Cải cách môi trường kinh doanh: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ
Ảnh minh họa |
Đánh giá thực hiện các Nghị quyết 19/CP về cải thiện môi trường kinh doanh giai đoạn 2014-2017, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận xét: Các chỉ số về “tiếp cận điện năng”, “bảo vệ nhà đầu tư”, “nộp thuế”, “tiếp cận tín dụng”... đã có sự cải thiện mạnh. Tuy nhiên, vẫn có một số chỉ số như “đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản”, “giải quyết phá sản doanh nghiệp”, “khởi sự kinh doanh”… còn chậm cải thiện, thậm chí giảm điểm, tụt hạng, hoặc vẫn ở vị trí thấp. Phần lớn các chỉ số đã có sự cải thiện mạnh đều thuộc các lĩnh vực “nóng” được dư luận đặc biệt quan tâm, có sự phản biện, kiến nghị nhiều từ phía cộng đồng doanh nghiệp.
Liên quan đến cải cách kiểm tra chuyên ngành, đến nay mới có vài Bộ, ngành xử lý được một số vấn đề cụ thể. Chẳng hạn Bộ Công Thương đã bãi bỏ kiểm tra formadehyte, thay đổi dán nhãn năng lượng; Bộ Y tế đã cải cách quản lý về an toàn thực phẩm từ tiền kiểm sang hậu kiểm; Bộ Xây dựng đã bỏ 4 nhóm sản phẩm kiểm tra chuyên ngành... Theo ông Cung, kết quả tổng thể đạt được vẫn còn rất xa so với mục tiêu Nghị quyết 19/CP đề ra là giảm 20% số lượng và 50% danh mục hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Để nâng cao hiệu quả cải cách môi trường kinh doanh Nghị quyết 19/CP đề ra, khắc phục tình trạng trên chỉ đạo quyết liệt, dưới “chưa vội”, Chính phủ cần siết chặt kỷ cương công vụ, kỷ luật nghiêm khắc những tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ được giao. |
Tại hội nghị quốc tế về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng và qui mô tăng trưởng kinh tế, tổ chức ở Hà Nội trung tuần tháng 3/2018, Chuyên gia kinh tế - bà Phạm Chi Lan cho rằng: Cần phải bổ sung, cập nhật Nghị quyết 19/CP để tiếp tục cải cách, nhất là đối với những chỉ số môi trường kinh doanh đang có thứ hạng thấp hoặc ít được cải thiện, nếu không chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm 2018 có thể sẽ bị đánh tụt hạng. Bà Lan kiến nghị, lập bảng theo dõi tiến độ thực hiện nhiệm vụ cải cách của từng Bộ, ngành theo Nghị quyết 19/CP; đồng thời tăng cường vai trò và các công cụ giám sát, đánh giá từ phía người dân và doanh nghiệp đối với việc cải cách, cắt giảm các thủ tục, điều kiện kinh doanh do các Bộ, ngành cam kết thực hiện một cách thực chất, tránh kiểu gom vài điều kiện vào làm một rồi nói là cắt giảm.
Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có một (01) triệu doanh nghiệp hoạt động (tương đương với mức bình quân của ASEAN cứ 100 người dân có 01 doanh nghiệp). Để đạt mục tiêu này, nhiều giải pháp đã được ban hành nhằm cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh... Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh là thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, gương mẫu từ các Bộ, ngành trung ương trở xuống. Các Bộ, ngành cần phải bám sát, nắm bắt những vấn đề đặt ra từ thực tiễn để cải cách thực chất, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo, phát huy giá trị của mình… theo các quy định của pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để cải cách môi trường kinh doanh, một số quốc gia đã thành lập cơ chế hội đồng gồm đại diện Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan với sự tham gia của đại diện cộng đồng doanh nghiệp (bao gồm cả khối doanh nghiệp tư nhân) nhằm thảo luận, giải quyết những vấn đề đặt ra đối với môi trường kinh doanh, trong đó các bên liên quan phải có trách nhiệm giải trình việc thực hiện các cam kết cải cách./.