Buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến ngày càng phức tạp
“Đặc biệt, nổi lên tình trạng hàng hóa sản xuất từ nước ngoài, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ, nhãn mác “Made in Việt Nam” để gian lận thương mại, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp Việt Nam và thiệt hại người tiêu dùng” - ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Chống buôn lậu và gian lận thương mại Quốc gia (389 Quốc gia) cho biết.
Nhiều thủ đoạn tinh vi manh động
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, với đặc điểm đường biên giới trải dài, địa hình phức tạp, tiếp giáp với 3 nước: Trung Quốc, Lào và Campuchia, các đối tượng buôn lậu đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, trên tuyến biên giới phía Bắc, tình hình buôn lậu diễn ra tại các tỉnh trọng điểm như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang… với các mặt hàng như: hàng bách hóa tiêu dùng, đồ điện tử, ma túy, pháo nổ… Đáng chú ý, các đối tượng thường lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan để buôn lậu. Mới đây tại Lào Cai, lực lượng Hải quan tỉnh đã phát hiện 16 container chứa 440 tấn hạt dẻ có dấu hiệu lợi dụng chính sách hàng tạm nhập - tái xuất thẩm lậu vào nội địa.
Trên tuyến biên giới miền Trung, trọng điểm là các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép chủ yếu là các mặt hàng: rượu, bia, nước giải khát, động vật hoang dã… và buôn bán, vận chuyển ma túy diễn biến rất phức tạp. Nhiều vụ việc đối tượng liều lĩnh chống trả lực lượng thi hành công vụ, như trường hợp thiếu tá Vi Văn Nhất - Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa hy sinh khi đang làm nhiệm vụ truy bắt tội phạm ma túy.
Trên tuyến biên giới Tây Nam bộ, với đặc điểm biên giới phẳng, chủ yếu vận chuyển hàng hóa qua sông, rạch, địa bàn trọng điểm là các tỉnh: An Giang, Long An, Tây Ninh, Kiên Giang.... các đối tượng buôn bán, vận chuyển chủ yếu là các mặt hàng như: Phế liệu, thuốc lá, đường cát, đồ điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng đã qua sử dụng.
Ngoài ra, tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế, đặc biệt là địa bàn trọng điểm Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng; bưu điện quốc tế, chuyển phát nhanh tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lớn, các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm bị là hàng hóa gọn nhẹ có giá trị kinh tế cao và dễ cất dấu như vàng, sản phẩm động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá, xì gà...
Tuyến đường biển, cảng biển tại các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Quảng Ninh... hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng như: xăng, dầu, than, pháo nổ, thuốc lá điếu vẫn xảy ra phức tạp, trọng điểm tại vùng biển Đông Bắc, biển miền Trung và vùng biển phía Nam. Bên cạnh đó, còn có tình trạng lợi dụng chính sách hàng tạm nhập tái xuất, trung chuyển để thẩm lậu hàng hóa vào thị trường Việt Nam. Tình hình vận chuyển trái phép hàng hóa nằm trong danh mục cấm: cá thể tê tê, vảy tê tê, ngà voi... có chiều hướng gia tăng, các lô hàng nhập khẩu khai là mặt hàng gỗ, tuy nhiên trong các lô hàng lại cất giấu các sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp.
Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cũng cho biết, tình trạng buôn bán, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phức tạp, có chiều hướng gia tăng ở khắp các vùng miền, đặc biệt khu vực đô thị, với nhiều mặt hàng như: xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng bách hóa tiêu dùng, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu… Đáng kể là tình trạng hàng hóa sản xuất từ nước ngoài, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ, nhãn mác “Made in Vietnam”, trong đó tập trung mặt hàng tiêu dùng, thời trang… để gian lận thương mại, gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng doanh nghiệp sản xuất trong nước và thiệt hại cho người tiêu dùng.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã chính thức đưa ra cảnh báo về tình trạng hàng nước ngoài giả mạo xuất xứ “Made in Vietnam” để hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu đi nước ngoài. Theo đó, việc gian lận thương mại thông qua việc ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất Việt Nam để xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế ngày một gia tăng.
Kiểm soát cả chiều sâu lẫn chiều rộng
Trước tình hình đó, song song với việc ban hành và triển khai các kế hoạch giám sát, kiểm tra việc thực hiện thí điểm một số chính sách xuất khẩu tạm nhập - tái xuất, gửi kho ngoại quan tại các tỉnh biên giới, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã tham mưu xử lý các nội dung Chính phủ chỉ đạo như: tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại Quảng Ninh, tại Lạng Sơn; hàng hóa sản xuất nước ngoài nhưng gắn nhãn mác “made in Việt Nam”; triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả, kém chất lượng... Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết và Kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia ban hành về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chú trọng nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; thuốc lá, xì gà; xăng dầu; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật....
Thời gian tới, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, ông Đàm Thanh Thế nhấn mạnh, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 sẽ chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo 389 Quốc gia nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành, đồng thời tích cực hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc hoạt động của các Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả …. Nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập các tổ công tác để thu thập thông tin về các hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, bao che, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ; báo cáo, đề xuất lãnh đạo Ban chỉ đạo xử lý nghiêm.
6 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 85.892 vụ việc buôn lậu và gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, thu nộp ngân sách nhà nước đạt trên 6.165 tỷ đồng, khởi tố vụ việc với 1.546 đối tượng (tăng trên 56% so với cùng kỳ 2018). |