh nhiễm từ nguyên liệu nhiễm và khâu xử lý nhiệt.
Với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thú y của Việt Nam, đây còn là một cơ hội rất hữu ích để tiếp cận các nghiên cứu mới nhất của các công ty, tập đoàn hàng đầu thế giới được chia sẻ tại hội thảo. Hiện doanh nghiệp thú y Việt Nam mới chiếm khoảng 20% thị phần thị trường kinh doanh thú y ở Việt Nam. Trong khi chờ các giải pháp đồng bộ về tiếp cận nguồn vốn cho kinh doanh, việc tiếp cận được các công nghệ mới sẽ giúp doanh nghiệp thú y Việt Nam đẩy nhanh việc cải thiện thị phần và phát huy thế mạnh am hiểu thị trường, khả năng phản ứng nhanh khi có các sự cố để giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.